Ôn tập giữa học kì 1 phần Luyện từ và câu

Lý thuyết về ôn tập giữa học kì i phần luyện từ và câu môn tiếng việt lớp 4 với nhiều dạng bài cùng phương pháp giải nhanh kèm bài tập vận dụng
(383) 1276 02/08/2022

I. Mở rộng vốn từ

1. Mở rộng vốn từ Nhân hậu – Đoàn kết

- Một số từ ngữ thuộc chủ điểm nhân hậu: Lòng nhân ái, lòng vị tha, tình thân ái, tình thương mến, yêu quý, xót thương, đau xót, tha thứ, độ lượng, bao dung,…

- Một số từ thuộc chủ điểm đoàn kết: Cứu giúp, cứu trợ, ủng hộ, hỗ trợ, bênh vực, bảo vệ, che chở,…

-  Nghĩa của từ nhân trong một số trường hợp:

+ Tiếng nhân có nghĩa là người: nhân dân, công nhân, nhân loại, nhân tài

+ Tiếng nhân có nghĩa là lòng thương người: nhân hậu, nhân ái, nhân đức, nhân từ

- Một số từ ngữ thuộc chủ điểm nhân hậu – đoàn kết:

+ Ở hiền gặp lành

+ Một cây làm chẳng lên non

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao

+ Hiền như đất

+ Lành như bụt

2. Mở rộng vốn từ Trung thực – Tự trọng

a. Trung thực

- Một số từ cùng nghĩa với từ Trung thực: Thẳng thắn, ngay thẳng, chân thật, thành thật, thật lòng, bộc trực

- Một số từ trái nghĩa với từ Trung thực: dối trá, gian dối, gian ngoan, gian giảo, lừa bịp, lừa lọc, bịp bợm

- Một số từ có chứa tiếng trung

+ Trung có nghĩa là “ở giữa”: trung tâm, trung bình, trung thu, trung tâm,…

+ Trung có nghĩa là “một lòng một dạ”: trung thành, trung thực, trung nghĩa, trung hậu, trung kiên,…

- Một số câu thành ngữ, tục ngữ nói về tính trung thực

+ Thẳng như ruột ngựa

+ Giấy rách phải giữ lấy lề

b. Tự trọng

- Tự trọng có nghĩa là coi trọng và giữ gìn phẩm giá của mình

- Một số từ có chứa tiếng tự

+ Chỉ phẩm chất tốt đẹp của con người: tự trọng, tự tin, tự lập, tự chủ, tự lực

+ Chỉ tính xấu của con người: tự kiêu, tự phụ, tự mãn, tự cao,…

Một số thành ngữ nói về tính tự trọng

+ Giấy rách phải giữ lấy lề

+ Cây ngay không sợ chết đứng

+ Đói cho sạch, rách cho thơm

3. Mở rộng vốn từ ước mơ

- Một số từ thuộc chủ điểm ước mơ: ước muốn, mong ước, mộng tưởng, ước vọng, mơ ước, mơ mộng, …

- Một số thành ngữ liên quan tới chủ điểm ước mơ

+ Cầu được ước thấy: Đạt được điều mình mơ ước

+ ước sao được vậy: Đạt được điều mình muốn

+ ước của trái mùa: Muốn những điều trái với lẽ thường

+ Đứng núi này trông núi nọ: Không bằng lòng với cái hiện tại đang có, lại mơ tưởng tới cái khác chưa phải của mình.

II. Cấu tạo của tiếng

1. Mỗi tiếng thường có ba bộ phận

Ví dụ:

2. Tiếng nào cũng phải có vần và thanh. Có tiếng không có âm đầu

Có một số tiếng không có âm đầu như: ao, âu, út,…

III. Cấu tạo của từ

- Tiếng cấu tạo nên từ.

VD: sạch, áo, cơm, vở, là, mà,….

- Từ nào cũng có nghĩa và dùng để tạo câu

- Từ được chia thành hai loại là từ đơn và từ phức

1. Từ đơn, từ phức

Từ đơn là từ chỉ gồm một tiếng

VD: áo, bút, thước, quạt, vở,…

Từ phức là từ chỉ gồm hai hay nhiều tiếng

VD: con ve, cặp sách, màu xanh, hoa hồng, lanh lảnh, xanh ngát, ầm ầm,….

2. Từ ghép, từ láy

Từ phức được phân ra làm hai loại: Từ ghép và từ láy

a. Từ ghép

Từ ghép được tạo thành bằng cách ghép các tiếng có nghĩa lại với nhau

VD: hoa cúc, cái bàn, trung hậu, trung tâm, cuốn sách,…

- Từ ghép được phân làm 2 loại:

+ Từ ghép tổng hợp: có nghĩa tổng mang nghĩa bao quát một nhóm sự vật có đặc điểm chung nào đó

VD: bánh trái, xe cộ, máy móc, chim chóc,…

+ Từ ghép phân loại: chỉ một loại nhỏ thuộc phạm vi nghĩa của tiếng thứ nhất

VD: bánh nếp, chim yến, xe máy, đường sắt, máy khâu,…

b. Từ láy

Từ láy được tạo bằng cách phối hợp những tiếng có âm đầu hay vần (hoặc cả âm đầu và vần) giống nhau.

