Lý thuyết viết bài văn tả cảnh sinh hoạt

Tóm tắt bài Viết bài văn tả cảnh sinh hoạt ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 6 sách CTST, soạn bài dễ dàng
(371) 1237 26/09/2022

I. Khái niệm

Tả cảnh sinh hoạt là dùng khả năng quan sát và lời văn gợi tả, làm sống lại bức tranh sinh hoạt, giúp người đọc hình dung được rõ nét về không khí, đặc điểm nổi bật của cảnh đó.

II. Yêu cầu

- Giới thiệu được cảnh sinh hoạt, thời gian và địa điểm diễn ra cảnh sinh hoạt.

- Tả lại cảnh sinh hoạt theo một trật tự hợp lí (từ xa đến gần, từ bao quát đến cụ thể...).

- Thể hiện được hoạt động của con người trong thời gian, không gian cụ thể.

- Gợi tả được cảnh quan, không khí chung, những hình ảnh tiêu biểu, nổi bật của bức tranh sinh hoạt.

- Sử dụng phù hợp các từ ngữ chỉ đặc điểm, tính chất, hoạt động,...

- Nêu được suy nghĩ, cảm nhận của người viết về cảnh được miêu tả.

- Cấu trúc bài văn gồm ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu cảnh sinh hoạt.

+ Thân bài: Miêu tả cảnh sinh hoạt theo một trình tự hợp lí,

+ Kết bài: Phát biểu suy nghĩ hoặc nêu ấn tượng chung về cảnh sinh hoạt.

III. Hướng dẫn quy trình viết

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết.

Xác định đề tài.

Trước khi viết, hãy trả lời câu hỏi: Yêu cầu của đề bài là gì?

Với đề bài nêu trên, em có thể chọn cảnh sinh hoạt để miêu tả, dựa vào những gợi ý sau:

- Cảnh sum họp của gia đình em trong ngày nghỉ cuối tuần hoặc ngày lễ, tết.

- Cảnh thu hoạch ngày mùa.

- Cảnh mua bán trong một siêu thị.

- Cảnh sân trường trong giờ ra chơi.

Thu thập tư liệu.

Tư liệu liên quan đến cảnh sinh hoạt mà em miêu tả có thể thu thập từ những nguồn khác nhau, bao gồm tài liệu thực tế và tài liệu lưu trữ.

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý.

Tìm ý.

Để có ý tưởng, em cần:

- Xác định một số định hướng chung như: quan sát đối tượng miêu tả từ khoảng cách gần hay xa; nên miêu tả theo trình tự nào, cần tập trung khắc họa các hình ảnh nào,...

- Ghi lại bất cứ ý tưởng nào nảy sinh trong quá trình thu thập tài liệu và tìm ý cho bài viết.

- Quan sát lại không gian nơi diễn ra cảnh sinh hoạt mà em sẽ miêu tả, nếu có điều kiện.

- Đọc lại Lao xao ngày hè, Thương nhớ bầy ong,... và bài văn ở mục Hướng dẫn phân tích kiểu văn bản để tham khảo cách quan sát, tả cảnh thiên nhiên, cảnh sinh hoạt.

Lập dàn ý.

Từ những ý đã tìm, lập dàn ý bằng cách chọn lọc, sắp xếp cách ý theo một trình tự hợp lí, ví dụ:

Bước 3: Viết bài.

Lần lượt viết mở bài, thân bài, kết bài. Riêng thân bài nên viết hai đến ba đoạn. Giữa các đoạn nên dùng các từ chuyển tiếp phù hợp để thể hiện được sự thay đổi của cảnh sinh hoạt theo thời gian hoặc theo vị trí, góc độ quan sát. Trong khi tả cảnh, có thể kết hợp thể hiện cảm nhận của bản thân.

Bước 4: Xem lại, chỉnh sửa và rút kinh nghiệm.

Xem lại và chỉnh sửa.

Tự kiểm tra, xem xét và điều chỉnh những chi tiết liên quan đến nội dung và cấu trúc của bài viết dựa vào những gợi ý trong bảng sau:

Tiếp theo, hãy đọc chậm bài viết của mình một lần nữa, bổ sung những nội dung còn thiếu và sửa các lỗi chính tả, dùng từ ngữ, viết câu.

Rút kinh nghiệm.

Hãy sử dụng những câu hỏi sau để tự đánh giá lại những gì mình đã học được sau khi thực hiện bài viết này:

- Việc viết bài văn này giúp em có thêm kinh nghiệm gì trong cách quan sát cảm nhận cuộc sống con người và cảnh vật?

- Nếu được thực hiện lại bài viết này, em sẽ điều chỉnh thế nao để bài viết tốt hơn?

Sau khi hoàn thành bài văn, em có thể chia sẻ với bạn bè, người thân.

