Nguyên nhân thắng lợi, ý nghĩa lịch sử của ba lần kháng chiến chống quân xâm lược Mông – Nguyên.
IV. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI VÀ Ý NGHĨA LỊCH SỬ
1. Nguyên nhân thắng lợi
- Toàn dân đánh giặc, đoàn kết, quyết thắng: tất cả các tầng lớp nhân dân, các thành phần dân tộc đều tham gia đánh giặc, bảo vệ quê hương đất nước. Giặc đến đâu, nhân dân theo lệnh triều đình cất giấu lương thảo, của cải, thực hiện "vườn không nhà trống", tự vũ trang đánh giặc, hăng hái tham gia các đội dân binh,...
- Chuẩn bị chu đáo của nhà Trần: chăm lo sức dân, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân bằng nhiều biện pháp để tạo nên sự gắn bó đoàn kết giữa triều đình với nhân dân.
- Quý tộc, vương hầu nhà Trần đoàn kết: chủ động giải quyết mối bất hòa trong nội bộ vương triều, tạo nên hạt nhân của khối đoàn kết dân tộc mà Trần Quốc Tuấn là tiêu biểu.
- Quân đội nhà Trần tinh nhuệ, quả cảm, có tinh thần hy sinh, quyết thắng.
- Sự đóng góp của các danh tướng: Trần Hưng Đạo, Trần Khánh Dư, Trần Quang Khải, Trần Nhật Duật.
- Nghệ thuật quân sự:
+ Thực hiện kế sách "vườn không nhà trống", "thanh dã".
+ Tránh mạnh, đánh yếu
+ Buộc địch đánh theo cách đánh của ta
+ Buộc địch lâm vào bị động
+ Chớp thời cơ.
2. Ý nghĩa lịch sử
- Đập tan tham vọng xâm lược Đại Việt của đế chế Nguyên.
- Bảo vệ độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia của dân tộc.
- Khẳng định sức mạnh của dân tộc Việt Nam, nâng cao lòng tự hào, tự cường chính đáng cho dân tộc ta, củng cố niềm tin trong nhân dân.
- Xây đắp truyền thống quân sự Việt Nam, truyền thống chiến đấu của một nước nhỏ nhưng luôn phải chống lại những kẻ thù mạnh hơn nhiều lần đến xâm lược.
- Để lại nhiều bài học quý giá về củng cố khối đoàn kết toàn dân, lấy dân làm gốc, dựa vào dân để đánh giặc.
- Ngăn chặn quân Nguyên xâm lược nhiều nước khác như Nhật Bản và mưu đồ thôn tính miền đất còn lại ở châu Á của Hốt Tất Liệt.