Phân tích chi tiết Ca dao Việt Nam
I. Tình cảm của cha mẹ (Bài ca dao số 1)
“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!”
- Qua bài ca dao, chúng ta có thể đoán được đây là lời hát ru của mẹ dành cho con. Lời hát ru ngọt ngào mà sâu lắng để nói về công cha, nghĩa mẹ.
- Nội dung: Đây là lời của cha mẹ nói với con cái về công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với con cái và nhắc nhở phận làm con phải ghi nhớ công ơn sâu nặng đó.
+ Hai câu đầu: biện pháp so sánh được sử dụng nhuần nhuyễn. Công cha được ví với núi ngất trời, nghĩa mẹ được ví như nước ở ngoài biển Đông. Hình ảnh núi ngất trời là một hình ảnh cao lớn, vững chãi và hình ảnh cao lớn đó được ví như công lao của cha cũng tương ứng với trụ cột của người cha trong gia đình. Còn hình ảnh nước ngoài biển Đông, nước ở ngoài biển Đông chảy trong trẻo, ngọt ngào, dào dạt và không bao giờ vơi cạn cũng giống như tình mẹ.
-> Lối ví von so sánh “Công cha – núi ngất trời”, “Nghĩa mẹ – nước ở ngoài biển Đông”. Tác giả lấy cái vô hình để so sánh cái hữu hình. Lấy cái mênh mông, vĩnh hằng vô hạn của trời đất, thiên nhiên để nói đến công cha nghĩa mẹ qua đó, nổi bật ý nghĩa là ca ngợi công ơn to lớn của cha mẹ.
+ Hai câu cuối: câu thứ ba lặp lại hình ảnh núi cao và biển rộng và bài ca dao còn nhắc đến một khái niệm đó là cù lao chín chữ. Cù lao chín chữ là nhắc nhở con người nhớ đến chín chữ cù lao, công sinh thành nuôi dưỡng của cha mẹ đó là: sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom, đoái hoài), phục (theo dõi để uốn nắn), phúc (che chở). Như vậy, chín chữ cù lao này đã theo suốt những đứa con trong chặng đường đời để ghi nhớ về công lao sinh thành và nuôi dưỡng của cha mẹ đối với con cái.
-> Thành ngữ “Cù lao chín chữ” chính là chỉ nỗi vất vả của cha mẹ, không thể đong đếm được.
=> Như vậy, bài ca dao đã gợi nhớ cho chúng ta về công cha và nghĩa mẹ là công ơn thiêng liêng với con người và đồng thời nhắc nhở những người con phải có ý thức và đền đáp công ơn sinh thành nuôi dưỡng to lớn ấy.
II. Tình cảm nguồn cội (Bài ca dao số 2)
“Con người có cố, có ông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.”
- Nội dung: Hai câu ca dao là lời hát ru sâu lắng nhắc nhở mỗi người về tổ tiên, nguồn cội.
- Nghệ thuật: phép so sánh, điệp ngữ.
→ Tác dụng:
+ Tăng sức gợi tả gợi cảm cho câu ca dao.
+ Nhấn mạnh mỗi con người đều có cội nguồn, phải biết ơn và trân trọng.
- Con người ai cũng có nguồn cội, đó là mối quan hệ thân thiết, gắn bó đầy tình nghĩa trong đại gia đình. Đó là mối quan hệ giữa con cháu đối với tổ tiên, ông bà, là mối quan hệ ruột thịt.
- Cây thì có cội có gốc, sông thì có nguồn. Nhờ có gốc bền rễ sâu mà cành lá mới xanh tươi, đơm hoa kết trái. Nhờ có nguồn mà sông mới có nước không bao giờ cạn. Con người cũng vậy, phải "có cố, có ông", có tổ tiên, ông bà mới có cha mẹ, con cháu.
=> Bài ca dao nêu lên bài học về sự thủy chung, tình nghĩa và biết ơn cội nguồn gia tộc, đó chính là thứ tình cảm quý báu của mỗi con người.
III. Tình cảm anh em ruột thịt trong gia đình (Bài ca dao số 3)
“Anh em nào phải người xa
Cùng chung bác mẹ một nhà cùng thân
Yêu nhau như thể tay chân
Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”
- Nội dung: Nhắc nhở chúng ta anh em phải hòa thuận, phải biết đoàn kết, nương tựa vào nhau, thương yêu nhau để cha mẹ vui lòng.
- Nghệ thuật: phép so sánh, điệp ngữ.
- Tình cảm anh em trong gia đình là tình cảm không bao giờ có thể tách rời, mất đi được. Vì họ cùng một mẹ sinh ra, cùng được cha mẹ nuôi dưỡng, dạy dỗ từ khi còn cất tiếng khóc oe oe cho đến khi trưởng thành và mãi về sau. Vậy nên, tình cảm đó được diễn tả một cạnh cụ thể:
+ Lời khẳng định anh em không phải người xa lạ gì. Bởi cùng chung máu thịt. Nhưng chữ “cùng, chung, một” để diễn tả anh em là hai mà như là một, cùng một cha mẹ, cùng chung sống trong một gia đình, được cha mẹ nuôi dưỡng.
+ Sử dụng hình ảnh tay, chân là những bộ phận rất quan trọng, luôn gắn liền với cơ thể, có quan hệ mật thiết với nhau để nói đến sự bền chặt của tình cảm anh em trong một gia đình,
+ Lấy tay, chân để so sánh ví với tình anh em để thể hiện tình cảm anh hem trong gia đình gắn bó thân thiết như chân với tay, không thể xa rời mà phải biết nương tựa nhau.
=> Bài ca dao cũng nhắc nhở anh em trong gia đình phải hòa thuận để cha mẹ vui lòng, biết thương yêu, đùm bọc nhau “Anh em hòa thuận hai thân vui vầy”.