Tìm hiểu chung về văn bản "Mấy ý nghĩ về thơ"
I. Sơ đồ - Tìm hiểu chung "Mấy ý nghĩ về thơ"
II. Tìm hiểu chung về văn bản "Mấy ý nghĩ về thơ"
1. Vài nét cơ bản về văn bản "Mấy ý nghĩ về thơ"
a. Hoàn cảnh ra đời
- Hoàn cảnh ra đời: Tác phẩm được ra đời vào tháng 9 năm 1949 tại Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc. Sau đó, được đăng trên Văn nghệ số 10 trong năm 1949. Về sau, bài viết được đưa vào tập “Mấy vấn đề về văn học”. Khi soạn bài Mấy ý nghĩ về thơ, ta cần lưu ý đến hoàn cảnh ra đời tác phẩm để hiểu đúng nhất về nội dung.
- Tiểu luận “Mấy ý nghĩ về thơ” đã cho thấy quan điểm đúng đắn, mới mẻ, có chiều sâu về thơ của Nguyễn Đình Thi. Bên cạnh đó là những đề xuất táo bạo của tác giả trong hoàn cảnh năm 1949 lúc bấy giờ.
b. Thể loại: Tiểu luận
c. Bố cục: 2 phần
- Đoạn 1: Từ đầu đến "...xung quanh ngọn lửa" => Đặc trưng cơ bản nhất của thơ.
- Đoạn 2: Còn lại => Những đặc điểm khác của thơ.
d. Tóm tắt nội dung:
Bài tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ nêu lên những suy nghĩ, những quan điểm độc đáo và mới mẻ đồng thời là những đề xuất của tác giả Nguyễn Đình Thi về thơ. Nhà văn khẳng định thơ chính là tâm hồn, là tiếng nói tâm tình của con người. Tuy nhiên, đó phải là tâm hồn có chiều sâu của tư tưởng, và phải được biểu đạt qua hình ảnh, qua nhạc điệu, nhịp điệu và ngôn ngữ.
Đường đi của nghệ thuật nói chung, của thơ nói riêng là từ tình cảm, từ trái tim nhà thơ đến với bạn đọc. Thơ là sự cô đọng kết tinh, là sự tổng hợp tất cả những tinh túy trong ngôn ngữ. Nguyễn Đình Thi đã làm một phép đối sánh để làm bật lên sự nổi trổi của thơ: Nếu văn xuôi cho phép không mười phân hoàn hảo, thì thơ lại luôn đòi hỏi sự toàn bích.
Đối với thơ không vần, thơ tự do, Nguyễn Đình Thi đã bày tỏ quan điểm mới mẻ và đầy táo bạo như sau “không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần hay không vần, chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ…” Đây được xem như là sự phá cách trong suy nghĩ cũng như tư duy đối với thơ truyền thống, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm đến chất lượng thơ của tác giả Nguyễn Đình Thi.
2. Giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật
a. Giá trị nội dung
- Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi vẫn còn giá trị đến ngày nay vì sự đúng đắn trong nội dung tư tưởng, sự hấp dẫn trong nghệ thuật biểu đạt.
- Tiểu luận vẫn còn giá trị thời sự, tính khoa học đúng đắn, đi vào bản chất của thơ và làm mối quan hệ chặt chẽ của thơ với cuộc sống.
b. Giá trị nghệ thuật
- Văn phong gần gũi, thân tình, chia sẻ tâm huyết, quan niệm và tình cảm chân thành với những người đồng nghiệp về thơ ca.
- Nghệ thuật lập luận hấp dẫn: hệ thống luận điểm chặt chẽ tiến bộ, trải nghiệm sâu sắc, tư duy sắc bén, hình ảnh sống động, từ ngữ sắc sảo, dẫn chứng giàu sức lay động.
- Kết hợp nhuần nhuyễn chính luận và trữ tình, nhiều câu nhiều đoạn mềm mại, giàu chất thơ.