Lý thuyết thảo luận nhóm về một vấn đề
I. Định hướng thảo luận nhóm về một vấn đề
1. Định nghĩa: Trong cuộc sống và học tập, sinh hoạt có những vấn đề các em cần phải thảo luận trong nhóm nhỏ để có giải pháp thống nhất. Vấn đề ấy có thể là một hiện tượng đời sống.
Ví dụ: tác dụng và tác hại của việc chơi game; nên xưng hô với các bạn cùng lớp, cùng giới và khác giới như thế nào cho đúng?,... Vấn đề ấy cũng có thể đặt ra từ các nội dung học tập, các văn bản đọc hiểu. Ví dụ, từ các truyện Bức tranh của em gái tôi, Điều không tính trước, Chích bông ơi!, thảo luận về lòng nhân hậu, vị tha; về tình bạn đẹp;... Cũng có thể thảo luận về hành động của một nhân vật trước nhiều nhận xét khác nhau, chẳng hạn về hành động cáu giận của người anh trong truyện Bức tranh của em gái tôi (Tạ Duy Anh) hoặc hành động của nhân vật Nghi trong truyện Điều không tính trước (Nguyễn Nhật Ánh),...
2. Để tham gia thảo luận, các em lưu ý:
- Xác định vấn đề chưa thống nhất có thể có nhiều ý kiến khác nhau.
- Biết đặt và trả lời câu hỏi trong quá trình thảo luận nhóm.
- Biết nêu một vài đề xuất dựa trên các ý tưởng được trình bày trong quá trình thảo luận.
- Biết nêu ý kiến của mình và tôn trọng, lắng nghe người trao đổi trong nhóm.
II. Hướng dẫn quy trình thảo luận nhóm về một vấn đề
1. Chuẩn bị
- Lựa chọn vấn đề cần thảo luận.
- Tìm hiểu, thu thập thông tin về vấn đề sẽ thảo luận.
- Xem lại các yêu cầu nói và nghe trong thảo luận nhóm (ý 2, mục 1. Định hướng).
2. Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý bằng cách đặt và trả lời một số câu hỏi như:
+ Định nghĩa vấn đề
+ Nêu ích lợi và tác hại
+ Nên chơi game như thế nào cho phù hợp?
- Lập dàn ý bằng cách dựa vào những ý đã tìm được, sắp xếp theo ba phần của bài viết:
+ Mở bài: Nêu vấn đề.
+ Nội dung chính: có thể liệt kê các đánh giá, ý kiến.
+ Kết thúc: Nên thống nhất ý kiến về vấn đề này như thế nào?
3. Nói và nghe
- Dựa vào dàn ý đã chuẩn bị, trình bày ý kiến của em.
- Nêu các câu hỏi, chất vấn những điều chưa rõ hoặc không tán thành ý kiến của bạn.
- Trả lời câu hỏi bạn nêu ra cho em.
- Tập trung theo dõi và tôn trọng khi bạn phát biểu.
4. Kiểm tra và chỉnh sửa
Rút kinh nghiệm về việc thảo luận và cách phát biểu, thảo luận.
- Người nói:
+ Xem xét nội dung thảo luận: Có nêu được rõ ràng ý kiến, lí lẽ và bằng chứng về việc chơi game không? Ý kiến trình bày có sức thuyết phục không?
+ Rút kinh nghiệm cách phát biểu và các lỗi trong phát biểu, thảo luận.
- Người nghe:
+ Xem xét yêu cầu nắm được thông tin. Người nói nêu ưu điểm hay hạn chế của vấn đề? Lí lẽ và bằng chứng mà người nói đưa ra để làm rõ ý kiến của mình là gì?
+ Rút kinh nghiệm các lỗi về thái độ trong khi nghe và khi phát biểu, thảo luận.
III. Ví dụ thảo luận nhóm về một vấn đề
Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi nghĩ rằng đến 90% hay thậm chí 99% các bạn ở đây đã từng chơi một game gì đó. Tuy nhiên, chơi game có lợi hay hại? Theo tôi, việc chơi game tích cực hay tiêu cực đều phụ thuộc vào việc bạn chơi game như thế nào.
Trò chơi điện tử (tiếng Anh: electronic game) là một trò chơi sử dụng các thiết bị điện tử để tạo ra một hệ thống tương tác mà người dùng có thể chơi. Chúng ta có thể điểm tên một số game khá nổi tiếng như fifa, liên minh huyền thoại, boom,...
Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà chơi game mang lại. Có một sự thật mà chúng ta phải công nhận rằng các từ ngữ tiếng Anh trong game được các bạn học sinh sử dụng một cách thành thạo (kể cả khi học sinh ấy học không giỏi tiếng Anh). Vì chỉ có biết và hiểu các công dụng cũng như học tiếng Anh với niềm say mê hứng thú như vậy thì việc học mới hiệu quả. Hơn nữa, có rất nhiều trò chơi điện tử mang tính trí tuệ và sáng tạo cao như cờ vua, cờ caro, giải mã,... Việc chơi game tăng khả năng phản xạ của học sinh cũng như phát triển tư duy và sự sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề. Đặc biệt, chơi game giúp mọi người giải tỏa căng thẳng (đặc biệt là khi chơi cùng một vài người bạn). Sau những giờ học hay giờ làm việc căng thẳng, việc chơi game sẽ giúp bạn giải tỏa tâm lí ấy. Bạn sẽ quên đi những mệt mỏi để hòa nhập vào thế giới ảo mộng, phi thực tế.
Tuy nhiên, game cũng mang nhiều những tác hại. Thứ nhất, chơi game ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người. Việc ngồi quá lâu trước máy tính hay thức đêm sẽ ảnh hưởng đến thị lực hoặc một số bộ phận như tim, gan,... của con người. Sự cáu giận khi bị thua game có thể khiến bạn stress hơn và không giữ được bình tĩnh. Hơn nữa, nếu như dành quá nhiều thời gian cho game, tất cả những công việc khác của bạn sẽ bị đình trệ. Bạn bị cuốn vào những cuộc vui và sự thú vị của trò chơi mà quên mất thời gian trôi nhanh. Đôi khi sự bỏ lỡ một công việc nào đó sẽ khiến bạn hối hận sau này. Hoặc với lứa tuổi học sinh của chúng ta, nếu chơi game mà quên học thì kết quả học tập sẽ xuống dốc không phanh. Điều cuối cùng mà tôi muốn nhấn mạnh: chơi game tiềm tàng khả năng hao hụt về tài chính. Điều này là bởi vì nếu muốn có được đồ đẹp, xịn, chơi được vui hơn thì đa phần các nhà sản xuất sẽ thúc đẩy người chơi nạp tiền vào tài khoản. Nếu hết, bạn lại muốn nạp thêm để trải nghiệm tiếp.
Như vậy, chơi game có cả hai mặt lợi và hại. Nếu chúng ta có cách quản lí việc chơi game để không ảnh hưởng cuộc sống thực tại thì game sẽ không phải vấn đề gì quá to lớn. Mỗi ngày chỉ nên chơi vài tiếng để giảm stress chứ không nên dành quá nhiều thời gian, tiền bạc, công sức,... vào đó. Hãy trở thành một người chơi thông minh. Đó là suy nghĩ của tôi, còn các bạn thì sao?