Lý thuyết Viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện

Lý thuyết về lý thuyết viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện môn văn lớp 6 với nhiều dạng bài cùng phương pháp giải nhanh kèm bài tập vận dụng
(389) 1295 26/09/2022

I. Khái niệm viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện

Thuyết minh thuật lại một sự kiện là kiểu bài người viết dùng lời văn và một số phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ để thuật lại một sự kiện theo đúng diễn biến trong thực tế nhằm giúp người đọc, người nghe lắm được diễn biến của sự kiện và những thông tin liên quan đến sự kiện ấy.

II. Yêu cầu viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện

- Giới thiệu được sự kiện, thời gian và địa điểm diễn ra sự kiện.

- Thật lại đủ các hoạt động chính của sự kiện theo một trình tự hợp lý.

- Sử dụng thông tin chính xác, tin cậy trong khi thuật lại sự kiện.

- Đưa ra được nhận xét, đánh giá hoặc cảm nhận của người viết về sự kiện.

- Bài văn đảm bảo bố cục:

+ Mở bài: Giới thiệu sự kiện cần thuyết minh thuật lại.

+ Thân bài: Thuyết minh thuật lại sự kiện theo một trình tự hợp lý.

+ Kết bài: Phát biểu cảm nhận và đánh giá về sự kiện.

III. Hướng dẫn quy trình viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện

Để có được bài viết tốt, em cần thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.

Xác định đề tài.

Em có thể chọn sự kiện để thuật lại dựa vào gợi ý sau:

- Sự kiện mà em đã tham gia hoặc chứng kiến.

- Sự kiện mà em yêu thích, có hứng thú để thuật lại.

- Sự kiện thuận lợi cho em trong việc quan sát thực tế, tìm kiếm tư liệu, thông tin để chuẩn bị cho bài viết.

Ví dụ: Lễ khai giảng bài giảng năm học, lễ chào cờ và sinh hoạt đầu tuần, Hội khỏe Phù Đổng tổ chức hàng năm ở trường hoặc ở địa phương em, đêm hội Trăng rằm tổ chức cho thiếu nhi ở trường hoặc thôn xóm khu phố.

Thu thập tư liệu.

Tư liệu liên quan đến sự kiện mà em cần thuyết minh có thể thu thập từ những nguồn khác nhau:

- Những hồi tưởng và ghi chép về một số hoạt động chính trong sự kiện mà em đã tham dự, chứng kiến.

- Những bài báo, hồi ký, trang web viết về sự kiện mà em muốn thuật lại.

Bước 2: Tìm ý và lập dàn ý.

Tìm ý

Để hình thành ý tưởng, tìm ý cho bài viết, em hãy ghi lại những gì xảy ra trong đầu

Lập dàn ý

Tiếp theo, theo em hãy xác định các hoạt động chính và sắp xếp Chúng theo một trình tự hợp lý, bằng cách:

- Tìm các tấm ảnh liên quan đến cảnh sinh hoạt có thể đã được em lưu giữ để đưa vào bài viết.

- Xác định một số định hướng cho bài viết như: bắt đầu thuật lại từ đâu, hoạt động nào trước, hoạt động nào sau, kết thúc ở đâu; câu kết hợp thuật với miêu tả, biểu cảm mức độ nào nào; hình ảnh, hoạt động nào trong lễ, hội là điểm nhấn;...

- Hình dung về mạch gắn kết giữa mở bài, kết bài và thân bài (cần đặc biệt lưu ý đến việc làm thế nào để giúp người đọc hình dung rõ về sự kiện) và lập dàn ý cho bài viết theo một trình tự logic dưới dạng đề cương hoặc sơ đồ.

Dàn ý của bài văn thuật lại một sự kiện gồm 3 phần như sau:

+ Mở bài: Giới thiệu sự kiện được thuật lại (sự kiện gì, diễn ra ở đâu, vào thời điểm nào,...).

+ Thân bài:

Lần lượt thuật lại các hoạt động trong sự kiện theo diễn biến thời gian. Người viết cần: (1) Tập trung vào một vài điểm nhấn của sự kiện (ví dụ: sự kiện, hình ảnh, nhân vật nổi bật,...; (2) Sử dụng thông tin chính xác, tin cậy; (3) Sử dụng hình ảnh minh họa nếu có điều kiện.

Diễn biến của các hoạt động được sắp xếp ở phần thân bài tùy thuộc vào đặc điểm thời gian, không gian, quy mô của sự kiện. Các ý trong phần thân bài có thể được sắp xếp theo trình tự sau:

- Quang cảnh, không khí nơi sự kiện diễn ra.

- Sự việc, hoạt động mở đầu.

- Các sự việc, hoạt động tiếp theo.

- Sự việc, hoạt động cuối cùng.

+ Kết bài:  Hãy đưa ra lời nhận xét, đánh giá hoặc nêu cảm nhận chung về sự kiện. 

Bước 3: Viết bài. 

Dựa vào dàn ý, em hãy viết thành một bài văn hoàn chỉnh. Khi viết, cần đảm bảo yêu cầu của kiểu bài thuyết minh về một sự kiện.

Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.

Xem lại và chỉnh sửa.

Sau khi viết xong bản thảo, em hãy tự kiểm tra, điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết dựa vào những gợi ý trong bảng sau:

Rút kinh nghiệm: Trước tiên, em tự đánh giá lại bài làm của mình và trả lời câu hỏi: Việc viết bài văn này đã giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong các bước thực hành viết bài văn thuyết minh thuật lại một sự kiện. Sau đó, lắng nghe nhận xét, góp ý của mọi người, suy nghĩ về cách hoàn thiện bài đã viết, rút kinh nghiệm cho bài viết sau.

IV. Ví dụ viết văn bản thuyết minh thuật lại một sự kiện

Với tuổi học trò, ai cũng có cái nao nao của ngày khai trường. Nhưng ngày khai trường của ngôi trường THCS……………….làm tôi có những ấn tượng đẹp và những ấn tượng đó sẽ đọng mãi ở trong lòng. 

       Ngày đầu tiên khai trường là một ngày nắng ấm, khí trời ấm áp bao trùm khắp cảnh vật. Theo thông báo của nhà trường, từ tối hôm qua tôi đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết với tâm trạng vui vẻ và xôn xao khó tả. Bởi trước mắt tôi lúc này là một khung trời mới: bạn bè, thầy cô, trường lớp… đều mới tinh.Trong những năm trước, sau ba tháng hè nghỉ học, chúng tôi lại trở về mái trường thân quen với những hàng cây, ghế đá,..in đậm bao kỹ niệm của những lần nô đùa cùng bè bạn. Còn năm nay, tôi đã bước chân vào một năm học mới . Một sự khởi đầu mới lại và tốt đẹp.

       Đầu tiên là buổi lễ diễn hành được diễn ra, từng lớp đi qua khán đài được các thầy cô nêu lên những thành tích nổi bật của năm qua, đặc biệt lad chào đón những học sinh lớp 6 như chúng tôi bước vào năm học đầu tiên của những năm học cấp hai. Sau lễ diễu hành, nghi lễ chào cờ diễn ra thật trang nghiêm. Tiếp theo, cô giáo tổng phụ trách lên tuyên bố lí do, giới thiệu đại biểu và mời cô giáo phó hiệu trưởng nhà trường lên đọc thư của Chủ tịch nước. Những lá thư như vậy tôi nghe đã nhiều lần trong mỗi lễ khai giảng trước đây khi còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng có lẽ hôm nay là lần đầu tiên tôi cảm thấy xúc động đến vậy. Giây phút xúc động nhất của tôi là khi nghe cô giáo hiệu trưởng nhà trường đọc diễn văn khai giảng, phát động thi đua chào mừng năm học mới và đánh trống khai trường. Chiếc trống được đặt trên sân khấu hôm nay thật đẹp, màu nâu gụ bóng loáng, được trang trí hoa văn đẹp mắt, đặc biệt là mặt trống. Dùi trống lại được làm điệu bằng chiếc khăn đỏ quấn quanh núm. Tiếng trống vang lên, tâm hồn tôi như được bay bổng. Hòa cùng tiếng trống âm vang đó là giọng nói trầm ấm của một cô giáo đọc lời bình tiếng trống từ phía trong cánh gà. Những lời lẽ thật hào hùng, đi sâu vào lòng người, nhắc nhở thế hệ trẻ nhớ tới quá khứ vinh quang của dân tộc để phấn đấu cho tương lai. Tôi có thể thấy rõ sự xúc động trong giây phút này, cũng giống như tôi. Tiếng trống ấy rồi sẽ theo các em đi suốt cuộc đời. Tiếng trống âm vang mà trầm ấm bay lên những ngọn cây, luồn trong những làn gió, vắt vẻo trên những đám mây của bầu trời thu tháng chín. Tôi chợt nghĩ tiếng trống khai trường có thể đại diện cho mùa thu Việt Nam lắm chứ, hay ít ra là mùa thu đối với riêng tôi và các bạn học sinh.

       Phần cuối cùng trong buổi lễ, cũng là phần thu hút được sự quan tâm nhiều nhất của học sinh trong trường là văn nghệ chào mừng. Chương trình văn nghệ gồm năm tiết mục với đủ thể loại: hát, múa, thể dục nhịp điệu vô cùng đặc sắc. Tôi xem các màn biểu diễn mà không khỏi trầm trồ thán phục trước tài năng của các học sinh trường mình. Toàn bộ học sinh và các thầy cô cũng như các vị đại biểu đều không rời mắt khỏi sân khấu trước các tiết mục rất hấp dẫn này. Nhiều người bày tỏ niềm tin tưởng vào sự giáo dục toàn diện nhà trường dành cho các em học sinh .

       Đối với tôi, đây là lễ khai giảng mà tôi nhớ nhất vì tôi đã bước sang một trang mới của cuộc đời, trưởng thành hơn, yêu trường yêu lớp hơn nữa.

(389) 1295 26/09/2022