IV. Ví dụ

      Đêm hôm trước, tiếng ba mẹ nhỏ nhẹ ở dưới căn gác bếp bám đầy bụi bặm về việc sắm sửa đồ Tết trong phiên chợ cuối năm khiến lòng em háo hức đến lạ. Những ngày cuối năm, mọi thứ đều hối hả, tất bật và lòng người cũng vậy. Đối với em phiên chợ Tết thực sự là điều em đợi chờ nhất trong một năm, vì đó là phiên chợ cuối cùng nói lời tạ từ năm cũ. Đối với rất nhiều đứa trẻ xóm em thì phiên chợ Tết là dịp được mua quần áo mới, được ngắm hoa đào nở rộ, được lẽo đẽo theo mẹ vui đùa. Phiên chợ Tết ở quê em rất đặc biệt và ý nghĩa.

      Những ngày cuối năm, người người nhà nhà đều tất bật chuẩn bị gói bánh, dọn dẹp và trang trí nhà cửa sạch đẹp nhất để đón một cái Tết tròn vẹn, ấm cúng nhất. Mấy đứa trẻ con cũng hí hửng góp sức, tiếng cười rộn rã xóm nghèo.

      Ở quê em, phiên chợ Tết cuối năm diễn ra vào sáng 28 Tết chứ không phải sáng 30; ngày đó em cũng thắc mắc với mẹ, nhưng mẹ bảo 30 Tết người ta đang bận rộn chuẩn bị mâm cỗ đi cúng ông bà tổ tiên. Đứa trẻ lên 10 cũng không thắc mắc gì nhiều, miễn sao em thấy vui khi được đi chợ Tết.

      Sáng 28 Tết, em thường dậy sớm theo mẹ đi chợ. Hình như ai cũng dậy sớm thì phải, vì đó là phiên chợ cuối cùng của một năm cũ. Con đường dẫn ra chợ quê ngày Tết hôm đó dường như phảng phất hương vị của đất trời, của sự giao thoa sắp diễn ra. Vì em thấy là lạ, hít căng lồng ngực sương mai rơi nhẹ.

      Khung cảnh chợ quê ngày Tết cũng khác hẳn mọi người, đông đúc và đa sắc màu như một bức tranh tuyệt đẹp hiện lên giữa quê nghèo. Người người chen chân nhau đi mua sắm, kẻ bán người mua vui cười hớn hở. Họ không kì kèo, mặc cả om sòm như mọi ngày, vì ai cũng muốn có những giây phút cuối cùng của năm cũ bình yên và nhẹ nhàng, an lòng nhau nhất.

      Lúc trước đi chợ với mẹ, thấy mấy cô bán thịt, bán cá lớn tiếng lắm nhưng hôm nay nhìn họ ngoan ngoãn như “đứa trẻ con” được cho quà.

      Hai bên con đường dẫn vào chợ là những nụ hoa đang chúm chím với đầy đủ màu sắc rợp cả một vùng. Những cánh đào màu hồng phớt nhẹ còn vương vài giọt sương mai tinh khiết khoe sắc trong nắng sớm ban mai của mùa xuân. E ấp hơn là những nụ tầm xuân khép mình lặng lẽ. Em thích nhất là được chọn hoa với mẹ, hít hà hương vị của từng loại hoa thật dễ chịu. Mọi người háo hức chọn cho mình những cành hoa tươi thắm và rực rỡ nhất để bày biện trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Ở chợ Tết vùng quê không nhiều hoa như ở thành phố, nhưng với người dân quê như thế này là quá sung túc, đủ đầy cho một năm mới sắp đến.

      Những đứa trẻ con áo mới tinh tươm, nụ cười giòn vang khiến cho mùa xuân ấm áp và an lành hơn. Thực ra bọn trẻ con đi chợ Tết cuối năm cũng chỉ để xem người ta mua bán, xem không khí tết ùa về trên ngõ, xem những chiếc xe ô tô lớn chở đầy hoa đào.

      Mùa xuân ùa về rộn rã trong những gian hàng bán bánh kẹo, năm nào cũng vậy, em thường giành phần chọn mua bánh kẹo. Những chiếc kẹo lấp lánh màu sắc, nằm ngoan ngoãn trong chiếc hộp nhỏ xinh khiến đứa trẻ háu ăn thèm thuồng. Và phiên chợ Tết mẹ cũng “hào phóng” hơn khi em đòi mua gì mẹ cũng cho.

      Chợ Tết quê em đông đúc đến tận trưa mới vãn, ai cũng chất đầy túi những thứ cần thiết để đón năm mới. Ở gian hàng bán gia cầm dường như đông vui hơn vì có thêm âm thanh vui nhộn của những chú gà, vịt, ngan. Ngày Tết mọi người cũng phóng khoáng hơn trong việc mua sắm, mẹ em cũng mua rất nhiều thứ, và em thì cứ hí hửng theo sau xách đồ cho mẹ.

      Ngày Tết đã về trên vùng quê nghèo miền Trung quanh năm vất vả nhưng chợ Tết cuối năm là dịp       để mọi người trút bỏ nỗi lo, háo hức chuẩn bị đón một năm mới đến. Cho đến bây giờ, vào năm nào cũng vậy, em cứ chờ đến phiên chợ Tết để cảm nhận sự chuyển động của đất trời.

(371) 1237 26/09/2022