Lý thuyết về Bố cục của văn bản
1. Lý thuyết
- Bố cục của văn bản là sự tổ chức các đoạn văn để thể hiện chủ đề. Văn bản thường có bố cục 3 phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài.
- Phần Mở bài có nhiệm vụ nêu ra chủ đề của văn bản. Phần thân bài thường có một số đoạn nhỏ trình bày các khía cạnh của chủ đề. Phần kết bài tổng kết chủ đề của văn bản.
- Nội dung phần thân bài được trình bày theo trình tự tùy thuộc vào kiểu văn bản, chủ đề, ý đồ giao tiếp của người viết. Nhìn chung, nội dung ấy thường được sắp xếp theo trình tự thời gian và không gian, theo sự phát triển của sự việc hay theo mạch suy luận, sao cho phù hợp với sự triển khai của chủ đề và sự tiếp nhận của người đọc.
2. Ví dụ
- Văn bản:
Câu chuyện giáo dục
Khi ai đó tặng em món quà gì thì chớ bao giờ trách móc người ấy bằng cách chê bai hay tỏ thái độ chẳng thèm ngó ngàng gì đến món quà ấy.
Cứ mỗi tháng thầy lại dẫn một nhóm học sinh xuất sắc trong lớp đi chơi cuối tuần để khen thưởng. Tháng trước, thầy dẫn các bạn đi xem trận bóng đá tại một tỉnh ở đồng bằng, trận đấu chia tay khán giả nhà của một tuyển thủ quốc gia. Các em nghỉ đêm tại khách sạn để gặp gỡ cầu thủ này.
Tháng này, một nhóm học sinh xuất sắc khác trong lớp lại sắp được thưởng một chuyến tham quan câu lạc bộ bóng đá của thành phố mình. Sự chênh lệch của hai chuyến đi là khó tránh khỏi và điều này không thể không đập vào mắt học sinh. Trong các em đã có những lời xì xầm, so đo, phân bì và chuyện này khiến thầy đau lòng. Đa số các thầy cô giáo khác chẳng bao giờ dẫn học sinh trong lớp đi chơi cả, còn thầy đã mất công mất sức dẫn học sinh của mình đi lại còn bị các em trách móc là đi thăm câu lạc bộ sao vui bằng đi về đồng bằng.
Để dạy các em một bài học, thầy tuyên bố hủy bỏ chuyến đi thăm câu lạc bộ và chẳng có thưởng gì khác nữa. Quyết định này đúng là có phần nghiêm khắc, nhưng đó lại là cách hiệu quả để tỏ rõ suy nghĩ của thầy đối với các học trò vô ơn bội nghĩa và hi vọng ký ức về lý do bị trừng phạt sẽ còn lưu giữ dài lâu trong tâm trí các em. Tặng quà cho ai mà người ấy lại chẳng biết thừa nhận món quà ấy thì quả là khó chịu thật.
Chuyện đứa cháu của thầy gặp rắc rối do thái độ vô ơn của nó chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả. Vợ chồng người chị của thầy có nhận một người con nuôi lúc em ấy được bốn tuổi. Lúc mới đến trong gia đình, em tỏ ra biết ơn về tất cả những gì em nhận được. Khi ai cho em món quà gì, em cẩn thận mở giấy gói và cũng với sự cẩn thận tương tự, gấp giấy gói lại để sang một bên, sau đó từ tốn mở hộp xem có gì bên trong. Khuôn mặt em luôn sáng rỡ và ôm ghì lấy bất cứ thứ gì bên trong hộp như là sách, vớ, quần áo... Giờ thì em ấy đã ở với gia đình chị thầy được hơn một năm và mọi chuyện đã đổi thay nhiều. Thầy cũng thường cho quà em ấy, nhưng về sau thầy cho quần áo hơn là những thứ khác. Giờ đây, mỗi khi mở quà, em cứ vội vã xé toạc giấy gói ra để xem bên trong có gì, và khi nhìn thấy quà bên trong là quần áo thì em lại cau mày và dài giọng “Chú úúúúúúúúúú... này” như muốn trách cứ thầy sao chẳng biết làm gì hay ho hơn là chỉ biết mua những thứ đồ chán chết như thế này!
Thầy nghĩ bên cạnh việc dạy cho trẻ biết kính trọng đối với người đã tặng chúng quà hay phần thưởng nào đó, thì quan trọng còn là dạy cho trẻ biết không nên ứng xử theo cách như thế. Mới đây, khi được thầy tặng quà, cô cháu gái của thầy đã biết nói: “Thưa chú, con rất thích món quà chú tặng con”.
K.T. Việt Báo (Theo_Tuổi Trẻ)
- Văn bản trên có bố cục 3 phần rõ ràng: mở bài, thân bài, kết bài.
+ Phần mở bài: Nêu ra chủ đề của văn bản (Thái độ của chúng ta khi được nhận quà).
+ Phần thân bài: Nhiều đoạn nhỏ trình bày các khía cạnh của chủ đề xoay quanh việc nhận quà và thái độ khi nhận quà của các em học sinh.
+ Phần kết bài: tổng kết lại chủ đề của văn bản (Chúng ta phải có thái độ biết ơn khi được nhận quà).