Lý thuyết về Liên kết trong văn bản

Tóm tắt bài Liên kết trong văn bản ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 7, soạn bài dễ dàng
(415) 1383 02/08/2022

1. Lý thuyết

- Liên kết là một trong những tính chất quan trọng nhất của văn bản, làm cho văn bản trở nên có nghĩa, dễ hiểu.

- Để văn bản có tính liên kết, người viết (người nói) phải làm cho nội dung của các câu, các đoạn thống nhất và gắn bó chặt chẽ với nhau; đồng thời, phải biết kết nối các câu, các đoạn đó bằng những phương tiện ngôn ngữ (từ, câu,…) thích hợp.

2. Ví dụ

       Tôi sống độc lập từ thủa bé, ấy là tục lệ lâu đời trong họ nhà dế chúng tôi. Vả lại, mẹ thường bảo chúng tôi rằng: "Phải như thế để các con biết kiếm ăn một mình cho quen đi. Con cái mà cứ nhong nhong ăn bám vào bố mẹ thì chỉ sinh ra tính ỷ lại, xấu lắm, rồi ra đời không làm nên trò trống gì đâu". Bởi thế, lứa sinh nào cũng vậy, đẻ xong là bố mẹ thu xếp cho con cái ra ở riêng. Lứa sinh ấy, chúng tôi có cả thảy ba anh em. Ba anh em chúng tôi chỉ ở với mẹ ba hôm. Tới hôm thứ ba, mẹ đi trước, ba đứa tôi tấp tểnh, khấp khởi, nửa lo nửa vui theo sau. Mẹ dẫn chúng tôi đi và mẹ đem đặt mỗi đứa vào một cái hang đất ở bờ ruộng phía bên kia, chỗ trông ra đầm nước mà không biết mẹ đã chịu khó đào bới, be đắp tinh tươm thành hang, thành nhà cho chúng tôi từ bao giờ. Tôi là em út, bé nhất nên được mẹ tôi sau khi dắt vào hang, lại bỏ theo một ít ngọn cỏ non trước cửa, để tôi nếu có bỡ ngỡ, thì đã có ít thức ăn sẵn trong vài ngày.

(Dế Mèn phiêu lưu ký – Tô Hoài)

- Đoạn văn trên được liên kết với nhau chặt chẽ:

+ Nội dung: cả đoạn đều nói về xuất thân, hoàn cảnh sống của Dế Mèn.

+ Hình thức: các câu được kết nối bằng các từ ngữ liên kết (Vả lại, bởi thế, ấy, …)

(415) 1383 02/08/2022