Bài viết chi tiết bài tập làm văn số 2

Tổng hợp 3 bài mẫu nghị luận bài làm văn số 2 được trình bày chi tiết với các luận điểm rõ ràng và dẫn chứng hay nhất giúp các em tự tin trong các kì thi
(412) 1373 26/07/2022

      Đề 1: Tuổi trẻ học đường suy nghĩ, hành động góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.

     BÀI LÀM

     Thực tế cho thấy, những năm gần đây, vấn đề giao thông, đặc biệt ở các đô thị lớn của cả nước, càng trở nên phức tạp. Hạ tầng giao thông không theo kịp với sự phát triển của kinh tế - xã hội đã dẫn đến sự ách tắc giao thông và đặc biệt đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng mà nhắc đến con số người chết và bị tàn tật do tai nạn giao thông gây ra, ai cũng thấy bàng hoàng. Bất cứ ai đều có thể nhận thấy tính chất nghiệm trọng của vấn đề để có những hành động thiết thực để giảm thiểu tình trạng trên trong đó có thế hệ trẻ, thế hệ học sinh. Vậy tuổi trẻ học đường sẽ ứng xử như thế nào về vấn đề này?

    Văn hóa, xét cho cùng là giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo thể hiện mối quan hệ, lối ứng xử, biểu hiện văn minh giữa con người với người. Văn hóa giao thông là biểu hiện lối ứng xử “đẹp" giữa những người tham gia giao thông trong cộng đồng xã hội. Giao thông trở nên rối loạn nếu không có cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ, hoặc khi tín hiệu đèn không hoạt động do mất điện. Va quẹt nhau một tí, không thấy lời xin lỗi nhau mà chỉ có văng tục, gườm nhau... Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, giao thông không đúng luật lệ và cả việc thiếu ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng vẫn diễn đặc biệt ờ các đô thị lớn, các bến tàu, xe, nơi sinh hoạt đông người.

    Theo số liệu thống kê, số vụ tai nạn giao thông ở Việt Nam trong những năm qua không ngừng tăng cùng với lưu lượng xe gắn máy di chuyển ngày càng nhiều. Thật khủng khiếp khi chúng ta biết rằng số người chết do tai nạn giao thông lớn hơn nhiều so với số người chết do bão lũ. Có gì đáng tự hào đâu khi Việt Nam nằm trong nhóm nước đứng đầu thế giới về số vụ tai nạn giao thông? Có gì để tự hào đâu khi phần lớn các vụ tai nạn giao thông đều do những người Việt trẻ gây ra?

    Trên cái nền chung ấy, thực trạng tham gia giao thông của tuổi trẻ học đường ra sao? Chúng ta vui mừng trước việc ý thức tham gia giao thông của học sinh chúng ta ngày một nâng cao. Nhiều hoạt động, nhiều lời kêu gọi về an toàn giao thông đã được các bạn nhiệt tình hưởng ứng. Song bên cạnh đó, vẫn có những hiện tượng khiến chúng ta phái suy nghĩ. Chắc chắn bạn cũng như tôi đã từng chứng kiến cái cảnh cổng trường giờ tan học bị mắc kẹt. Từng nhóm bạn chờ nhau, tụ tập nói chuyện, mặc bác bảo vệ ra sức giải tán, mặc người đi đường la lối, nhắc nhở. Rồi khi đi trên đường, mặc cho mật độ giao thông vốn đã dày đặc, các bạn dàn hàng ba, hàng bốn nói chuyện ầm ĩ, mải mê đến mức quên cả xung quanh. Có những bạn đã bị tai nạn vì thiếu tập trung chú ý vào việc đi đường. Ngoài ra, chúng ta còn bắt gặp những hiện tượng nổi cộm khác. Do điều kiện kinh tế khá giả, học sinh đi xe gắn máy đến trường dù chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe. Khi đi xe, nhiều bạn vượt đèn đỏ, chở quá số người quy định, phóng nhanh lạng lách, quẹt lửa chân chống, “tráng trứng” trên đường,… Khi xảy ra va chạm giao thông thì có thái độ hung hăng, sẵn sàng gây gổ đánh nhau, bất chấp phải trái. Đặc biệt, một vấn nạn nhức nhối là hiện tượng các “anh hùng xa lộ” lập phi đội bay, sẵn sàng đánh cược với tính mạng của mình.

