Bài giảng Giá trị văn học và tiếp nhận văn học

Tóm tắt bài Gía trị văn học và tiếp nhận văn học ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 12, soạn bài dễ dàng
(379) 1262 26/07/2022

I. GIÁ TRỊ VĂN HỌC

- Giá trị văn học là sản phẩm kết tinh từ quá trình văn học, đáp ứng những nhu cầu khác nhau của cuộc sống con người, tác động sâu sắc tới cuộc sống và con người.

- Những giá trị cơ bản:

+ Giá trị nhận thức

+ Giá trị giáo dục

+ Giá trị thẩm mĩ

1. Giá trị nhận thức

* Cơ sở:

- Tác phẩm văn học là kết quả của quá trình nhà văn khám phá, lí giải hiện thực đời sống rồi chuyển hoá những hiểu biết đó vào nội dung tác phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu nhận thức của con người.

- Mỗi người thường chỉ sống trong một khoảng thời gian nhất định, ở một địa điểm nhất định, với những mối quan hệ nhất định trong gia đình và xã hội.

- Giá trị nhận thức là khả năng của văn học có thể đáp ứng được yêu cầu của con người muốn hiểu biết rõ hơn, sâu hơn cuộc sống xung quanh và chính bản thân mình, từ đó tác động vào cuộc sống có hiệu quả hơn.

* Nội dung:

- Qúa trình nhận thức cuộc sống của văn học: nhận thức nhiều mặt cuộc sống với những thời gian, không gian khác nhau (quá khứ, hiện tại, tương lai, các vùng đất, các dân tộc, phong tục, tập quán,…)

- Qúa trình tự nhận thức của văn học: người đọc hiểu được bản chất của con người nói chung (mục đích tồn tại, tư tưởng, khát vọng, sức mạnh,…của con người). Đồng thời, từ chính cuộc đời của người khác, mỗi người đọc có thể liên hệ, so sánh, đối chiếu để hiểu chính bản thân mình hơn với tư cách là con người cá nhân.  

2. Giá trị giáo dục

* Cơ sở

- Con người không chỉ có nhu cầu hiểu biết mà còn có nhu cầu hướng thiện, khao khát cuộc sống tốt lành, chan hòa tình yêu thương.

- Nhà văn luôn bộc lộ tư tưởng – tình cảm, nhận xét, đánh giá,…của mình trong tác phẩm. Điều đó tác động lớn và có khả năng giáo dục người đọc.

- Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Gía trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức.

* Nội dung:

- Giá trị giáo dục của văn học trước hết biểu hiện ở khả năng đem đến cho con người những bài học quý giá về lẽ sống để họ tự rèn luyện bản thân mình ngày một tốt đẹp hơn. Về tư tưởng, văn học hình thành trong người đọc một lí tưởng tiến bộ, giúp cho họ có thái độ và quan điểm đúng đắn về cuộc sống.

- Về đạo đức, văn học nâng đỡ cho nhân cách của con người phát triển, giúp cho họ biết phân biệt phải - trái, tốt - xấu, đúng - sai, có quan hệ tốt đẹp và biết gắn bó cuộc sống của cá nhân mình với cuộc sống của mọi người. Tóm lại, giá trị giáo dục là khả năng của văn học có thể thay đổi hoặc nâng cao tư tưởng, tình cảm của con người theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp, tiến bộ, đồng thời làm cho con người ngày càng hoàn thiện về đạo đức.

- Đặc trưng giáo dục của văn học giáo dục con người bằng con đường từ cảm xúc tới nhận thức, bằng cái thật, cái đúng, cái đẹp của những hình tượng sinh động, đầy sức thuyết phục. Có lẽ vì thế tác dụng giáo dục của văn học không phải ngay lập tức mà dần dần, thấm sâu nhưng rất lâu bền, nó gợi những cảm nghĩ sâu xa về con người và cuộc đời, nó gián tiếp đưa ra những bài học, những đề nghị về cách sống.

3. Giá trị thẩm mĩ

* Cơ sở

- Con người luôn có nhu cầu cảm thụ, thưởng thức cái đẹp và trong sự tồn tại của mình, con người không những muốn cuộc sống tốt hơn mà còn đẹp hơn.

- Nhiều sự vật, hiện tượng trong thế giới hiện thực đã có sẵn vẻ đẹp, nhưng không phải ai cũng có thể nhận biết và cảm thụ được những vẻ đẹp ấy.

