Phân tích nhân vật Thành và Thủy trong tác phẩm Cuộc chia tay của những con búp bê

Phân tích nhân vật Thành và Thủy trong tác phẩm Cuộc chia tay của những con búp bê để thấy được tình cảm gia đình là tình cảm thiêng liêng hay nhất
(410) 1367 02/08/2022

Bài làm

                                                                    - Nín đi em, bố mẹ bận ra tòa!

                                                                    Chị lên bảy dỗ em trai ba tuổi

                                                                    Thằng bé khóc, bụng chưa quen chịu đói

                                                                    Hai bàn tay xé áo chị đòi cơm.

       Lời bài thơ “Hai chị em” của nhà thơ Vương Trọng cứ khiến tôi vẩn vơ mãi. Trong cuộc đời này, bất cứ cuộc chia tay nào cũng khiến người ta phải đau lòng và thổn thức, trong đó có lẽ đau đớn nhất là viễn cảnh cuộc chia tay của các bậc làm cha, làm mẹ đã vô tình khiến con cái của họ - những đứa trẻ ngây thơ chưa hiểu thế nào là chia ly phải đau đớn, phải chịu cú sốc lớn trong cuộc đời. Thành và Thủy trong Cuộc chia tay của những con búp bê là những nhân vật vô tội như vậy.

      Câu chuyện diễn ra trong hoàn cảnh hết sức buồn bã, bố mẹ của hai đứa trẻ ly hôn, người mẹ được quyền nuôi đứa em là Thủy, còn Thành vì lớn hơn nên ở với bố. Hai đứa trẻ đáng thương chẳng có quyền lựa chọn cuộc sống cho riêng mình, phải chia cắt trong nước mắt. Tờ giấy li hôn như chiếc cưa xẻ ngang tình đoàn tụ. Đứa có mẹ thì thôi không còn bố, hai anh em rồi sẽ mất nhau.

       Nhan đề "Cuộc chia tay của những con búp bê", chính là sự ẩn dụ cho sự chia tay của hai đứa trẻ, búp bê cũng như hai đứa trẻ ấy, chúng chẳng có lỗi lầm gì, lỗi là ở người lớn nhưng tai họa lại đổ lên đầu trẻ con, búp bê vô tri, nhưng vì Thành và Thủy chia tay nên chúng cũng phải xa nhau. Đó chính là mối quan hệ liên hoàn nối tiếp các sự việc. Đặt nhan đề như thế vừa gây ấn tượng với độc giả, vừa gây nên cho người ta những suy nghĩ thật sâu xa, về hành động của con người, của những bậc làm cha làm mẹ đã gián tiếp để lại những đau khổ cho con em của mình như thế nào.

       Câu chuyện có sự xuất hiện của hai nhân vật chính là người anh tên Thành, đứa em gái tên Thủy, toàn bộ câu chuyện và diễn biến tâm lý nhân vật đều được thể hiện thông qua cái nhìn của người anh với ngôi kể thứ nhất. Điều đó là hoàn toàn hợp lý vì Thành đã lớn, đã hiểu chuyện, dưới sự quan sát của cậu, nhân vật Thủy được bộc lộ rõ hơn cả về nội tâm và hành động, khiến câu chuyện trở nên chân thực và cảm động hơn.

       Thành là người có tình yêu thương em sâu sắc. Trong những ngay gia đình hòa thuận, êm ấm, cậu luôn yêu thương, chiều chuộng em, chiều nào cũng đón em đi học về, cùng nắm tay nhau đi và trò chuyện. Cho đến những ngày gia đình sắp phải li tán, anh em mỗi người đôi ngả, tình cảm cậu dành cho em lại càng sâu đậm hơn. Với tâm hồn của một đứa trẻ nhạy cảm, dù đã gắng gượng nhưng cả đêm Thành vẫn khóc, đến mức ướt đầm cả hai gối. Khi chia đồ chơi, Thành nhường tất cả cho em: “Không phải chia nữa, anh cho em tất”. Rồi cậu mong sao tất cả những điều này chỉ là một giấc mơ, sau giấc mơ này mọi việc sẽ trở lại như cũ. Thành còn là một cậu bé có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế. Chi tiết Thành nhận xét sự thay đổi của cảnh vật xung quanh: “cảnh vật vẫn như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này” hay “Ra khỏi trường tôi kinh ngạc khi thấy mọi người vẫn đi lại bình thường và nắng vẫn vàng ươm trùm lên cảnh vật”. Những suy nghĩ đó càng cho thấy rõ hơn sự nhạy cảm tinh tế của Thành, đồng thời sự đối lập giữa ngoại cảnh và tâm cảnh khiến cho người đọc thêm xót xa và cảm thương hơn cho số phận bất hạnh của hai anh em.

       Ta không chỉ ấn tượng với một người anh – Thành yêu thương, chiều chuộng em, mà còn nhớ về một Thủy – người em có tâm hồn, tấm lòng nhân hậu trong sáng và cũng hết sức yêu thương, quan tâm anh.

