Lý thuyết về Thảo luận nhóm nhỏ về một vấn đề cần có giải pháp thống nhất

Tóm tắt bài Thảo luận nhóm về một vấn đề cần có giải pháp thống nhất ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 6 sách CTST, soạn bài dễ dàng
(407) 1356 26/09/2022

I. Khái niệm thảo luận nhóm nhỏ về một vấn đề cần có giải pháp

Trước những vấn đề đặt ra trong học tập và cuộc sống hằng ngày, mỗi người chúng ta thường có nhận thức và cách giải quyết riêng. Tuy vậy, trong nhiều trường hợp, ta cần sự góp sức của nhiều người để tìm ra được giải pháp tốt nhất. Tham gia thảo luận nhóm là cách chúng ta bày tỏ ý kiến, lắng nghe và chia sẻ góc nhìn với những người xung quanh. 

II. Một số chủ đề thảo luận

- Cần làm gì để hình thành thói quen đọc sách?

- Trình bày một số giải pháp để giúp nhau tiến bộ trong học tập.

- Nêu những phương pháp hiệu quả để hoàn thành việc học bài, làm bài trước khi đến lớp.

- Học môn Ngữ Văn thế nào cho hiệu quả?

- Bạn có thể làm gì để góp phần xây dựng nếp sống văn minh, lịch sự trong lớp học.

III. Hướng dẫn quy trình thảo luận

Bước 1: Chuẩn bị

- Thành lập nhóm và phân công công việc

Mỗi nhóm nhỏ nên gồm khoảng 6 thành viên. Nhóm trưởng chịu trách nhiệm phân công công việc, theo dõi tiến độ, chuẩn bị và dẫn dắt buổi thảo luận. Thư kí ghi chép ý kiến của các thành viên trong buổi thảo luận.

- Chuẩn bị nội dung buổi thảo luận

Sau khi chia nhóm, mỗi thành viên cần chuẩn bị nội dung theo sự phân công.

Em nên tìm tư liệu và nghiên cứu trước vấn đề từ một số nguồn đáng tin cậy và chuẩn bị ý kiến của mình theo gợi ý sau:

Ý kiến của tôi Lí do
   
   

- Thống nhất mục tiêu và thời gian của buổi thảo luận

+ Để thống nhất mục tiêu, thời gian thảo luận, cả nhóm cần trả lời những câu hỏi sau:

+ Mục đích của buổi thảo luận này là gì? Thời gian thảo luận dự kiến là bao lâu? Nhóm sẽ dành bao nhiêu thời gian cho mỗi ý kiến trong khi thảo luận?

Bước 2: Thảo luận

- Trình bày ý kiến: Trong bước này, nhóm trưởng cần dẫn dắt để các thành viên trình bày ý kiến. Thư kí ghi chép, tổng hợp ý kiến.

- Phản hồi các ý kiến

+ Để làm rõ thêm các ý kiến cũng như sàng lọc các ý kiến chưa hợp lí, ta cần dành thời gian để phản hồi bằng cách nêu câu hỏi, đưa ra lí lẽ, dẫn chứng để phản đối những ý kiến chưa hợp lí.

+ Để phản hồi được ý kiến của các bạn khác trong nhóm, trước hết em nên lắng nghe và ghi chép cẩn thận ý kiến của bạn, những điều em muốn trao đổi với bạn và những điều bạn muốn trao đổi với em.

+ Dưới đây là một số mẫu câu mà em có thể sử dụng để phản hồi ý kiến của em

./ Nếu muốn bạn làm rõ ý kiến, em có thể nói:

  • Tôi chưa hiểu rõ lắm ở phần... Bạn có thể giải thích thêm giúp tôi được không?
  • Theo tôi hiểu thì ý của bạn là... Tôi hiểu như vậy có đúng không?
  • Bạn nói rằng.... Vì sao vậy?

./ Nếu muốn phân biệt ý kiến của bạn, em có thể nói:

  • Tôi có cái nhìn khác ở phần.... Bởi vì...
  • Theo tôi, ý... chưa hợp lí. Bởi vì...

- Thống nhất giải pháp

+ Trong bước này, thư kí sẽ tóm tắt ngắn gọn những ý kiến đã được trình bày trong buổi thảo luận, các thành viên trong nhóm quyết định giải pháp nào là tối ưu.

