Tìm hiểu chung về Rừng xà nu

Khái quát vài nét về văn bản Rừng xà nu bao gồm: tóm tắt, nội dung chính, hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn trích của tác phẩm
(416) 1387 26/07/2022

I. Sơ đồ - Tìm hiểu chung về Rừng xà nu

II. Tìm hiểu chung về Rừng xà nu

1. Tóm tắt

      Sau ba năm tham gia lực lượng cách mạng, Tnú được về thăm làng. Trong đêm ấy, cụ Mết kể lại cho dân làng nghe về câu chuyện của Tnú. Tnú mồ côi từ nhỏ, được dân làng nuôi lớn và sớm tiếp nối tinh thần cách mạng. Tnú tham gia nuôi giấu chiến sĩ cách mạng và làm liên lạc. Tnú vốn là một cậu bé thông minh, can đảm và gan dạ: “chọn nơi rừng khó đi, nơi sông khó qua” để tránh kẻ thù. Lúc bị bắt dám thách thức quân giặc “nuốt vội lá thư và chỉ tay vào bụng mình”. Tnú bị bắt, bị tra tấn dã man nhưng nhất định không khai. Sau khi ra tù, Tnú về làng cưới Mai và cùng dân làng chuẩn bị chiến đấu. Nghe tin đó, thằng Dục – tay sai của chính quyền Mỹ - Diệm đưa lính đến đàn áp. Không bắt được Tnú chúng đem vợ con anh ra đánh đập đến hết. Tnú đau xót xông ra nhưng không cứu được vợ con mà còn bị chúng thiêu đốt mười đầu ngón tay bằng nhựa cây xà nu. Trong khi đó cụ Mết cùng dân làng mang vũ khí cất giấu trong rừng trở về và chiến đấu thắng lợi. Tnú gia nhập giải phóng quân và chiến đấu dũng cảm nên được cấp phép về thăm làng. Cụ Mết tự hào kể về anh cũng như nhắc nhở bài học xương máu: "Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo”. Cuối truyện là hình ảnh cụ Mết và Dít tiễn Tnú về đơn vị, xa xa là những rừng xà nu, đồi xà nu bạt ngàn, chạy tít tắp đến chân trời.

2. Tìm hiểu chung

2.1 Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Truyện ngắn “Rừng xà nu” được viết năm 1965 và in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”.

- Truyện được viết khi tác giả đang tham gia chiến đấu chống Mỹ cứu nước và hoạt động trên chiến trường Tây Nguyên anh hùng.

2.2 Bố cục

- Phần 1 (từ đầu đến “những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”): Hình ảnh rừng xà nu

- Phần 2 (tiếp đó đến “giội lên khắp người như ngày trước”): Câu chuyện Tnú sau ba năm đi lực lượng về thăm làng

- Phần 3 (còn lại): Câu chuyện về cuộc đời bi tráng của Tnú và câu chuyện chiến đấu của dân làng Xô Man được cụ Mết kể lại

3. Giá trị nội dung và nghệ thuật

3.1 Giá trị nội dung

     Đây là chuyện của một đời người được kể trong một đêm. Đồng thời đó cũng là chuyện về những con người ở một bản làng Tây Nguyên, bên những cánh rừng xà nu bạt ngàn, xanh bất tận. Qua đó, tác giả đặt vấn đề có ý nghĩa lớn lao đối với dân tộc và thời đại: Để cho sự sống của nhân dân và đất nước mãi mãi trường tồn, không có cách nào khác hơn là phải cùng nhau đứng lên, cầm vũ khí chống lại kẻ thù tàn ác.

3.2 Giá trị nghệ thuật

- Đặc sắc, đậm đà chất sử thi hùng tráng:

+ Đề tài có ý nghĩa lịch sử: Cuộc chiến đấu của dân làng Xô Man

+ Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng. Rừng xà nu làm nền cho bức tranh về cuộc đấu tranh chống giặc “Cả rừng... ào ào rung động, lửa cháy khắp rừng”,....

+ Các nhân vật tiêu biểu được miêu tả trong bối cảnh trang nghiêm, hùng  vĩ, vừa mang phong cách Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại: Tnú, Dít, Heng,...

+ Giọng điệu và ngôn ngữ trang trọng, mang đậm sắc màu Tây Nguyên.

 - Kết cấu vòng tròn: mở đầu, kết thúc là hình ảnh rừng xà nu.

 - Cách thức trần thuật: kể theo hồi tưởng qua lời kể của cụ Mết (già làng), kể bên bếp lửa gợi nhớ lối kể "khan"- giống sử thi của các dân tộc Tây Nguyên.

 

(416) 1387 26/07/2022