    Nguyên nhân của thực trạng đáng buồn ấy, trước hết là từ ý thức của những người tham gia giao thông. Họ chưa biết quý trọng bản thân, chưa nhận thức đầy đủ sự nguy hiểm của những hành vi vi phạm luật lệ giao thông, mà khi hối tiếc thì sự thể đã muộn. Vì thế, đi trên đường họ nghênh ngang, coi thường, không chấp hành luật giao thông. Bạn đừng giật mình khi tôi nêu ra một vài con số sau đây: 80% số người tham gia giao thông không dùng đèn báo khi chuyển hướng, 85% không dùng còi đúng luật quy định, 70% không dùng phanh tay, 90% không dùng đèn chiếu xa và rất rất nhiều người đội mũ bảo hiểm kém chất lượng hoặc không đúng quy cách nhằm đối phó với lực lượng công an. Và bạn sẽ lại giật mình nữa khi nhận thấy người thân của chúng ta cũng vi phạm những lỗi như vậy một cách rất “hồn nhiên”. Bên cạnh đó, tai nạn giao thông còn xảy ra do ý thức thấp kém của những người chỉ vì lợi ích cá nhân mà bất chấp sự an toàn tính mạng của người đi đường. Ti vi, báo chí đã nhiều lần cảnh báo việc rải đinh trên đường quốc lộ làm người đi xe trên đường bị tai nạn dẫn đến thương tật hoặc tử vong. Đó là một thực tế đau lòng mà chúng ta không thể phủ nhận.

     Vậy chúng ta phải làm như thế nào để thức tỉnh ý thức, tinh thần trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông? Điều này liên quan đến mặt nhận thức của con người về hành động của họ để nhận ra phải - trái, đúng - sai. Nhận thức này được hình thành trên cơ sở nền tảng giáo dục mà đặc biệt là giáo dục cộng đồng, mà tuổi trẻ học đường cán phải góp phần thay đổi ý thức của người dân trong văn hoá giao thông.

     Thực hiện chương trình giáo dục phòng chống thương tích trong trường học giúp học sinh có kỹ năng về giao thông để phòng tránh tai nạn khi đi bộ, đi xe đạp hay xe máy. Tổ chức các cuộc thi an toàn giao thông cho mọi người đặc biệt là thanh thiếu niên. Hỗ trợ người dân thực hiện các hoạt động thông tin truyền thông phù hợp với điều kiện địa phương. Huấn luyện cho các tuyên truyền viên đi đến từng hộ gia đình tuyên truyền về phòng chống tai nạn bao gồm cả các tai nan giao thông. Hỗ trợ các xã xây dựng sân chơi an toàn cho trẻ để trẻ có thể chơi an toàn xa đường giao thông. Tổ chức các cuộc hội thảo cho các cấp lãnh đạo xã về việc thi hành pháp luật bao gồm luật an toàn giao thông.

    Để hạn chế tai nạn giao thông không phải còn là vấn đề đơn giản, mà đó đã và đang là vấn đề nóng cho toàn xã hội và đất nước. Vì vậy, với việc giảm thiểu tai nạn giao thông nói chung, nhà nước cần phải có một sộ biện pháp mạnh với những kẻ không ý thức, những kẻ cố tình gây nạn cho người khác, và đó chính là những kẻ phóng nhanh vượt ẩu làm mối đe dọa cho người tham gia giao thông. Còn đối với giao thông học đường nói riêng chấn chỉnh giao thông học đường, cần cả xã hội chung tay. Sự đồng thuận giữa gia đình, nhà trường và xã hội không chỉ được thể hiện bằng văn bản, giấy tờ, những lời hứa suông,… mà phải bằng hành động cụ thể.

