Tập đọc: Kì diệu rừng xanh
I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Lúp xúp: Ở liền nhau, thấp và sàn sàn như nhau
- Ấm tích: Ấm to bằng sứ dùng để đựng nước uống
- Tân kì: mới lạ
- Vượn bạc má: Một loài vượn có chòm lông trắng như bông ở hai má
- Khộp: Cây thân gỗ thẳng, họ dầu, lá to và rụng sớm vào mùa khô
- Con mang: Còn gọi là con hoẵng, là loài thú rừng cùng họ với hươu, sừng bé có hai nhánh, lông màu vàng đỏ
2. Ý nghĩa bài văn
Cảm nhận được vẻ đẹp kì thú của rừng; tình cảm yêu mến, ngưỡng mộ của tác giả đối với vẻ đẹp của rừng.
3. Nội dung bài học
Câu 1: Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị gì? Nhờ những liên tưởng ấy mà cảnh vật hiện lên như thế nào?
Những cây nấm rừng đã khiến tác giả có những liên tưởng thú vị như sau:
- Tác giả thấy vạt nấm rừng như một thành phố nấm.
- Mỗi chiếc nấm là một lâu đài kiến trúc tân kì.
- Bản thân mình như một người khổng lồ đi lạc vào kinh đô của vương quốc những người tí hon với những đền đài, miếu mạo, cung điện lúp xúp dưới chân.
-> Nhờ những liên tưởng ấy mà cảnh vật trong rừng trở nên lãng mạn, thần bí như trong truyện cổ tích.
Câu 2: Những muông thú trong rừng được miêu tả như thế nào? Sự có mặt của chúng mang lại vẻ đẹp gì cho cảnh rừng?
Những muông thú trong rừng được miêu tả như sau:
- Những con vượn bạc má ôm con gọn ghẽ chuyền nhanh như tia chớp.
- Những con chồn sóc với chùm lông đuôi to đẹp vút qua không kịp đưa mắt nhìn theo.
- Mấy con mang vàng hệt như màu lá khộp đang ăn cỏ non.
- Những chiếc chân vàng giẫm trên thảm lá vàng và sắc nắng cũng rực vàng trên lưng nó.
-> Sự xuất hiện thoắt ẩn thoắt hiện của muông thú làm cho cảnh rừng trở nên sống động, đầy những điều bất ngờ và kì thú.
Câu 3: Vì sao rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rọi”?
Rừng khộp được gọi là “giang sơn vàng rợi” vì: có sự phối hợp của rất nhiều sắc vàng trong một không gian rộng lớn. Lá vàng như cảnh mùa thu ở trên cây và rải thành thảm dưới gốc, những con mang có màu lông vàng, nắng cũng rực vàng,…
II. Hướng dẫn đọc
- Đọc trôi chảy toàn bài.
- Đọc diễn cảm bài văn với giọng tả nhẹ nhàng, cảm xúc ngưỡng mộ trước vẻ đẹp của rừng.
- Khi đọc chú ý nội dung từng đoạn đọc với giong điệu sắc thái khác nhau
+ Đoạn văn 1: Cảnh vật được miêu tả qua một loạt liên tưởng – đọc khoan thai thể hiện thái độ ngỡ ngàng, ngưỡng mộ.
+ Đoạn văn 2: Đọc nhanh hơn nữa ở những câu miêu tả hình ảnh thoắt ẩn, thoắt hiện của muông thú.
+ Đoạn văn 3: Đọc thong thả ở những câu cuối miêu tả vẻ đẹp mơ mộng của cánh rừng trong sắc vàng mênh mông.