Lý thuyết về Liên kết các đoạn văn trong văn bản
1. Lý thuyết
- Khi chuyển từ đoạn văn này sang đoạn văn khác, cần sử dụng các phương tiện liên kết để thể hiện quan hệ ý nghĩa của chúng.
- Có thể sử dụng các phương tiện liên kết chủ yếu sau đây để thể hiện quan hệ ý nghĩa giữa các đoạn văn:
+ Dùng từ ngữ có tác dụng liên kết: quan hệ từ, đại từ, chỉ từ, các cụm từ thể hiện ý liệt kê, so sánh, đối lập, tổng kết, khái quát…
+ Dùng câu nối.
2. Ví dụ
- Dùng từ ngữ có quan hệ liên kết:
“Nhìn bàn tay mảnh mai của em dịu dàng đưa mũi kim thoăn thoắt, không hiểu sao tôi thấy ân hận quá. Lâu nay, mải vui chơi bè bạn, chẳng lúc nào tôi chú ý đến em… Từ đấy, chiều nào tôi cũng đi đón em. Chúng tôi nắm tay nhau vừa đi vừa trò chuyện.
Vậy mà giờ đây, anh em tôi sắp phải xa nhau. Có thể sẽ xa nhau mãi mãi. Lạy trời đây chỉ là một giấc mơ. Một giấc mơ thôi.
Nhưng không, có tiếng dép lẹp kẹp trong nhà và tiếng mẹ tôi.”
(Cuộc chia tay của những con búp bê – Khánh Hoài)
=> Từ ngữ liên kết: “vậy mà”, “nhưng”.
- Dùng câu nối:
“Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm. Những người nghèo nhiều tự ái vẫn thường như thế. Họ dễ tủi thân nên rất hay chạnh lòng. Ta khó mà ở cho vừa ý họ... Một hôm, tôi phàn nàn về việc ấy với binh Tư. Binh Tư là một người láng giềng khác của tôi: Hắn làm nghề ăn trộm nên vốn không ưa lão Hạc bởi vì lão lương thiện quá. Hắn bĩu môi và bảo:
- Lão làm bộ đây! Thật ra thì lão chỉ tâm ngẩm thế, nhưng cũng ra phết chứ chả vừa đâu. Lão vừa xin tôi một ít bả chó...
Tôi trố to đôi mắt, ngạc nhiên.”
(Lão Hạc – Nam Cao)
=> Câu liên kết: phần in nghiêng. Có tác dụng liên kết vì nó khép lại nội dung trước, gợi mở nội dung sau.