Đo chiều dài

Lý thuyết về đo chiều dài khoa học tự nhiên lớp 6 sách kết nối tri thức với cuộc sống với nhiều dạng bài cùng phương pháp giải nhanh kèm bài tập vận dụng
(401) 1336 26/09/2022

I. Đơn vị độ dài

- Đơn vị đo độ dài hợp pháp của nước Việt Nam là mét (m).

- Một số đơn vị là ước số và bội số thập phân của đơn vị mét thường gặp là:

1 milimet (mm) = 0,001 m (1 m = 1000 mm)

1 xentimet (cm) = 0,01 m (1 m = 100 cm)

1 đêximet (dm) = 0,1 m (1 m = 10 dm)

1 kilômet (km) = 1000 m (1 m = 0,001 km)

- Ngoài ra, ở một số quốc gia còn dùng các đơn vị khác như:

+ 1 in (inch) = 2,54 cm

+ 1 dặm (mile) = 1609 m \(\left( { \approx 1,6km} \right)\)

II. Dụng cụ đo chiều dài

- Để đo độ dài ta dùng thước đo.

- Tùy theo mục đích đo lường, người ta có thể sử dụng các loại thước đo khác nhau như: thước thẳng, thước dây, thước cuộn,…

- Khi dùng bất kì dụng cụ đo nào cũng cần biết giới hạn đo (GHĐ) và độ chia nhỏ nhất (ĐCNN) của nó:

+ Giới hạn đo (GHĐ) của thước là độ dài lớn nhất ghi trên thước.

+ Độ chia nhỏ nhất (ĐCNN) của thước là độ dài giữa hai vạch chia liên tiếp trên thước.

Lưu ý:

- Nên chọn dụng cụ đo có GHĐ lớn hơn giá trị cần đo một chút để chỉ đo một lần.

- Muốn đo tới đơn vị đo nào, nên chọn dụng cụ đo có ĐCNN bằng đơn vị đo đó.

III. Cách đo chiều dài

Để đo chiều dài, ta cần thực hiện các bước như sau:

Bước 1: Ước lượng chiều dài cần đo để chọn thước đo thích hợp.

Bước 2: Đặt thước dọc theo chiều dài cần đo, vạch số 0 của thước ngang với một đầu của vật.

 

Bước 3: Mắt nhìn theo hướng vuông góc với cạnh ở đầu kia của vật

 

Bước 4: Đọc kết quả đo theo vạch chia gần nhất với đầu kia của vật.

Bước 5: Ghi kết quả đo theo ĐCNN của thước.

IV. Vận dụng cách đo chiều dài vào đo thể tích

- Đơn vị đo thể tích thường dùng là mét khối (m3) và lít (l):

\(1{m^3} = 1000l;1ml = 1c{m^3}\)

- Để đo thể tích của một vật rắn không thấm nước, người ta dùng một bình chia độ và một bình tràn.

- Cũng giống như thước đo chiều dài, bình chia độ cũng có GHĐ và ĐCNN.

* Cách đo thể tích vật rắn không thấm nước:

- Dùng bình chia độ:

+ Đổ một lượng chất lỏng vào bình chia độ có thể tích \({V_1}\) đủ để nhấn chìm vật rắn.

+ Thả chìm vật rắn vào bình chia độ, nước trong bình sẽ dâng lên đến thể tích \({V_2}\).

+ Thể tích V của vật là: \(V = {V_2} - {V_1}\)

- Dùng bình tràn: (sử dụng khi vật rắn không bỏ lọt bình chia độ)

+ Đổ đầy nước vào bình tràn, thả vật rắn vào trong bình tràn. Khi đó, lượng nước tràn ra bằng thể tích của vật.

+ Dùng bình chia độ để đo lượng lượng tràn ra => thể tích của vật.

(401) 1336 26/09/2022