VD: rung rinh, ầm ầm, lao xao, ….

- Từ láy được phân làm ba loại:

+ Từ láy có hai tiếng giống nhau ở âm đầu: rung rinh, lung linh, long lanh, mong manh…

+ Từ láy có hai tiếng giống nhau ở vần: lao xao, lênh khênh, ngông nghênh,….

+ Từ láy có hai tiếng giống nhau ở cả âm đầu và vần: xinh xinh, tim tím, ầm ầm, chầm chậm,…

IV. Từ loại

1. Danh từ

a. Định nghĩa

Danh từ là những từ chỉ sự vật (người, vật, hiện tượng, khái niệm, hoặc đơn vị)

VD: ông, bà, nhà, cửa, dừa, cơn, mưa,….

b. Phân loại danh từ

Danh từ được phân làm hai loại là danh từ chung và danh từ riêng

Danh từ chung là tên của một loại sự vật. Danh từ chung được phân làm danh từ chỉ người,vật, hiện tượng, khái niệm, đơn vị

+ Danh từ chỉ người

VD: Ông, bà, cha, mẹ, chú, bác,…

+ Danh từ chỉ vật

VD: Nhà, cửa, chó, mèo, mía, dừa,…

+ Danh từ chỉ hiện tượng

VD: Mưa, nắng, bão, lụt,…

+ Danh từ chỉ khái niệm

Danh từ chỉ khái niệm: biểu thị cái chỉ có trong nhận thức của con người, không có hình thù, không chạm vào hay ngửi, nếm, nhìn …. được

VD: Cuộc sống, kinh nghiệm, cách mạng,…

+ Danh từ chỉ đơn vị

Danh từ chỉ đơn vị: biểu thị những đơn vị được dùng để tính đếm sự vật

VD: mưa  tính bằng cơn, cá tính bằng con, bút tính bằng cái,….

- Danh từ riêng

+ Danh từ riêng là tên riêng của một sự vật.

+ Danh từ riêng luôn luôn được viết hoa.

VD:

Mai, Lan, Hoa: là các danh từ riêng chỉ người

Hà Nội, Hồ Chí Minh: là các danh từ riêng chỉ các địa danh

2. Động từ

Động từ là những từ chỉ hoạt động, trạng thái của sự vật

VD: học bài, tưới cây, quét nhà, lau nhà, đạp xe, ….

3. Tính từ

Học trong chủ điểm sau

V. Cách viết hoa tên người, tên địa lí

1. Tên người, tên địa lí Việt Nam

Khi viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam, cần viết hoa chữ cái đầu của mỗi tiếng tạo thành tên riêng đó.

Ví dụ:

- Tên người: Đỗ An, Nguyễn Ngọc Bích, Bùi Thị Bích Ngọc,…

- Tên địa lí: Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Tháp,…

2. Tên người, tên địa lí nước ngoài

- Khi viết tên người, tên địa lí nước ngoài, ta viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành tên đó. Nếu bộ phận tạo thành tên gồm nhiều tiếng thì giữa các tiếng cần có gạch nối

- Có một số tên người, tên địa lí nước ngoài viết giống như cách viết tên riêng Việt Nam. Đó là những tên riêng được phiên âm theo âm Hán Việt

VD: Lí Bạch, Bắc Kinh, Pháp, Lép Tôn-xtôi, Hi-ma-lay-a, Niu Di-lân, Công-gô, Tô-mát Ê-đi-xơn,….

VI. Dấu câu

1. Dấu hai chấm

Tác dụng của dấu hai chấm

a. Báo hiệu bộ phận câu đứng sau nó là lời nói của nhân vật

Ví dụ:

Tôi xòe cả hai càng ra, bảo Nhà Trò:

- Em đừng sợ. Hãy trở về cùng với tôi đây này

b. Báo hiệu lời giải thích cho bộ phận đứng trước

Ví dụ:

Trên bàn la liệt đồ đạc: sách, vở, bút, thước rồi cả bát, đũa, thìa, đĩa,…

2. Dấu ngoặc kép

Tác dụng của dấu ngoặc kép

a. Dẫn lời nói trực tiếp của nhân vật hoặc của người nào đó

Chú ý: Nếu lời nói trực tiếp là một câu trọn vẹn hay một đoạn văn thì trước dấu ngoặc kép ta thường phải thêm dấu hai chấm

VD: Ở Bác, lòng yêu mến nhân dân đã trở thành một sự say mê mãnh liệt. Bác nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta ai cũng được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.”

b. Đánh dấu những từ ngữ được dùng với ý nghĩa đặc biệt

                        Có bạn tắc kè hoa

                        Xây “lầu” trên cây đa

                        Rét, chơi trò đi trốn

                        Đợi ấm trời mới ra

(383) 1276 02/08/2022