Lý thuyết về Viết bài văn kể lại một truyện cổ tích

Tóm tắt bài Viết bài văn kể lại một truyện cổ tích ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 6 sách CTST, soạn bài dễ dàng
(412) 1372 26/09/2022

I. Khái niệm viết bài văn kể lại một truyện cổ tích

Kể lại một truyện cổ tích thuộc loại văn kể chuyện, trong đó, người viết kể lại một truyện cổ tích bằng lời văn của mình.

II. Yêu cầu viết bài văn kể lại một truyện cổ tích

- Người kể sử dụng ngôi thứ ba.

- Các sự việc được trình bày theo trình tự thời gian.

- Đảm bảo kể được đầy đủ các sự việc quan trọng trong truyện, đặc biệt là các yếu tố kì ảo, hoang đường.

- Bài văn gồm có ba phần:

+ Mở bài: Giới thiệu truyện cổ tích sẽ kể lại (tên truyện, lí do chọn kể,...).

+ Thân bài: Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh xảy ra câu chuyện. Trình bày những sự việc đã xảy ra trong câu chuyện theo trình tự thời gian.

+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ về truyện vừa kể

III. Hướng dẫn quy trình viết bài văn kể lại một truyện cổ tích

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài: Em cần đọc kĩ đề bài để xác định:

+ Đề bài yêu cầu viết về vấn đề gì?

+ Kiểu bài mà đề yêu cầu là gì?

- Thu thập dữ liệu:

+ Em hãy tìm đọc một số truyện cổ tích.

+ Trong những truyện đó, truyện nào gây cho em ấn tượng sâu sắc nhất, có nhân vật đáng nhớ nhất, có cốt truyện thú vị nhất…?

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Tìm ý: Em hãy đọc kĩ truyện đã chọn và trả lời những câu hỏi dưới đây:

+ Truyện có tên là gì? Vì sao em chọn kể lại truyện này?

+ Hoàn cảnh xảy ra câu chuyện như thế nào?

+ Truyện có những nhân vật nào?

+ Truyện gồm những sự việc nào? Các sự việc xảy ra theo trình tự nào?

+ Truyện kết thúc như thế nào?

+ Cảm nghĩ của em về truyện?

- Lập dàn ý

Em hãy sắp xếp các ý đã tìm theo một dàn ý. Cụ thể như sau:

Bước 3: Viết bài

- Dựa vài dàn ý trên, viết thành một bài văn kể chuyện hoàn chỉnh.

- Khi viết cần đảm bảo thể hiện được các đặc điểm của kiểu bài kể lại một truyện cổ tích.

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

- Xem lại và chỉnh sửa:

+ Sau khi viết xong, em có thể tự kiểm tra lại bài viết của mình theo những gợi ý sau:

+ Tiếp theo, đọc lại câu chuyện của mình lần thứ hai và kiểm tra, điều chỉnh bài viết bằng cách:

  • Đọc kĩ toàn bài và khoanh tròn những lỗi chính tả, lỗi sử dụng từ ngữ (nếu có). Sau đó, sửa lại các lỗi đó.
  • Gạch chân những câu sai ngữ pháp bằng cách phân tích cấu trúc ngữ pháp và sửa lại cho đúng (nếu có).
  • Em hãy trình bày bài viết cho các bạn trong nhóm nghe và nhờ bạn góp ý để bài viết hoàn chỉnh hơn.
  • Tiếp theo, hãy đọc bài viết của các bạn khác và giúp bạn hoàn chỉnh văn bản theo cách mà em đã làm với bài của mình.

- Rút kinh nghiệm: Nếu được viết lại bài này, em sẽ điều chỉnh như thế nào để bài viết tốt hơn?

IV. Ví dụ viết bài văn kể lại một truyện cổ tích

Kể lại truyện cổ tích Tấm Cám

Thị ơi thị rụng bị bà

Bà để bà ngửi chứ bà không ăn.

      Truyện cổ tích luôn mở ra thế giới nhiệm màu, kì ảo với những bài học sâu xa mà người xưa gửi gắm. Truyện cổ tích gắn bó với tuổi thơ của đứa trẻ, với lời mẹ ru, lời bà kể. Mỗi khi nghe đến một câu quen thuộc, ta liền được gợi nhắc đến một truyện cổ tích nào đó. Và câu thơ trên đã nhắ nhớ tôi đến truyện Tấm Cám.

      Truyện kể rằng ở ngôi làng kia có hai chị em cùng cha khác mẹ. Cô chị tên là Tấm, mồ côi mẹ từ nhỏ sống cùng cha và mẹ ghẻ. Cha cô đổ bệnh mà qua đời khiến Tấm khổ cực hơn. Cám - cô em cùng cha của Tấm, được mẹ nuông chiều chỉ biết rong chơi không chịu làm việc. Tấm phải chịu cảnh mẹ ghẻ con chồng và sống cùng đứa em đầy mưu mô.

