Phân tích giá trị nghệ thuật trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ

Phân tích giá trị nghệ thuật trong đoạn trích tức nước vỡ bờ của Ngô Tất Tố hay nhất
(404) 1347 31/07/2022

Bài làm

       Ánh mặt trời mang màu vàng chói chang, vầng trăng mang ánh sáng dịu dàng, những đám mây thì khoác lên mình màu áo lãng đãng. Mỗi nhà văn cũng tự mặc cho mình những phong cách nghệ thuật riêng để khẳng định tên tuổi của mình, điều đó thể hiện rõ nét qua các tác phẩm của họ. Tiểu thuyết Tắt đèn của Ngô Tất Tố là một tác phẩm xuất sắc của dòng văn học hiện thực 1930 – 1945. Về mặt nghệ thuật, Tắt đèn có giá trị to lớn và góp phần làm nên thành công rực rỡ của truyện.

       Tức nước vỡ bờ là một trong những đoạn văn tiêu biểu nhất cho bút pháp tiểu thuyết trong tác phẩm Tắt đèn của Ngô Tất Tố. Thành công của đoạn trích thể hiện qua nhiều khía cạnh nổi bật mà ở khía cạnh nào cũng đạt tới sự nhuần nhuyễn.

       Trước tiên ta phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật. Đây chính là nét nghệ thuật độc đáo nhất của truyện. Chính bút pháp này đã vẽ nên những nhân vật thành hình, thành khối, có cá tính và ghi sâu ấn tượng trong lòng người đọc.

       Nhà văn tập trung khắc họa thành công hình ảnh các nhân vật. Các hạng người từ người dân cày nghèo khổ đến địa chủ, từ bọn cường hào đến quan lại đều có những nét riêng, rất chân thực, sống động. Cai Lệ chỉ là một tên tay sai vô danh, nhưng ở đoạn văn này đã được Ngô Tất Tố khắc họa sắc nét. Từ giọng quát mắng thị oai thô lỗ, trắng trợn, đến những hành động hung hãn, tàn ác, cho đến cả “cái giọng khàn khàn vì hút nhiều xái cũ”, cái thân hình “lèo khoèo” vì nghiện ngập, cả cái tư thế thảm hại rất hài hước: “ngã chỏng quèo trên mặt đất, miệng vẫn nham nhảm thét trói" đều đã tập trung làm nổi bật cái nhân cách vừa tàn ác, vừa đểu cáng, đê tiện của cái hạng “đầu chày đít thớt” đó.

       Hình tượng chị Dậu trong đoạn văn được khắc họa thật sinh động. Đặc biệt diễn biến tâm lý, thái độ của chị Dậu - từ chỗ lễ phép van xin thiết tha đến chỗ nghiến răng quật ngã bọn tay sai - được thể hiện thật tự nhiên, đúng với lôgic tính cách chị Dậu, tuy dường như rất đột ngột. Như vậy, bản chất tính cách của nhân vật chị Dậu - dịu dàng, chịu đựng mà ngang tàng, bất khuất - được thể hiện vừa đa dạng, vừa thống nhất, nhất quán. Có thể nói mọi lời lẽ, động lực của chị Dậu trong đoạn văn đều đúng là “chị Dậu”. Hơn bất cứ chỗ nào khác, đoạn Tức nước vỡ bờ đã cho thấy “sừng sững hiện ra cái chân dung lạc quan của chị Dậu” (Nguyễn Tuân).

       Không dừng lại ở đó, ngòi bút Ngô Tất Tố tả những cảnh hoạt động rất chân thực. Vũ Ngọc Phan từng nhận xét: “Cái đoạn chị Dậu đánh nhau với Cai Lệ là một đoạn tuyệt khéo, rất đúng với tâm lý của dân quê”. Đó là một bức ký họa với những nét bút thật linh hoạt, sắc sảo, pha chút biếm họa tài tình. Cảnh hoạt động dồn dập mà vẫn rõ nét, không rối mắt, mỗi chi tiết đều đắt. Với vốn sống nông thôn phong phú và với “óc quan sát rất tinh tường, rất chu đáo” (lời Vũ Trọng Phụng trong bài Tắt đèn của Ngô Tất Tố, đăng báo Thời vụ, 1939), ngòi bút Ngô Tất Tố ở đây vừa giàu chất sống, vừa rất sắc sảo.

       Có người nhận xét tiểu thuyết Tắt đèn giàu tính kịch. Hoàn toàn đúng. Tính kịch, đó là “tính hành động chặt chẽ và quán triệt”, xung đột thể hiện tập trung là sự căng thẳng đối với nhân vật do tình huống tạo ra. Đồng thời, nếu kịch yêu cầu tính cách nhân vật tự thể hiện bằng lời nói và hành động, “ngôn ngữ của nhân vật đều có tính đặc thù rõ rệt, có sức biểu hiện tối đa” thì đoạn văn Tức nước vỡ bờ, ngôn ngữ đối thoại của các nhân vật quả là như vậy, Ngô Tất Tố rất thuộc lời ăn tiếng nói của từng hạng người ở nông thôn nên nhân vật nào cũng có “ngôn ngữ” riêng. Khẩu khí hống hách đểu cáng của cai lệ, giọng điệu và lời lẽ khi thiết tha lễ phép khi đanh đá ngỗ nghịch của chị Dậu đã khiến cho nhân vật tự thể hiện tính cách đầy đủ, nổi bật. Khẩu ngữ nông thôn đã vào văn của Ngô Tất Tố thật tự nhiên, nhuần nhuyễn, khiến cho câu văn sinh động, đậm đà, có hơi thở của đời sống và đoạn văn rất có không khí.

       Về kết cấu, nhà văn đã rất chú trọng xây dựng kết cấu truyện rất chặt chẽ, tập trung và nhất quán. Các tình tiết truyện đan cài logic, đầy ấn tượng làm nổi bật chủ đề. Hầu như nhân vật chị Dậu đã xuất hiện trong tác phẩm từ đầu chí cuối và tham gia vào hầu hết các sự kiện.

       Thành công về mặt nghệ thuật của đoạn trích còn được thể hiện thông qua hệ thống ngôn ngữ: ngôn ngữ kể chuyện, miêu tả của tác giả và ngôn ngữ đối thoại của nhân vật. Tác giả đã sử dụng lớp từ ngữ giàu giá trị miêu tả để khắc họa chân dung nhân vật. Còn ngôn ngữ nhân vật thì đa dạng, phong phú, góp phần to lớn trong việc thể hiện tính cách nhân vật.

       Như vậy, đoạn trích Tức nước vỡ bờ đã thể hiện sâu sắc giá trị hiện thực khi lên án, tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến, đồng thời ngời sáng giá trị nhân đạo khi thể hiện sự đồng cảm, sẻ chia đối với người nông dân bị áp bức, bóc lột thông qua những biện pháp nghệ thuật đặc sắc về nghệ thuật xây dựng nhân vật, bút pháp miêu tả chân thực, sinh động cùng hệ thống ngôn ngữ phong phú, đa dạng. Sức mạnh nghệ thuật của Ngô Tất Tố, xét đến cùng là sức mạnh của chủ nghĩa hiện thực, đồng thời là sức mạnh của một ngòi bút gắn bó máu thịt với nông dân, của một trái tim yêu ghét rạch ròi, mãnh liệt và nhất quán.

(404) 1347 31/07/2022