+ Giải pháp tối ưu không nhất thiết phải là một ý kiến, đó có thể là sự kết hợp của nhiều ý kiến khác nhau.

+ Nên tránh đề xuất những ý kiến mới và tránh quay trở lại những ý kiến đã được thảo luận.

IV. Ví dụ thảo luận nhóm nhỏ về một vấn đề cần có giải pháp

Thảo luận về chủ đề: Cần làm gì để hình thành thói quen đọc sách?

      Theo khảo sát từ nhóm Nghiên cứu của trang thương mại điện tử Picodi, chỉ khoảng 60% người Việt Nam được khảo sát mua ít nhất một quyển sách trong năm, đứng gần cuối bảng trong số 41 nước tham gia. Điều này cho thấy mức độ quan tâm tới việc đọc sách ở nước ta còn thấp.

      Vậy làm thế nào để có thể rèn luyện thói quen đọc sách một cách hiệu quả? Làm thế nào để trở nên hứng thú hơn mỗi khi đọc sách?

- Đọc thử trước khi đọc thật:

      Nếu là một fan của việc đọc sách online, bạn sẽ thấy các ứng dụng đọc sách điện tử luôn cho phép người dùng đọc trước 10% nội dung cuốn sách trước khi quyết định mua. Điều này giúp người đọc có thể chọn được những quyển sách ưng ý, đồng thời tránh dành nhiều thời gian cho những quyển sách “vô thưởng vô phạt”.

      Đối với sách giấy, việc đọc thử còn tiện lợi hơn rất nhiều. Mark Manson, nhà văn và blogger nổi tiếng về lĩnh vực phát triển bản thân, có nói: “[Sau khi đã đọc thử 10%], nếu vẫn cảm thấy không có hứng thú hoặc không thích tác giả, tôi sẽ xem mục lục và thử chuyển đến chương sách mà tôi cảm thấy thú vị nhất. Nếu chương ấy vẫn không làm tôi cảm thấy thích thú, tôi sẽ bỏ qua cuốn sách này ngay lập tức.

“Điều đó có thể khiến nhiều người ngạc nhiên. Tuy nhiên tôi nhận thấy rằng một cuốn sách hay cho tôi nhiều thứ hơn là 3 - 4 cuốn sách vô vị. Do vậy, không có lý do gì để tốn thời gian vào những cuốn sách không chứa đựng những thông tin mà tôi cảm thấy thích thú.”

- Mạnh dạn bỏ qua những phần mà bạn cảm thấy chán:

      Mục đích cuối cùng của việc đọc sách, đặc biệt là những quyển sách phi hư cấu, đó là tiếp thu thêm tri thức mới. Vì thế, với những chương sách mà thông tin trong đó bạn đã biết rồi hoặc không cảm thấy thú vị, đừng ngại đọc lướt qua hoặc thậm chí bỏ qua cả chương ấy.
Một số người cảm thấy thật phí tiền mua sách nếu không đọc hết những gì có trong đó. Tuy nhiên, nếu không bỏ qua những thông tin ấy thì bạn vừa mất tiền đã mua sách mà còn mất thêm thời gian để đọc nó nữa. Đó là chưa kể đến việc bạn sẽ dần cảm thấy mất hứng thú với việc đọc sách khi dành ra quá nhiều thời gian cho những thông tin không có giá trị.

- Đọc những gì bạn thích trước

      Cần rất nhiều thời gian và công sức để hình thành nên một thói quen, vì vậy hãy bắt đầu từ những việc dễ trước. Chẳng hạn, đừng ngại tìm và đọc những quyển sách ngôn tình nếu bạn thực sự có tình yêu và đam mê với chúng. Miễn đó là những đầu sách được đầu tư, nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt khiến cho bạn có hứng thú, việc đọc những thể loại sách hư cấu (fiction) như ngôn tình sẽ là bước đầu hình thành nên thói quen đọc sách của bản thân.

      Hơn nữa, ai bảo đọc tiểu thuyết là không có ích? Theo nghiên cứu từ đại học Emory, việc đọc tiểu thuyết có thể giúp bạn cải thiện khả năng kết nối và hoạt động của não. Ngoài ra, chúng còn giúp tăng cường khả năng đặt mình vào vị trí của người khác, từ đó khiến bạn dễ dàng đồng cảm hơn với người xung quanh.

