Tập đọc: Tác phẩm của Si-le và tên phát-xít
I. Hiểu bài
1. Từ khó
- Si-le: (1759 – 1805) nhà văn Đức vĩ đại; các tác phẩm của ông phản ánh cuộc đấu tranh chống cái ác, bảo vệ quyền con người.
- Sĩ quan: Quân nhân có quân hàm thiếu úy trở lên.
- Hít-le: (1889 – 1945) quốc trưởng Đức từ 1934 đến 1945, kẻ gây ra cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 – 1945)
2. Ý nghĩa câu chuyện
- Ca ngợi cụ già người Pháp thông minh, biết phân biệt người Đức với bọn phát-xít Đức đồng thời cụ cũng đã dạy cho tên sĩ quan phát-xít một bài học nhẹ nhàng mà sâu cay.
3. Hoàn cảnh diễn ra câu chuyện
Câu chuyện được diễn ra trong thời gian nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng, trên một chuyến tàu ở Pa-ri.
4. Nội dung bài học
Câu 1: Vì sao tên sĩ quan Đức có thái độ bực tức với ông cụ người Pháp?
Tên sĩ quan Đức có thái độ bực tức với ông cụ vì:
- Vì cụ đáp lại lời của hắn một cách lạnh lùng.
- Vì hắn phát hiện ra ông cụ biết tiếng Đức và thông thạo đến mức có thể đọc được truyện của nhà văn Đức nhưng lại không chịu đáp lời hắn bằng tiếng Đức.
Câu 2: Nhà văn Đức Si-le được ông cụ Pháp đánh giá như thế nào?
Nhà văn Đức Si-le được cụ già người Pháp đánh giá là một nhà văn quốc tế.
Câu 3: Em hiểu thái độ của ông cụ đối với người Đức và tiếng Đức như thế nào?
Thái độ của ông cụ đối với người Đức và tiếng Đức:
- Ông cụ thông thạo tiếng Đức và ngưỡng mộ nhà văn Đức Si-le.
- Ông cụ không ghét người Đức mà chỉ căm ghét những tên phát-xít xâm lược đất nước ông.
Câu 4: Lời đáp của ông cụ ở cuối truyện ngụ ý gì?
Lời đáp của ông cụ ở cuối truyện ngụ ý là Si-le xem các người là kẻ cướp, các người là kẻ cướp. Các người không xứng đáng với Si-le.
II. Hướng dẫn đọc
Đọc với giọng kể tự nhiên, giọng các nhân vật thì phải thể hiện được tính cách của các nhân vật đó: Giọng cụ già điềm đạm, thông minh, hóm hỉnh; giọng tên phát xít thì hống hách, hợm hĩnh nhưng dốt nát, ngờ nghệch