Hình bình hành
I. Hình bình hành
1.Nhận biết hình bình hành
Hình bình hành ABCD có:
- Bốn đỉnh A, B, C, D.
- Hai cặp cạnh đối diện bằng nhau: \(AB = CD;\,BC = AD\).
- Hai cặp cạnh đối diện song song: \(AB\) song song với \(CD\); \(BC\) song song với \(AD\).
- Hai đường chéo cắt nhau tại trung điểm của mỗi đường: \(OA = OC;\,OB = OD.\)
- Hai góc ở các đỉnh A và C bằng nhau; hai góc ở các đỉnh B và D bằng nhau.
2.Cách vẽ hình bình hành
Ví dụ: Cho trước hai đoạn thẳng AB,AD như hình dưới đây. Vẽ hình bình hành ABCD nhận hai đoạn thẳng AB, AD làm cạnh.

Cách vẽ:
Ta có thể vẽ bằng thước và compa như sau:

Bước 1. Lấy B làm tâm, dùng compa vẽ một phần đường tròn có bán kính AD. Lấy D làm tâm, dùng compa vẽ một phần đường tròn có bán kính AB. Gọi C là giao điểm của hai phần đường tròn này
Bước 2. Dùng thước vẽ các đoạn thẳng BC và CD.
II. Chu vi và diện tích hình bình hành

Chu vi hình bình hành : \(C = 2(a + b)\).
Diện tích hình bình hành là: \(S = b.h\)
Trong đó \(b\) là cạnh, \(h\) là chiều cao tương ứng.
Chú ý: Khi tính chu vi và diện tích hình bình hành phải đưa các độ dài về cùng đơn vị đo.
Ví dụ:
Tính chu vi và diện tích của hình bình hành sau:

Hình bình hành trên có độ dài hai cạnh là 3 cm và 6 cm nên:
Chu vi hình bình hành trên là: \((3 + 6).2 = 18\) (cm)
Hình bình hành trên có độ dài đáy là 6 cm và đường cao là 2 cm nên:
Diện tích hình bình hành trên là: \(6.2 = 12\) (\(c{m^2}\)).