Lý thuyết về viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích
I. Định hướng Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích
1. Định nghĩa: Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích là dùng lời văn của mình kể lại nội dung một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích đã học (hoặc đã đọc, đã nghe).
2. Cách thức:
+ Không chép lại nguyên văn câu chuyện truyền thuyết, cổ tích trong sách.
+ Người kể có thể thay đổi từ ngữ, cách đặt câu.
+ Người viết có thể thêm một vài chi tiết; các yếu tố miêu tảm biểu cảm.
+ Người viết có thể nêu ra một kết thúc khác theo hình dung, tưởng tượng của mình.
3. Lựa chọn truyện: Nếu đề bài không yêu cầu kể một truyện nhất định, em nên chọn một truyện em thích.
II. Hướng dẫn quy trình viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích
1. Chuẩn bị
- Đọc lại, ghi lại sự kiện chính, tưởng tượng về nhân vật.
- Suy nghĩ về chi tiết, hình ảnh, từ ngữ có thể thêm.
2. Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý (Đặt và trả lời các câu hỏi)
+ Kể chuyện gì?
+ Sự kiện chính là sự kiện nào? Nhân vật chính là ai?
+ Diễn biến câu chuyện?
+ Ý định thêm, bớt chi tiết, hình ảnh...như thế nào?
+ Suy nghĩ, cảm xúc bản thân từ truyện?
- Lập dàn ý dựa trên việc tìm hiểu tìm ý, sắp xếp theo bố cục 3 phần của bài văn.
+ Mở bài: Giới thiệu/ nêu lí do kể lại truyện.
+ Thân bài: Kể lại câu chuyện bằng lời văn của em.
+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ của bản thân về truyện hoặc nhân vật chính.
3. Viết: Dựa vào dàn ý, viết thành bài văn kể truyền thuyết mà em đã chọn.
4. Kiểm tra và chỉnh sửa
- Kiểm tra dàn ý và bài văn:
+ Bài văn lạc ý hay thiếu ý chỗ nào không?
+ Cần thay đổi gì trong nội dung/ cách kể lại không?
- Xác định lỗi cần sửa trong dàn ý/ bài viết.
III. Ví dụ
Kể lại truyền thuyết Thánh Gióng
Từ thuở còn thơ bé, ta đã được nghe bao câu chuyện kể của bà, của mẹ về lịch sử hào hùng, về những truyền thuyết ly kỳ. Và có lẽ ai khi ấy cũng mang trong mình niềm tự hào và ngưỡng mộ những vị anh hùng trong truyền thuyết của dân tộc. Thánh Gióng là một vị anh hùng oai phong như thế. Truyền thuyết Thánh Gióng là truyền thuyết vô cùng hấp dẫn kể về người anh hùng này.
Truyền thuyết kể lại rằng: Đời Hùng Vương thứ sáu, ở một ngôi làng nọ bên sông Hồng, có hai vợ chồng nông dân, vừa chăm chỉ làm ăn lại có tiếng phúc đức nhưng đến lúc sắp về già mà vẫn chứa có lấy một mụn con. Một ngày kia, bà vợ ra đồng như thường ngày, trông thấy một vết chân to, bèn đặt chân mình vào ướm thử. Về nhà bà liền mang thai, hai vợ chồng vô cùng vui mừng. Nhưng không giống những người khác, chín tháng mười ngày qua đi, bà mang thai mười hai tháng mới sinh ra một cậu bé mặt mũi khôi ngô, đặt tên là Gióng. Điều kỳ lạ nữa là Gióng lên ba tuổi vẫn chẳng biết nói, chẳng biết cười, đặt đâu nằm đó, hai vợ chồng vừa buồn vừa lo lắng.
Cũng năm ấy, giặc Ân đem quân sang xâm lược bờ cõi nước ta, gây nên bao nhiêu tội ác, dân chúng vô cùng lầm than, khổ sở. Xét thấy thế giặc mạnh, nhà vua bèn sai người đi khắp cả nước tìm người hiền tài cứu nước. Sứ giả đi đến mọi nơi, đi qua cả làng của Gióng. Nghe tiếng rao “Ai có tài, có sức xin hãy ra giúp vua cứu nước”, Gióng đang nằm trên giường bỗng cất tiếng nói đầu tiên:
- Mẹ ơi! Mẹ ra mời sứ giả vào đây cho con.
Thấy vậy, bà mẹ rất bất ngờ vui mừng, vội đi ra mời sứ giả vào nhà. Gióng yêu cầu sứ giả về tâu với vua, chuẩn bị đầy đủ ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt để cậu đi đánh giặc.
Kỳ lạ hơn, sau khi sứ giả trở về, Gióng ăn rất khỏe và lớn nhanh như thổi. Cơm ăn bao nhiêu cũng không no, áo vừa mặc xong đã sứt chỉ. Mẹ cậu nuôi không đủ đành nhờ đến hàng xóm láng giềng. Bà con biết chuyện nên cũng rất phấn khởi, ngày đêm tấp nập nấu cơm, đội cà, may vá cho cậu rất chu đáo. Ai cũng hy vọng Gióng sớm ngày ra giết giặc giúp nước, trừ họa cho dân.
Ngày ấy, giặc vừa đến sát chân núi Trâu thì sứ giả cũng kịp mang vũ khí tới. Gióng bèn vươn vai đứng dậy, lập tức trở thành một tráng sĩ, khoác áo giáp, cầm roi sắt, chào mẹ và dân làng rồi nhảy lên ngựa. Cả người cả ngựa lao vun vút ra trận.
Trên chiến trường, Gióng tung hoành ngang dọc, tả đột hữu xung, giặc chết dưới tay như ngả rạ. Bỗng gậy sắt gãy, Gióng nhanh như chớp nhổ tre bên đường làm vũ khí mới. Giặc sợ hãi chạy trốn, dẫm đạp lên nhau mà chết. Khi trời đất đã sạch bóng giặc, Gióng phi ngựa bay về núi Sóc, cởi bỏ áo giáp sắt, vái tạ mẹ rồi bay về trời.
Vua phong hiệu cho cậu là Thánh Gióng, nhân dân lập đền thờ phụng, ghi nhớ công ơn. Nhiều đời sau người ta còn kể, khi ngựa sắt thét ra lửa, lửa đã thiêu trụi một làng. Đến nay làng ấy gọi là làng Gióng. Những vết chân ngựa in xuống ngày xưa nay đã thành những ao hồ to nhỏ nối tiếp nhau, là di tích minh chứng cho chiến công oanh liệt của Thánh Gióng.
Nhiều thời đại qua đi, truyền thuyết người anh hùng Thánh Gióng vẫn được lưu giữ và truyền tụng mãi trong dân gian, từ thế hệ này qua thế hệ khác. Thánh Gióng chính là biểu tượng cho ước mơ, sức mạnh bảo vệ đất nước của nhân dân ta.