- Giá trị thẩm mĩ là khả năng của văn học có thể phát hiện và miêu tả những vẻ đẹp của cuộc sống một cách sinh động, giúp con người cảm nhận được và biết rung động một cách tinh tế, sâu sắc trước những vẻ đẹp đó.

* Nội dung

- Văn học mang tới cho con người những vẻ đẹp muôn hình muôn vẻ của cuộc đời: vẻ đẹp trong thiên nhiên, trong cảnh vật của đất nước (chùm thơ thu của Nguyễn Khuyến), vẻ đẹp của những cảnh đời cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, vẻ đẹp hào hùng của chiến trận (sử thi I-li-át của Hô-me-rơ, truyện Thánh Gióng). Đặc biệt,

- Văn học đi sâu miêu tả vẻ đẹp của con người từ hình thể bên ngoài đến những diễn biến sâu xa của tư tưởng - tình cảm và những hành động gây ấn tượng thật khó quên với mọi người: Thuý Kiều với tài sắc vẹn toàn, hành động bán mình cứu cha và nỗi lòng đau xót, nhớ thương khi ở lầu Ngưng Bích).

- Văn học có thể phát hiện ra vẻ đẹp của những sự vật rất nhỏ bé, bình thường và cả vẻ đẹp của một dân tộc suốt trường kì lịch sử.

4. Mối quan hệ giữa các giá trị văn học

- Ba giá trị trên đây của văn học có mối liên hệ rất mật thiết, không tách rời, cùng tác động đến người đọc (khái niệm chân – thiện – mĩ của cha ông).

- Giá trị nhận thức luôn là tiền đề của giá trị giáo dục. Giá trị giáo dục làm sâu sắc thêm giá trị nhận thức. Giá trị thẩm mĩ khiến cho giá trị nhận thức và giá trị giáo dục được phát huy. Không có nhận thức đúng đắn thì văn học không thể giáo dục được con người vì nhận thức  là để hành động.

II. TIẾP NHẬN VĂN HỌC

Các giá trị văn học thể hiện sức tác động thông qua tiếp nhận văn học.

1. Tiếp nhận trong đời sống văn học

- Tiếp nhận văn học là quá trình người đọc hòa mình vào tác phẩm, rung động với nó, đắm chìm trong thế giới nghệ thuật được dựng lên bằng ngôn ngữ, lắng tai nghe tiếng nói của tác giả, thưởng thức cái hay, cái đẹp, tài nghệ của người sáng tạo.

- Tiếp nhận văn học là hoạt động tích cực của cảm giác, tâm trí người đọc nhằm biến văn bản thành thế giới nghệ thuật trong tâm trí mình.

2. Tính chất tiếp nhận văn học

- Tính chất cá thể hóa, tính chủ động, tích cực của người tiếp nhận.

- Tính đa dạng, không thống nhất: cảm thụ, đánh giá của công chúng về một tác phẩm rất khác nhau, thậm chí cùng một người ở nhiều thời điểm có nhiều khác nhau trong cảm thụ, đánh giá. Nguyên nhân ở cả tác phẩm (nội dung phong phú, hình thức phức tạp, ngôn từ đa nghĩa…) và người tiếp nhận (tuổi tác, king nghiệm, học vấn, tâm trạng,…)

3. Các cấp độ tiếp nhận văn học

- Cấp độ 1: cảm thụ chỉ tập trung vào nội dung cụ thể, nội dung trực tiếp của tác phẩm, tức là xem tác phẩm kể chuyện gì, có tình ý gì, các tình tiết diễn biến ra sao,…

- Cấp độ 2: cảm thụ qua nội dung trực tiếp để thấy nội dung tư tưởng của tác phẩm. Người đọc có tư duy phân tích, khái quát, biết từ những gì cụ thể, sinh động mà thấy vấn đề đặt ra và cách thức người viết đánh giá, giải quyết vấn đề theo một khuynh hướng tư tưởng – tình cảm nào đó.

- Cấp độ 3: cảm thụ chú ý đến cả nội dung và hình thức biểu hiện của tác phẩm, thấy cả giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của nó, cảm nhận được cái sinh động, hấp dẫn của đời sống được tái hiện,…qua đó không chỉ thấy rõ ý nghĩa xã hội sâu sắc của tác phẩm mà còn xem việc đọc tác phẩm là cách để nghĩ, để cảm, để tự đối thoại với mình và đối thoại với tác giả, suy tư về cuộc đời, từ đó tác động tích cực đến tiến trình đời sống.  

(379) 1262 26/07/2022