        Là một học sinh, mỗi chúng ta phải xem xét lại mình đã bao giờ vi phạm lỗi giao thông không, có bao giờ gây tai nạn giao thông không. Tất nhiên là có, không ai chưa bao giờ vi phạm lỗi giao thông dù đó chỉ là một lỗi nhỏ, nhưng qua mỗi lần như vậy chúng ta phải biết nhìn nhận và rút kinh nghiệm để lần sau không tái phạm và mỗi học sinh chúng ta phải tự giác làm đúng các nguyên tắc an toàn giao thông mà nhà trường và xã hội đã chỉ dẫn. Có như thế thì tuổi trẻ học đường đã góp một phần nào trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông, một vấn nạn mà xã hội và đất nước đang tìm cách khắc phục.

 

     Đề 2: Hiện nay, nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp. Anh chị hãy bày tỏ suy nghĩ về hiện tượng đó.

BÀI LÀM

     Theo tạo hóa, mỗi đứa trẻ vừa chào đời là được ban tặng một tình cảm thiêng liêng từ cha mẹ của chúng. Nhưng không phải ai cũng may mắn được đón nhận tình cảm đó và những mảnh đời bất hạnh đã hiện diện trong xã hội ngày nay, những đứa trẻ phải đi lang thang để kiếm sống không người thân, không gia đình. Nhưng xã hội đã không ruồng bỏ những người như vậy. Hiện nay, ở nước ta có nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức thu nhận trẻ em cơ nhỡ, lang thang kiếm sống trong các thành phố, thị trấn về những mái ấm tình thương để nuôi dạy, giúp các em học tập, rèn luyện, vươn lên sống lành mạnh, tốt đẹp.

      Mỗi chúng ta, ai cũng có một hoàn cảnh, một bất hạnh riêng nhưng đau khổ nhất là mất mát tình cảm gia đình. Hiện nay, hiện tượng trẻ em lang thang ngày càng nhiều, các em mang trong mình nỗi bất hạnh, gặp không ít những khó khăn. Điều đó làm cho nhiều người giàu lòng nhân ái, nhiều cá nhân, tổ chức đã mở lòng đón nhận hàng nghìn trẻ cơ nhỡ, lang thang để nuôi dạy, giúp đỡ cho họ vươn lên trong cuộc sống. Chẳng hạn như làng nuôi dạy trẻ SOS ở Hà Nội, chứng kiến quang cảnh sinh hoạt gia đình chị Đỗ, nếu không được giới thiệu thì bất cứ ai cũng tưởng chị là mẹ đẻ của 11 trẻ em mồ côi từ 1 đến 17 tuổi. Vốn là giáo viên, chị Đỗ đã được tuyển chọn làm mẹ của 11 trẻ em mồ côi và là một trong 16 bà mẹ ở làng SOS Hà Nội. Một trong những người khác cũng có lòng cao thượng, cùng cảnh ngộ với những đứa trẻ mồ côi, lang thang, đó là chị Huỳnh Tiểu Hương. Từ một đứa trẻ không nơi nương tựa trở thành một doanh nhân thành đạt và bây giờ là mẹ của 150 đứa trẻ và chị đã mở trung tâm nhân đạo Quê hương để nuôi dạy trẻ em khuyết tật, bị bỏ rơi,...

       Bên cạnh những con người có tấm lòng bác ái thì cũng còn có không ít người lợi dụng lòng bác ái để mưu cầu lợi riêng cho mình. Họ cũng nuôi nấng những đứa trẻ đó nhưng lại bắt các em đi ăn xin hay bán vé số mang tiền về cho họ. Thật tàn nhẫn khi chính mắt tôi nhìn thấy những con người tàn ác đó ngược đãi những đứa trẻ tội nghiệp. Một đứa trẻ quần áo tả tơi, mặt mũi lem luốc cầm cái nón đi xin tiền. Bên đường là một phụ nữ mặt mũi dữ tợn, tay cầm roi quan sát đứa trẻ. Tôi cho rằng bà ta là người nuôi chúng và bắt chúng phải đi xin. Tàn ác hơn, có một số người đã nhặt những đứa bé chưa đầy một tháng tuổi, họ đã tổn thương một phần cơ thể chúng, làm cho chúng trở thành tàn tật để khi lớn chúng đi xin mang tiền về nhiều hơn. Đó là một cảnh tượng khủng khiếp. Nguyên nhân sâu xa của sự việc trên là do họ đã mất tính người, nhẫn tâm làm hại những đứa trẻ ngây thơ, tội nghiệp, cướp đi một hi vọng nhỏ nhoi là được hưởng tình yêu và lòng quan tâm của mỗi người dành cho các em. Đồng tiền đã làm mờ mắt họ, bất chấp thủ đoạn đế mưu cầu hạnh phúc riêng.

