Cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

Tóm tắt bài cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học ngắn gọn dễ hiểu môn văn 12
(407) 1357 26/07/2022

I. Sơ đồ - Cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

II. Cách làm bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học

1. Các dạng bài nghị luận về một ý kiến bàn về văn học và cách lập ý

 a. Nghị luận về văn học sử

- Ví dụ:

Đề 1. Anh (chị) hãy phân tích và làm sáng tỏ mọi đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945 - 1954: Chủ yếu được sáng tác theo khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

Đề 2. Nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai cho rằng: “Nhìn chung văn học Việt Nam phong phú, đa dạng; nhưng nếu cần xác định một chủ lưu, một dòng chính, quần thông kim cổ, thì đó là văn học yêu nước” (Dẫn theo Trần Văn Giàu tuyển tập, NXB Giáo dục, 2010).

Hãy trình bày suy nghĩ của anh (chị) với ý kiến trên (Ngữ văn 12, tập một tr.91).

- Nghị luận về văn học sử thường là các ý kiến bàn bạc, nhận định, khái quát chung về văn học Việt Nam, về các giai đoạn văn học, về các tác giả văn học,… Để lập ý cho bài văn viết, học sinh cần nắm được các yếu tố về hoàn cảnh lịch sử của giai đoạn văn học hoặc đặc điểm thời đại và hoàn cảnh sống của tác giả, lí giải được tại sao có những đặc điểm đó, nêu những biểu hiện của đặc điểm đó trong các tác phẩm, thấy đóng góp của vấn đề trong tiến trình phát triển của văn học.

b. Nghị luận về lí luận văn học

- Ví dụ:

Đề 1. Bàn về truyện ngắn, có người viết: “Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn, là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết” (Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992, tr.253).

Anh (chị) có đồng ý với ý kiến trên?

Đề 2. Bàn về đọc sách, nhất là đọc tác phẩm văn học lớn, người xưa nói: “Tuổi trẻ đọc sách như nhìn trăng qua cái kẽ, lớn tuổi đọc sách như ngắm trăng ngoài sân, tuổi già đọc sách như thưởng trăng trên đài” (Dẫn theo Lâm Ngữ Đường, sống đẹp, Nguyễn Hiền Lê dịch, NXB Tao đàn, Sài Gòn, 1965).

Anh (chị) hiểu ý kiến trên như thế nào? (Ngữ văn 12, tập một, tr.1965).

- Nghị luận về lí luận văn học thường là các ý kiến bàn về những đặc trưng cơ bản của văn học, các thể loại tiêu biểu như truyện, thơ, kịch,… các vấn đề thuộc phạm vi lí luận văn học như tiếp nhận văn học, phong cách nghệ thuật,… Để lập ý cho bài viết, học sinh cần xác định rõ vấn đề nghị luận, bàn đến vấn đề gì, thuộc phạm vi nào? Tại sao lại nói như thế? Nội dung ấy được biểu hiện như thế nào qua tác phẩm văn học tiêu biểu?

c. Nghị luận về một vấn đề trong tác phẩm văn học

- Ví dụ:

Đề 1. Trong truyện Những đứa con trong gia đình, Nguyễn Thi có nêu lên quan niệm: Chuyện gia đình cũng dài như sông, mỗi thế hệ phải ghi vào một khúc. Rồi trăm con sông của gia đình lại cùng đổ về một biển, “mà biển thì rộng lắm […], rộng bằng cả nước ra và ra ngoài cả nước ta”.

Anh (chỉ) có cho rằng, trong thiên truyện của Nguyễn Thi quả đã có một dòng sông truyền thống liên tục chảy từ những lớp người đi trước: tổ tiên, ông cha, cho đến lớp người đi sau: Chị em Chiến, Việt (Ngữ văn 12, tập hai, tr.68)

Đề 2. Trong đoạn trích Đất Nước (trích trường ca Mặt đường khát vọng), Nguyễn Khoa Điềm viết:

Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân

Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại

Có thể nói hai câu thơ trên đã thể hiện tập trung những đặc sắc nổi bật về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích. Qua sự phân tích đoạn thơ, anh (chị) hãy làm sáng tỏ điều đó.

- Nghị luận về vấn đề trong tác phẩm văn học: Thường là các ý kiến đánh giá, nhận xét về một khía cạnh nào đó của tác phẩm như những giá trị nội dung, những đặc sắc nghệ thuật, những quy luật, khám phá, chiêm nghiệm về đời sống toát lên từ tác phẩm, những nhận xét về các nhân vật,… Để lập ý, học sinh cần hiểu kĩ, hiểu sâu về tác phẩm, biết cách huy động kiến thức để làm sáng tỏ vấn đề. Cụ thể như: nêu xuất xứ của vấn đề (Xuất hiện ở phần nào của tác phẩm? Ai nói? Nói trong hoàn cảnh nào?,…), phân tích những biểu hiện cụ thể của vấn đề (Được biểu hiện như thế nào? Những dẫn chứng cụ thể để chứng minh,…). Từ đó đánh giá ý nghĩa của vấn đề trong việc tạo nên giá trị của tác phẩm văn học.

2. Cách lập dàn ý

- Tùy theo đối tượng và phạm vi các vấn đề được đưa ra bàn bạc mà có thể có các cách triển khai khác nhau. Tuy vậy, mục đích của bài học vẫn phải là hướng đến việc rèn luyện các kĩ năng tạo dựng một bài văn bản nghị luận nên nội dung có thể hết sức phong phú nhưng người viết vẫn phải tuân theo những thao tác và các bước cơ bản của văn nghị luận. Có thể khái quát mô hình chung để triển khai bài viết như sau:

 a. Mở bài:

- Dẫn dắt vấn đề.

- Nêu xuất xứ và trích dẫn ý kiến.

- Giới hạn phạm vi tư liệu.

 b. Thân bài:

- Giải thích, làm rõ vấn đề:

+ Giải thích, cắt nghĩa các từ, cụm từ có nghĩa khái quát hoặc hàm ẩn trong đề bài. Để tạo chất văn, gây hứng thú cho người viết, những đề văn thường có cách diễn đạt ấn tượng, làm lạ hóa những vấn đề quen thuộc. Nhiệm vụ của người làm bài là phải tường minh, cụ thể hóa những vấn đề ấy để từ đó triển khai bài viết.

+ Sau khi cắt nghĩa các từ ngữ cần thiết cần phải giải thích, làm rõ nội dung của vấn đề cần bàn luận. Thường trả lời các câu hỏi: Ý kiến trên đề cập đến vấn đề gì? Câu nói ất có ý nghĩa như thế nào?

- Bàn bạc, khẳng định vấn đề. Có thể lập luận theo cách sau:

+ Khẳng định ý kiến đó đúng hay sai? Mức độ đúng sai như thế nào?

+ Lí giải tại sao lại nhận xét như thế? Căn cứ vào đâu để có thể khẳng định được như vậy?

+ Điều đó được thể hiện cụ thể như thế nào trong tác phẩm, trong văn học và trong cuộc sống?

- Mở rộng, nâng cao, đánh giá ý nghĩa của vấn đề đó với cuộc sống, với văn học.

c. Kết bài:

+ Khẳng định lại tính chất đúng đắn của vấn đề.

+ Rút ra những điều đáng ghi nhớ và tâm niệm cho bản thân từ vấn đề.

(407) 1357 26/07/2022