Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái

Lý thuyết về Trao đổi vật chất trong hệ sinh thái MÔN SINH Lớp 12, khái niệm chuỗi thức ăn, lưới thức ăn, các bậc dinh dưỡng; khái niệm tháp sinh thái và các loại tháp sinh thái.
(399) 1330 28/07/2022

I. TRAO ĐỔI VẬT CHẤT TRONG QUẦN XÃ SINH VẬT

1. Chuỗi thức ăn

Là một dãy gồm nhiều loài sinh vật có quan hệ dinh dưỡng với nhau. Mỗi loài là một mắt xích. Trong một chuỗi, một mắt xích vừa có nguồn thức ăn là mắt xích phía trước vừa là nguồn thức ăn của mắt xích phía sau.

Ví dụ:

Có 2 loại chuỗi thức ăn:

Chuỗi thức ăn mở đầu bằng cây xanh → động vật ăn thực vật → động vật ăn động vật

Ví dụ: cây ngô → sâu ăn lá ngô → nhái → rắn hổ mang → diều hâu

Chuỗi thức ăn mở đầu bằng chất hữu cơ bị phân giải → sinh vật phân giải mùn, bã hữu cơ → động vật ăn sinh vật phân giải → các động vật ăn động vật khác

Ví dụ: lá, cành khô → mối → nhện → thằn lằn

- Chuỗi thức ăn thứ 2 là hệ quả của chuỗi thức ăn thứ nhất. Trong tự nhiên, chuỗi thức ăn thứ 2 thường đóng vai trò ưu thế. Những chất bài tiết của động vật và mảnh vụn xác động thực vật thường bị phân giải. Hai chuỗi thức ăn hoạt động đồng thời, song tùy nơi, tùy lúc mà 1 trong 2 chuỗi trở thành ưu thế. Ví dụ, trên đồng cỏ Mộc Châu vào mùa xuân hè, cỏ dồi dào, non tơ làm thức ăn cho trâu, bò và các loài côn trùng ăn cỏ. Vào mùa đông khô lạnh, cỏ cằn cỗi, úa vàng, chuỗi thức ăn khởi đầu bằng mùn bã sinh vật trở nên ưu thế hơn

2. Lưới thức ăn

Lưới thức ăn trong một quần xã gồm nhiều chuỗi thức ăn có nhiều mắt xích chung.

Quần xã sinh vật càng đa dạng về thành phần loài thì lưới thức ăn trong quần xã càng phức tạp

3. Bậc dinh dưỡng

Trong 1 lưới thức ăn, tập hợp các loài sinh vật có cùng mức dinh dưỡng hợp thành một bậc dinh dưỡng.

Trong quần xã có nhiều bậc dinh dưỡng:

Bậc dinh dưỡng cấp 1 (sinh vật sản xuất): sinh vật tự dưỡng

Bậc dinh dưỡng cấp 2 (sinh vật tiêu thụ bậc 1): động vật ăn sinh vật sản xuất

Bậc dinh dưỡng câp 3 (sinh vật tiêu thụ bậc 2): động vật ăn sinh vật tiêu thụ bậc 1

Bậc dinh dưỡng cấp 4, cấp 5 (sinh vật tiêu thụ bậc 3, bậc 4)

Bậc dinh dưỡng cấp cao nhất: bậc cuối cùng trong chuỗi thức ăn.

II. THÁP SINH THÁI

Là độ lớn của các bậc dinh dưỡng được xác định bằng số lượng cá thể, sinh khối hay năng lượng ở mỗi bậc dinh dưỡng

Có 3 loại tháp sinh thái:

Tháp số lượng: được xây dựng trên số lượng cá thể sinh vật ở mỗi bậc dinh dưỡng.

Tháp sinh khối: được xây dựng dựa trên khối lượng tổng số của tất cả các sinh vật trên 1 đơn vị diện tích hay thể tích ở mỗi bậc dinh dưỡng.

Tháp năng lượng: là hoàn thiện nhất, được xây dựng trên số năng lượng được tích luỹ trên 1 đơn vị diện tích hay thể tích trong 1 đơn vị thời gian ở mỗi bậc dinh dưỡng.

(399) 1330 28/07/2022