Bài 18: kh m
1/ Làm quen
* kh:
- Tiếng khế gồm âm kh, âm ê và thanh sắc .
- Âm kh đứng trước, âm ê đứng sau, thanh sắc đặt trên đầu âm ê
- Đánh vần: khờ - ê - khê - sắc - khế, khế
* me:
- Tiếng me gồm âm m, âm e
- Âm m đứng trước, âm e đứng sau.
- Đánh vần: mờ - e - me, me
* Chú thích:
- Khế có loại ngọt, có loại chua, thường được dùng để làm mứt hoặc nấu canh.
- Me là loại quả thường được dùng để nấu canh hoặc làm mứt.
2/ Mở rộng vốn từ
Tìm tiếng có chứa âm kh, m:
Trả lời:
a. Tiếng có chứa âm kh
- Tìm trong tranh tiếng có chứa âm kh: khe đá, cá kho, khỉ
- Tìm thêm những tiếng khác có chứa âm kh: khó, khóc, khắc, ...
b. Tiếng có chứa âm m:
- Tìm trong tranh tiếng có chứa âm m: mẹ, mỏ, cá mè
- Tìm thêm những tiếng khác có chứa âm m: mơ, mợ, màn, mưa, môi, ...
3/ Tập đọc
a) Giới thiệu tình huống
Bi vừa đi học về, mẹ ở trong bếp đang nấu ăn, ra 1 câu hỏi đố Bi. Bố đang bế em bé cũng ra một câu hỏi đố Bi.
b) Đọc phân vai
- Mẹ: Bi đó à?
- Bi: Dạ.
- Mẹ: Đố Bi mẹ có gì?
- Bi: Mẹ có cá kho khế.
- Bố: Đố Bi bố có gì?
- Bi: Bố có bé Li.
c) Ý nghĩa
- Gia đình Bi sống rất vui vẻ, hạnh phúc.
- Mọi người trong gia đình Bi đều rất vui tính.
4/ Hướng dẫn viết
- Chữ kh: viết k trước, h sau.
- Tiếng khế: chú ý dấu sắc đặt trên đầu chữ ê; nối nét giữa kh và ê.
- Chữ m cao 2 li; gồm 2 nét móc xuôi liền nhau và 1 nét móc 2 đầu. Cách viết: Đặt bút giữa ĐK 2 và ĐK 3, viết nét móc xuôi (chạm ĐK 3), dừng bút ở ĐK 1. Từ điểm dừng của nét 1, rê bút lên gần ĐK 2, viết nét móc xuôi thứ hai có độ rộng hơn nét 1, dừng bút ở ĐK 1. Từ điểm dừng của nét 2, rê bút lên gần ĐK 2 để viết tiếp nét móc hai đầu (độ rộng bằng nét 2), dừng bút ở ĐK 2.
- Tiếng me: viết m trước, e sau; chú ý nối nét giữa m và e.