       Thủy là cô bé chu đáo, luôn quan tâm và yêu thương anh. Bằng đôi bàn tay khéo léo, cô bé đã vá lại chiếc áo rách cho anh thật hoàn hảo; tối tối sau khi học bài xong lại “võ trang” cho con Vệ Sĩ và đem đặt lên đầu giường để canh giấc ngủ cho anh. Cô bé cũng là đứa trẻ có tâm hồn nhạy cảm, trước tình cảnh gia đình phải chia lìa, anh em phải rời xa nhau, Thủy đã khóc cả đêm, đôi mắt em sưng húp lên, như mất hồn, người loạng choạng như sắp ngã khi mẹ yêu cầu chia đồ chơi. Làm sao em có thể sống một cách bình thường khi mà em sắp phải chia tay người anh cùng chung dòng máu. Tác giả đã thật tinh tế và sâu sắc khi nắm bắt chính xác những cung bậc cảm xúc của nhân vật.

       Khi chia đồ chơi trong tâm trạng Thủy xảy ra sự mâu thuẫn: một mặt, Thủy tru tréo giận giữ khi anh để con búp bê ra hai phía, mặt khác lại lo lắng nếu để hai con búp bê theo mình, thì lấy ai gác đêm cho anh ngủ ngon. Rồi cuối cùng em quyết định để hai con búp bê lại cho anh, để chúng không bao giờ phải xa nhau. Những suy nghĩ, hành động của Thủy trong việc chia búp bê cho thấy em là một đứa trẻ hồn nhiên, trong sáng, không chỉ yêu thương anh mà còn có tấm lòng vị tha cao cả. Trong hoàn cảnh này, Thủy là một đứa bé vô cùng đáng thương, em không suy nghĩ cho bản thân, mà chỉ suy nghĩ đến người khác, vì người khác. Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc chia li, Thủy đã có hành động vô cùng bất ngờ Thủy tụt xuống xe và chạy về chiếc giường đặt con Em Nhỏ cạnh con Vệ Sĩ. Dù hai anh em phải chia tay nhưng tình cảm của hai em thì mãi không thể chia cắt.

       Số phận của Thủy còn có phần bất hạnh hơn anh trai, có lẽ người anh ở với bố vẫn được tiếp tục học tập, còn với Thủy điều ấy không thể xảy ra. Trong cuộc chia tay với lớp học, khi cô giáo tặng em bút và vở, Thủy đã từ chối không nhận, lí do em đưa ra khiến người đọc ứa nước mắt: “Thưa cô em không dám nhận … em không được đi học nữa. Nhà bà ngoại em ở xa trường học lắm. Mẹ em bảo sẽ sắm cho em một thúng hoa quả để ra chợ ngồi bán”. Tình cảnh của em thật đáng thương, Thủy không chỉ bị cướp đi cuộc sống gia đình hạnh phúc, cướp đi người anh trai yêu quý mà em còn bị cướp đi quyền học tập, vui chơi – quyền cơ bản nhất của mỗi đứa trẻ. Em sớm phải lao vào đời kiếm sống.

       Để tạo nên thành công của tác phẩm, Khánh Hoài đã kết hợp linh hoạt các thủ pháp nghệ thuật. Trước hết là việc lựa chọn ngôi kể, lấy người anh một người trong cuộc chứng kiến và thấu hiểu nỗi đau chia li, qua đó thể hiện một cách chân thành và cảm động những suy nghĩ, tâm trạng đau đớn, xót xa của nhân vật. Xây dựng tình huống truyện đặc sắc, mượn câu chuyện hai anh em Thành và Thủy phải chia lìa vừa thể hiện tâm hồn trẻ thơ trong sáng, vừa thể hiện được nỗi đau của trẻ em khi tổ ấm gia đình tan vỡ. Nghệ thuật phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật đặc sắc, phù hợp với tâm lí trẻ em.

       Thành và Thủy là hình ảnh đại diện của rất nhiều đứa trẻ trong xã hội, sớm phải chịu cảnh gia đình li tán. Qua hai nhân vật này, tác giả Khánh Hoài cũng gửi gắm đến người đọc những thông điệp ý nghĩa: Tổ ấm gia đình mỗi người là điều vô cùng quý giá và đáng trân trọng. Bởi vậy, mỗi thành viên trong gia đình, đặc biệt là các bậc cha mẹ phải cố gắng gìn giữ, không nên vì bất cứ lí do nào mà làm tổn hại những tình cảm tự nhiên, trong sáng ấy.

       Đoạn kết truyện mãi để lại cho độc giả những cảm xúc không thể nói thành lời, nỗi xót xa, cảm động cho tình cảm của hai anh em trước cuộc chia ly bất đắc dĩ, mà thủ phạm lại là những người lớn trong gia đình.

       Lời tạm biệt nào cũng khó nói như nhau và lời tạm biệt của những đứa trẻ trên bờ vực cha mẹ chia cắt có lẽ là lời tạm biệt khắc khoải, đớn nhau nhất. Cuộc chia tay của những con búp bê là một truyện ngắn rất sâu sắc và cảm động về tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình, về nỗi đau đớn, xót xa khi phải chia lìa nhau. Từ đó mỗi người chúng ta đều rút ra được bài học sâu sắc về tình cảm gia đình, hãy biết trân trọng những người thân yêu ở bên cạnh bạn. Đồng thời các bậc cha mẹ phải ý thức được việc mình làm, đừng vì sự ích kỷ của bản thân mà khiến con trẻ phải chịu tổn thương sâu sắc như hai nhân vật Thành và Thủy trong câu chuyện.

(410) 1367 02/08/2022