Phân tích tác phẩm Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác

Phân tích tác phẩm Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác hay nhất
(392) 1308 31/07/2022

Bài làm

                                                  Thân thể ở trong lao,

                                                  Tinh thần ở ngoài lao;

                                                  Muốn nên sự nghiệp lớn,

                                                  Tinh thần càng phải cao.

                                                   (Nhật kí trong tù – Hồ Chí Minh)

       Những vần thơ thép của người chí sĩ yêu nước Hồ Chí Minh đã khái quát khí thế hào hùng của cả một thời đại. Đó là một thời đại bất khuất, kiên trung sản sinh ra những anh hùng hiên ngang, mang tầm vóc Đông A. Vào nhà ngục Quảng Đông cảm tác là một tác phẩm tương tự. Tác phẩm nói về phong thái ung dung, lạc quan của Phan Bội Châu những ngày bị cầm tù ở Quảng Đông với tư thế hiên ngang, lẫy lừng của người anh hùng cách mạng.

       Năm 1912, Phan Bội Châu bị chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương tuyên án tử hình vắng mặt và năm 1913 ông bị bắt ở Quảng Đông. Bọn quân phiệt Quảng Đông hí hửng định dùng tính mạng của nhà chí sĩ cách mạng Việt Nam làm cuộc trao đổi với bọn thực dân Pháp ở Đông Dương để mượn đường xe lửa xuyên Việt. Cuộc mặc cả giữa bọn chúng không thành, Phan bị cầm tù đến năm 1917 mới được trả tự do.

       Tuy bị sa cơ thất thế, bị kẻ thù giam hãm nhưng Phan vẫn không xem mình là kẻ thất bại. Ông thản nhiên nói:

                                                 Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu,

                                                 Chạy mỏi chân thì hãy ở tù.

       Đối với cụ Phan, nhà tù chỉ là nơi tạm dừng chân nghỉ ngơi trên con đường đầy cam go. Đó là một thái độ bình thản, một giọng điệu bông đùa, cười cợt của một người coi khinh tù đày, nguy hiểm. “Có thể nói lạc quan chủ nghĩa đó cũng là một đặc tính của người dân xứ Nghệ” (Đặng Thai Mai). Ba mươi năm sau, trong nhà lao của bọn quân phiệt Tưởng Giới Thạch ta lại bắt gặp một con người của xứ Nghệ cũng có cái cách “pha trò” hóm hỉnh ấy:

                                        Ăn cơm nhà nước ở nhà công,

                                        Lính tráng thay phiên đến hộ tòng;

                                        Non nước dạo chơi tùy sở thích,

                                        Làm trai như thế cũng hào hùng!

                                          (Pha trò - Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh)

       Phan Bội Châu và Hồ Chí Minh, hai nhà thơ yêu nước vĩ đại của dân tộc có những nét tương đồng thật thú vị.

       Vào tù, sống trong sự kiềm kẹp của kẻ thù nhưng Phan vẫn ung dung thanh thản, vẫn giữ cái cốt cách của con người có tài cao chí lớn, hơn người, vẫn giữ cái vẻ trang nhã lịch sự.

                                         Vẫn là hào kiệt, vẫn phong lưu.

       Câu thơ mở đầu bài thơ bằng điệp từ “Vẫn” để khẳng định một thái độ vững vàng không hề nao núng, ngả lòng trước hoàn cảnh thách thức nghiệt ngã.

       Phan là con người có chí lớn, tung hoành dọc ngang không ràng buộc bởi cuộc sống gia đình cá nhân chật hẹp. Năm châu, bốn bể với cụ là nhà:

                                         Đã khách không nhà trong bổn biển,

                                        Lại người có tội giữa năm châu.

       Con đường cách mạng còn dang dở, sự nghiệp chưa thành, nay làm thân tù tội, cụ tự coi mình là “người có tội giữa năm châu”. Đây là một thái độ “tự phê phán” nghiêm khắc, thẳng thắn và cảm động. Cho đến cuối đời, Phan vẫn canh cánh bên lòng nợ nước chưa báo đền, vẫn mặc cảm về cái “tội” của mình với đất nước non sông. Phan là người của “bốn bể”, “năm châu”, một chân dung khoáng đạt của một người anh hùng thời đại khác hẳn với bọn người cá chậu, chim lồng nhỏ nhen.

       Vì vậy, cho dù thân bị tù đày nhưng khí tiết sắt đá của người anh hùng không gì có thể chuyển lay được:

                                         Bủa tay ôm chặt bồ kinh tế,

                                        Mở miệng cười tan cuộc oán thù.

       Mộng “kinh bang tế thế”, giúp nước, cứu đời vẫn còn đây và quyết chí thực hiện đến cùng. Lí tưởng đó đã được nhen nhóm trong Phan từ khi dấn thân vào con đường cách mạng, ngay từ những ngày đầu trên đường “xuất dương lưu biệt”. Cụ hăm hở:

                                        Muốn vượt bể Đông theo cánh gió

                                        Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

                                         (Xuất dương lưu biệt)

       Con người có hoài bão lớn lao như vậy, cho dù có sa cơ thất thế vẫn ung dung, ngạo nghễ. Tiếng cười sảng khoái cất lên trong hoàn cảnh lao lung đối diện với gian nguy thử thách chính là thái độ thách thức và chiến thắng của tinh thần cách mạng.

       Bài thơ được kết thúc bằng một niềm tin mãnh liệt:

                                        Thân ấy vẫn còn, còn sự nghiệp,

                                        Bao nhiêu nguy hiểm sợ gì đâu. 

       Hai từ “còn” đi liền nhau giữa hai nhịp thơ tạo nên một âm hưởng mạnh mẽ, khẳng định ý chí sắt đá, niềm tin tưởng lạc quan sáng ngời. Bị sa vào tay giặc, có nguy cơ bị trao cho thực dân Pháp ở Đông Dương để thi hành bản án tử hình, nhưng người chiến sĩ cách mạng tuyệt nhiên không một thoáng nao núng bi quan. Toàn bộ bài thơ toát lên một phong thái ung dung tự tại, một niềm tin sáng ngời.

       Cả bài thơ toát lên một tinh thần bất khuất, một tư thế vững vàng của bậc trượng phu trong cơn sóng gió. Truyền thống yêu nước, chí khí anh dũng của dân tộc đang tiếp tục mạch chảy bất tận trong tâm huyết chí sĩ Phan Bội Châu. Hình ảnh người anh hùng đã tạc vào lịch sử như một minh chứng cho tinh thần yêu nước, xả thân vì lý tưởng chính nghĩa.

(392) 1308 31/07/2022