      Tấm và Cám được mẹ sai đi hớt tép và mẹ có treo thưởng. Tấm chăm chỉ bắt được đầy giỏ trong khi Cám chỉ mải mê rong chơi. Khi Cám nhìn thấy giỏ tép đầy của Tấm, Cám đã bày mưu lừa trút hết giỏ tép đầy kia. Tấm bị lừa ngồi bưng mặt khóc. Tấm khóc và bụt hiện lên giúp đỡ. Bụt hỏi Tấm xem trong giỏ còn thứ gì không và Tấm đã tìm thấy một chú cá bống còn sót lại. Bụt dạy Tấm cách chăm sóc cá bống, ngày ngày Tấm đều phần cơm cho cá bống ăn.  Mẹ con nhà Cám rình Tấm và biết được sự có mặt của cá bống dưới giếng liền lập mưu giết chết cá bống của Tấm. Tấm về nhà theo thói quen thường ngày cho cá bống ăn nhưng gọi mãi chả thấy bống đâu và Tấm lại khóc. Bụt lại hiện lên và bảo Tấm đi tìm xương cá bống còn sót lại, kiếm bốn cái lọ cho xương cá bống vào đó rồi chôn xuống chân giường.

      Nhà vua cho mở hội già trẻ gái trai ai cũng đều nô nức. Tấm xin dì ghẻ cho đi chơi hội nhưng dì ghẻ đã trộn gạo lẫn thóc và bắt Tấm ở nhà nhặt cho bằng xong rồi mới được đi chơi hội. Uất ức Tấm bật khóc. Lúc này, Bụt lại hiện lên và giúp đỡ cho Tấm nhặt thóc bằng cách gọi bầy chim sẻ đến. Bụt còn chỉ cho Tấm cách có quần áo, giày đẹp, ngựa để đi trẩy hội bằng cách đào bốn cái lọ xương cá dưới chân giường lên. Khi đi qua cầu Tấm đánh rơi một chiếc giày. Ngựa của nhà vua có đi qua chiếc cầu đó và sai quân lính xuống mò xem cái gì và phát hiện chiếc giày xinh đẹp. Vua sai lệnh cho người dân ướm thử, ai vừa sẽ lấy người đó làm vợ. Ai ai cũng muốn ướm thử và mẹ con nhà Cám cũng vậy. Tấm cũng muốn thử và khi đến lượt Tấm thì chiếc giày vừa như in, giống với chiếc giày trong túi của Tấm. Tấm trở thành hoàng hậu và được vào cung.

      Tấm tuy quen với cuộc sống sung sướng nhưng vẫn chẳng quên ngày giỗ của cha mình. Cô đã xin phép nhà vua cho mình trở về làm giỗ cho cha cùng dì và em. Mẹ con Cám có mưu giết hại Tấm và cho Cám vào cung thay thế. Khi Tấm chết, Tấm hóa thành chim vàng anh ngày ngày ở bên cạnh vua. Mẹ con Cám thấy tức với chim vàng anh bèn lập tức giết vàng anh và bỏ lông ra góc vườn. Góc vườn mọc lên hai cây xoan đào, tỏa bóng mát. Nhà vua thấy thích bèn sai quân lính mắc võng ở đây và nằm ngủ. Mẹ con Cám lại bày mưu chặt cây xoan lấy gỗ làm khung cửi. Khung cửi khi dệt toàn vang lên những tiếng chửi rủa khiến Cám sợ hãi và đem đi đốt, vứt tro tại nơi đó mọc lên một cây thị thơm ngào ngạt nhưng chỉ có duy nhất một quả. Một hôm, có bà lão đi qua đem lòng yêu mến bèn hứng túi ra xin thị về ở với bà. Quả thị rơi ngay túi bà và từ đó ngày ngày bà đi chợ Tấm đều xuất hiện từ trong quả thị chui ra ngoài giúp bà lão dọn nhà, nấu cơm. Bà cụ phát hiện nên đã rình và bắt được. Bà xé nát vỏ thị và từ đó Tấm ở lại làm con gái của bà lão.

      Một hôm vua vi hành nhận ra cánh trầu têm giống với cách têm trầu của vợ mình. Vua liền gọi bà lão ra hỏi và nhận ra con gái của lão chính là người vợ đã chết của mình - Tấm. Sau đó vua đón Tấm trở lại cung. Khi về, Cám thấy Tấm xinh đẹp hơn xưa nên đem lòng ghen ghét, hỏi Tấm cách làm trắng da. Cám làm theo sự hướng dẫn của Tấm và chết thảm. Mẹ Cám khi hay tin con gái mình chết cũng lăn đùng ra chết theo.

      Truyện Tấm Cám  thể hiện giá trị tư tưởng giữa mâu thuẫn, xung đột trong gia đình và ngoài xã hội. Qua câu truyện, ta còn thấy được ước mơ nhân dân về chiến thắng cái thiện và cái ác, về hạnh phúc gia đình, công bằng xã hội, về năng lực và phẩm chất tuyệt vời của con người.

(412) 1372 26/09/2022