      Sau khi đã đọc những chủ đề mà mình thích, bạn có thể dần dần chuyển qua những chủ đề mới lạ với bản thân hơn. Việc này sẽ giúp bạn khó bị “nản” hơn so với việc đọc những thể loại “khó nhằn” ngay từ đầu.

- Nói với bản thân chỉ cần đọc 1 trang sách mỗi ngày:

      Đừng đề ra những mục tiêu quá “cao cả” trong quá trình đọc. Khi đọc tin tức trên mạng, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những lời khuyên về việc đọc hàng chục quyển sách mỗi tháng. Đúng là có nhiều người có thể làm được điều đó. Tuy nhiên, bạn không phải là họ và cũng không nhất thiết phải giống như họ.

      Đọc sách nên là một thú vui cá nhân, không phải công việc nên bạn cũng không nhất thiết phải “chạy KPI” trong quá trình đọc. Đặt mục tiêu lớn cũng dễ khiến bạn trì hoãn việc đọc hơn.

      Tôi thường tự nhủ mình chỉ cần cầm sách lên đọc 1 trang mỗi ngày. Điều này giúp tôi cảm thấy việc đọc không quá khó khăn và tốn năng lượng. Tôi phát hiện ra chỉ cần đọc một trang, rất có thể bạn sẽ đọc tràn sang nhiều trang tiếp theo. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy bớt căng thẳng và có hứng thú hơn trong việc đọc.

- Duy trì một khoảng thời gian cố định để đọc sách mỗi ngày:

      Dành ra một khoảng thời gian cố định trong ngày chỉ để đọc sách là một điều vô cùng quan trọng nếu bạn muốn nó trở thành thói quen hàng ngày của mình.
Để làm được điều này, bạn có thể nhờ đến sự trợ giúp của “vòng lặp thói quen”. Theo Charles Duhigg, tác giả của cuốn sách “The Power of Habit”, một thói quen bao gồm 3 thành phần chính: gợi ý, hành động và phần thưởng. Gợi ý là bước đầu tiên giúp não bộ lựa chọn thói quen khiến bạn bắt đầu một hành động cụ thể. Sau đó, phần thưởng sẽ giúp trí não hiểu rằng đây là hành động nên được lặp lại trong tương lai.
Chẳng hạn, sau bữa ăn tối (gợi ý), bạn có thể dành ra một khoảng thời gian cố định để đọc sách (hành động). Sau đó, bạn có thể tự tưởng cho mình bằng cách coi một tập phim yêu thích, hay lướt facebook trong khoảng 10-15 phút. Khi được lặp lại liên tục, việc đọc sách lúc này sẽ trở thành một hành động vô thức, được củng cố bằng sự “gợi ý” khi bắt đầu cũng như “phần thưởng” khi kết thúc.

- Mua trước và để dành sách ở nhà:

      Một số người hay có thói quen mua rất nhiều sách trước, sau đó chất đống ở nhà và rất lâu sau mới đọc hết. Điều này không hẳn là không có lý: việc mua trước và để dành sách sẽ giúp bạn không tốn nhiều thời gian trong việc tiếp tục tìm kiếm những đầu sách mới sau khi đã đọc xong những cuốn cũ. Thêm vào đó, bạn cũng sẽ có thêm động lực để có thể đọc hết những gì mình đã mua, vì suy cho cùng không ai muốn tốn tiền mua những gì mình không sử dụng cả.

- Chia sẻ những gì bạn đã đọc với người khác:

      Đã bao giờ bạn cảm thấy một quyển sách hay tới mức thật phí nếu không chia sẻ nó với người khác? Thông qua việc giới thiệu những cuốn sách bổ ích cho mọi người, việc đọc sách sẽ có ý nghĩa hơn rất nhiều và từ đó bạn sẽ có thêm động lực để tiếp tục rèn luyện thói quen đọc. Ngoài ra, việc giới thiệu sách cho người khác cũng giúp họ hiểu hơn về gu đọc sách của chính bạn, từ đó họ cũng sẽ giới thiệu lại những cuốn sách phù hợp với sở thích của bạn.

(407) 1356 26/09/2022