      Mỗi chúng ta cần quan tâm giúp đỡ nhiều hơn đối với các em nhỏ có hoàn cảnh bất hạnh. Vì thiếu sự quan tâm dạy dỗ của cha mẹ thì các em sẽ dễ đi vào những con đường sai trái, vướng vào lối sống không lành mạnh. Chỉ có như thế mới giúp đỡ các em cơ nhỡ vượt lên hoàn cảnh và các em có thể học, vui chơi, rèn luyện, tự vạch ra cho mình một tương lai tươi sáng và các em sẽ trở thành những chủ nhân tương lai của đất nước. Mỗi chúng ta cần lên án những hành vi ngược đãi trẻ em cơ nhỡ, lang thang, nghiêm khắc trừng trị những người vi phạm và tuyên truyền cho nhiều người hiểu thêm về hoàn cảnh của các em, nên giải thích nỗi bất hạnh đó để mọi người cùng thấu hiểu, cùng mở lòng đón nhận và giúp đỡ. Mong rằng xã hội chúng ta sẽ không còn những thảm họa đó và càng nhiều trẻ em có mái ấm tình thương, nhận được sự quan tâm của gia đình và mọi người.

"Trẻ em như búp trên cành,

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan."

     Chúng ta hãy cùng nhau, chung tay hành động vì một đất nước không còn trẻ cơ nhỡ, một xã hội văn minh để ở đó, trẻ em - những mầm non tương lai của đất nước luôn được sống với những điều vốn dĩ các em thuộc về....

   Đề 3: Hãy trình bày quan điểm của mình trước cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục".

BÀI LÀM

     Trong cuộc sống bộn bề, đầy biến chuyển hằng ngày như hiện nay thì xã hôi, đất nước đang cần đến một lực lượng thanh niên tài giỏi, đức hạnh. Và ngay từ bây giờ, học sinh được xem là những mầm non tương lai, là người kế thừa công cuộc phát triển đất nước đang ra sức học tập, rèn luyện hết sức mình. Nhưng trái lại bên cạnh đó, lại có một số học sinh đang học với không đúng khả năng của mình, và điều này đã tạo điều kiện cho một “căn bệnh” xâm nhập vào học đường gây xôn xao cho ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung. Vâng, đó chính là bệnh thành tích trong giáo dục. Cuộc vận động "nói không với những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục" là một sự triển khai kịp thời, cấp bách trong tình trạng hiện nay.

      Hiện tượng “tiêu cực thi cử” và “bệnh thành tích trong giáo dục” trong nhà trường hiện nay là một hiện tượng xấu cần xoá bỏ, nó làm cho học sinh ỷ lại, không tự phát huy năng lực học tập của mình, làm cho giáo viên mất đi lương tâm nghề nghiệp. “Tiêu cực trong thi cử” là những hành vi gian lận khi thi cử như thí sinh mang vào phòng thi và sử dụng những tài liệu hoặc thiết bị không được cho phép, hay giám thị coi thi cố tình lờ đi cho thí sinh sử dụng tài liệu hay trao đổi với nhau… Còn “bệnh thành tích trong giáo dục” là gì? Đó là những danh hiệu thi đua của thầy và trò, giữa các lớp, các trường và các phòng ban với nhau gây nên hiện tượng điểm ảo, thành tích ảo, không phản ánh đúng khả năng và trình độ. Đó là hành động vi phạm có ý thức. Vậy ý nghĩa của cuộc vận động này là phòng chống và ngăn chặn các hành vi gian lận, bao che trong dạy, học và thi cử.

