Bài 1 trang 18 SGK Ngữ văn 12 tập 2

Trả lời câu hỏi bài 1 trang 18 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2, hướng dẫn soạn bài Nhân vật giao tiếp ngữ văn 12: Đọc đoạn trích trong Vợ nhặt (Kim Lân) và phân tích theo các câu hỏi bên dưới.
(414) 1381 04/08/2022

HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 1 trang 18 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập Hai phần soạn bài Nhân vật giao tiếp chi tiết nhất.

Đề bài: Đọc đoạn trích sau và phân tích theo các câu hỏi bên dưới.

    Một lần hắn đang gò lưng kéo cái xe bò thóc vào dốc tỉnh, hắn hò một câu chơi cho đỡ nhọc. Hắn hò rằng:

Muốn ăn cơm trắng mấy giò này!

Lại đây mà đẩy xe bò với anh, nì !

     Chủ tâm hắn cũng chẳng có ý chòng ghẹo cô nào, nhưng mấy cô gái lại cứ đẩy vai cô ả này ra với hắn, cười như nắc nẻ :

- Kia anh ấy gọi ! Có muốn ăn cơm trắng mấy giò thì ra đẩy xe bò với anh ấy!

Thị cong cớn: 

- Có khối cơm trắng mấy giò đấy! Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy ? 

Tràng ngoái cổ lại vuốt mồ hôi trên mặt cười: 

- Thật đấy, có đẩy thì ra mau lên!

Thị vùng đứng dậy, ton ton chạy lại đẩy xe cho Tràng. 

- Đã thật thì đẩy chứ sợ gì, đằng ấy nhỉ. - Thị liếc mắt, cười tít.

(Kim Lân, Vợ nhặt)

Câu hỏi:

a) Trong hoạt động giao tiếp trên, các nhân vật giao tiếp có đặc điểm như thế nào về lứa tuổi, giới tính, tầng lớp xã hội?

b) Các nhân vật giao tiếp chuyển đổi vai người nói, vai người nghe và luân phiên lượt lời ra sao ? Lượt lời đầu tiên của nhân vật “thị” hướng tới ai ?

c) Các nhân vật giao tiếp trên có bình đẳng về vị thế xã hội không ?

d) Họ có quan hệ xa lạ hay thân tình khi bắt đầu cuộc giao tiếp ?

e) Những đặc điểm về vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp,... chi phối lời nói của các nhân vật như thế nào ? (Chú ý cách xưng hô, cách nói năng và những điệu bộ, cử chỉ phụ trợ cho lời nói của các nhân vật.)

Trả lời bài 1 trang 18 SGK văn 12 tập 2

Cách trả lời 1:

a) Đặc điểm của các nhân vật giao tiếp:

- Về lứa tuổi: cùng độ tuổi với nhau (thanh niên).

- Về giới tính: khác nhau.

- Về tầng lớp xã hội: đều là những người nông dân – những người làm thuê, cùng tầng lớp dưới của xã hội đương thời.

b,

- Các nhân vật giao tiếp thường xuyên chuyển đổi vai nói và vai nghe, nghĩa là có sự luân phiên lượt lời: mấy cô gái chờ việc - thị - Tràng - thị.

- Lượt đầu tiên của nhân vật thị hướng đến hai đối tượng. Lượt lời này gồm hai câu:

+ Câu thứ nhất nói với mấy cô bạn: “Có khối cơm trắng mấy giò đấy”.

+ Câu thứ hai hướng đến nhân vật Tràng: “Này, nhà tôi ơi, nói thật hay nói khoác đấy”.

c) Các nhân vật giao tiếp trên bình đẳng về vị thế xã hội cùng độ tuổi, cùng tầng lớp xã hội).

d) Các nhân vật giao tiếp khi bắt đầu cuộc giao tiếp có quan hệ xa lạ với nhau.

- Sự chi phối lời nói nhân vật của các đặc điểm về vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, lứa tuổi, giới tính, nghề nghiệp,...

- Có vị thế xã hội bình đẳng, gần gũi nhau về độ tuổi nên các nhân vật nói năng suồng sã, vừa nói vừa cười như nắc nẻ...

- Do sự khác nhau về giới tính nên các cô gái gọi nhân vật Tràng là “anh”.

- Do xa lạ với nhau nên các nhân vật giao tiếp ít dùng các đại từ nhân xưng.

Cách trả lời 2:

a) Các nhân vật: Tràng, mấy cô gái, “thị”

- Đặc điểm của nhân vật giao tiếp

+ Lứa tuổi: họ đều là người trẻ, trung tuổi

+ Giới tính: Tràng - nam, còn lại là nữ

+ Tầng lớp xã hội: đều là người dân lao động nghèo khổ

b) Nhân vật giao tiếp chuyển vai người nói, vai người nghe luân phiên nhau

+ Lượt 1: Tràng nói, các cô gái nghe

+ Lượt 2: các cô gái là người nói, Tràng là người nghe

+ Lượt 3: “thị” nói, Tràng và các cô gái còn lại nghe

+ Lượt 4: Tràng nói, “thị” là người nghe

c) Nhân vật giao tiếp bình đẳng về vị trí xã hội

d) Khi bắt đầu cuộc giao tiếp, nhân vật giao tiếp có quan hệ hoàn toàn xa lạ, sau đó họ dần thân với nhau hơn (vì cùng lứa tuổi, vị thế).

e) Đặc điểm về vị thế xã hội, quan hệ thân sơ, giới tính, nghề nghiệp… tác động tới nhân vật giao tiếp. Ban đầu họ đùa để thăm dò, sau đó khi quen, họ mạnh dạn hơn.

Xem trước bài soạnSoạn bài Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 1 trang 18 SGK ngữ văn 12 tập 2 do HocOn247 tổng hợp và biên soạn, hi vọng sẽ giúp em hiểu và soạn bài Nhân vật giao tiếp tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(414) 1381 04/08/2022