Phương pháp làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
I. Sơ đồ - Phương pháp làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
II. Phương pháp làm bài văn nghị luận về một đoạn thơ bài thơ
1. Thế nào là bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
Nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ là trình bày nhận xét, đánh giá của mình về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ ấy.
2. Đặc điểm của dạng nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
a. Đề bài của bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ thường có những đặc điểm sau:
* Dạng bài phân tích toàn bộ bài thơ:
Người ra đề thường lựa chọn những vấn đề hoặc khía cạnh nổi bật của bài thơ.
Ví dụ: Phân tích hình ảnh người lính trong tác phẩm “Tây Tiến” của nhà thơ Quang Dũng
* Dạng bài phân tích một đoạn thơ:
Người ra đề thường chọn đoạn thơ đặc sắc về giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật nổi bật của bài thơ.
Ví dụ: Em hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của mình về khổ thơ cuối cùng trong bài thơ “Tây Tiến” để thấy được hình tượng người lính đầy bi tráng.
* Dạng bài phân tích một hình ảnh trong đoạn thơ, bài thơ:
Hình ảnh được lựa chọn phải giàu ý nghĩa biểu tượng và giá trị nội dung.
Ví dụ: Phân tích hình ảnh sóng trong bài thơ "Sóng" của Xuân Quỳnh để thấy được những cung bậc cảm xúc của cô gái trong tình yêu.
* Dạng bài so sánh giữa hai đoạn thơ, bài thơ.
Hai ngữ liệu được lựa chọn sẽ có nét tương đồng, gần gũi.
Ví dụ: So sánh gương mặt đất nước trong hai bài thơ cùng mang tên Đất nước của Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm.
3. Dàn ý của bài văn nghị luận về một đoạn thơ, bài thơ
a. Mở bài
– Giới thiệu ngắn gọn về những nét chính về tác giả, tác phẩm.
– Giới thiệu những vấn đề nghị luận và trích dẫn.
b. Thân bài
– Giới thiệu hoàn cảnh sáng tác, vị trí đoạn thơ, bài thơ,…
– Phân tích cụ thể khổ thơ, đoạn thơ
+ Phân tích theo bố cục của bài hoặc từng câu (bổ ngang)
+ Phân tích theo hình tượng hoặc nội dung xuyên suốt bài thơ (bổ dọc).
– Nêu đặc sắc nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ: những hình ảnh giàu ý nghĩa, biểu tượng, cấu tứ, nhịp điệu.
c. Kết bài
- Đánh giá khái quát và khẳng định giá trị riêng, đặc sắc của bài thơ, đoạn thơ nghị luận.