     Vấn đề đã và đang trở nên rất cấp thiết. Đây không còn chỉ là cuộc vận động của bộ, ngành mà là của toàn ngành giáo dục. Tiêu cực và bệnh thành tích đã có từ lâu. Nếu để tiêu cực tiếp tục kéo dài, học sinh không có động lực để học, không tiếp thu được kiến thức, sẽ không có tương lai. Các thầy cô cũng không có động lực để dạy, không có sáng kiến đổi mới phương pháp dạy học, nền giáo dục khi ấy sẽ ngày càng trì trệ.

     Điều lo ngại chung hiện nay là căn bệnh thành tích đang lan tràn trong ngành giáo dục của nước ta, không phải chỉ lây nhiễm cho một bộ phận những người công tác trong ngành mà còn cho nhiều gia đình trong xã hội. Với bệnh thành tích, các phương pháp đánh giá, kiểm tra kết quả học tập trở nên dày đặc, nặng nề, phức tạp nhưng lại mang tính chất rập khuôn, không có chỗ dành cho sự sáng tạo của học sinh, sinh viên. Xét từ phía ngành giáo dục, thành tích giáo dục là thước đo sự thành công trong nghề nghiệp của giáo viên nói riêng, của nhà trường và địa phương nói chung. Đáng tiếc thay, trong thời gian qua, chính ngành giáo dục lại “thiết kế” ra thước đo trên bằng các chỉ tiêu giáo dục khô cứng. “Bệnh thành tích giáo dục” chính là việc nhà trường và địa phương cố gắng đạt được các chỉ tiêu giáo dục bằng mọi giá. Chúng ta đều nhận thức rõ ràng rằng một xã hội muốn phát triển tiến bộ phải có nhiều nhân tài, mà nhân tài phải là người có chân tài thực học, được tiếp thu những kiến thức và các phẩm chất đạo đức tinh hoa của nhân loại và của dân tộc thông qua hệ thống giáo dục của cộng đồng. Giáo dục chính là điểm xuất phát, là nơi sản sinh ra nguồn năng lực cho sự cường thịnh của một nước, một cộng đồng dân tộc. Một nền giáo dục tốt và trung thực sẽ tạo nên những con người đạt những thành tích tốt và trung thực. Những thành tích tốt và trung thực sẽ tạo nên những bước tiến mạnh mẽ cho cộng đồng dân tộc trên con đường phát triển.

     Cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” ngay từ khi mới phát động đã được xã hội quan tâm, nhân dân đồng tình hưởng ứng. Bởi ai cũng biết rằng, nếu cứ để ”nạn tiêu cực trong thi cử” hoành hành và ”bệnh thành tích trong giáo dục” trở thành một căn bệnh ”mãn tính” thì sẽ dẫn đến lãng phí thời gian, sức lực, tuổi đời của học sinh; lãng phí tiền bạc, công sức chăm sóc con cái của phụ huynh; của thầy cô và lãng phí của cải xã hội. Điều đó sẽ là hệ quả tất yếu của những suy thoái đạo đức trong học sinh; đạo đức trong quan hệ thầy, trò và sẽ góp phần làm suy thoái những mối quan hệ xã hội khác. Cuộc vận động này là cuộc đấu tranh gay go, quyết liệt. Điều đáng mừng là nhân dân, xã hội đều quyết liệt tham gia chống lại những tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục, sẵn sàng lên tiếng phê phán những cá nhân hoặc tổ chức có thái độ không hưởng ứng. Sự khởi đầu tốt đẹp báo hiệu sự thành công của một cuộc vận động mang tính nhân văn sâu sắc.

         Trên tiến trình đổi mới giáo dục, bệnh thành tích phải được xóa bỏ. Đó không phải là một việc quá khó, nhưng chắc chắn cũng không dễ dàng. Điều trước nhất là phải thay đổi từ những sai phạm của ngành giáo dục, phải kiên quyết thực hiện cuộc vận động đã đề ra, vì đó sẽ làm gương để thế hệ trẻ ngày nay tin tưởng và noi theo. Học sinh chúng ta, ngay từ bây giờ phải hết mình phấn đấu học tập bằng chính bản thân, tuyệt đối nói không với tiêu cực trong thi cử đồng thời giúp sức với nhà trường khuyên bảo và ngăn chặn các hành vi tiêu cực ấy.

(412) 1373 26/07/2022