Bài 2 trang 79 SGK Ngữ văn 12 tập 2

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 79 SGK Ngữ văn 12 tập 2, hướng dẫn soạn bài Thực hành về hàm ý ngữ văn 12 : Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới...
(373) 1242 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 79 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập Hai phần Luyện tập soạn bài Thực hành về hàm ý chi tiết và đầy đủ nhất.

Đề bàiĐọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới.

   Những lúc như thế, thì một người dẫu khôn ngoan cũng không bình tĩnh được. Nhất là khi trông thấy một thằng chỉ đến vòi tiền uống rượu như Chí Phèo. Tuy vậy, cụ cũng móc sẵn năm hào. Thà móc sẵn để tống nó đi cho chóng. Nhưng móc rồi, cụ cũng phải quát một câu cho nhẹ người:

     - Chí Phèo đấy hở ? Lè bè vừa thôi chứ, tôi không phải là cái kho.

   Rồi ném bẹt năm hào xuống đất, cụ bảo hắn:

     - Cầm lấy mà cút đi cho rảnh. Rồi làm mà ăn chứ cứ báo người ta mãi à?

   Hắn trợn mắt chỉ tay vào mặt cụ:

     - Tao không đến đây xin năm hào.

  Thấy hắn toan làm dữ cụ đành dịu giọng:

     - Thôi, cầm lấy vậy, tôi không còn hơn.

   Hắn vênh cái mặt lên, rất kiêu ngạo:

     - Tao đã bảo là tao không đòi tiền.

     - Giỏi! Hôm nay mới thấy anh không đòi tiền. Thế anh cần gì?

   Hắn dõng dạc:

     - Tao muốn làm người lương thiện!

(Nam Cao, Chí Phèo)

a) Câu nói của Bá Kiến "Tôi không phải là kho" có hàm ý gì? Cách nói như thế có đảm bảo phương châm cách thức (cần nói rõ ràng, rành mạch) không?

b) Ở lượt lời thứ nhất và thứ hai của Bá Kiến có những câu dạng câu hỏi. Những câu đó thực hiện hành động nói gì? Chúng có hàm ý như thế nào?

c) Ở lượt lời thứ nhất và thứ hai của mình, Chí Phèo đều không nói hết ý. Phần hàm ý còn lại được tường minh hóa (được nói rõ) ở lượt lời nào? Cách nói ở hai lượt lời đầu của Chí Phèo không đảm bảo phương châm về lượng và phương châm cách thức như thế nào?

Trả lời bài 2 trang 79 SGK văn 12 tập 2

Cách trả lời 1:

a) Câu nói của Bá Kiến: “Tôi không phải cái kho.”

=> Hàm ý: Cái kho là biểu tượng của của cải, sự giàu có. Câu nói của Bá Kiến có hàm ý muốn nói với Chí Phèo rằng: Tôi không có nhiều tiền của để có thể lúc nào cũng có thể cho anh.

=> Cách nói không đảm bảo phương châm cách thức: không nói rõ ràng, mạch lạc mà thông qua hình ảnh cái kho để nói bóng gió đến tiền của.

b) Tại lượt lời thứ nhất và thứ hai của Bá Kiến có dùng những câu hỏi:

- ''Chí Phèo đấy hở?'' -> Không nhằm ý định hỏi, thực hiện hành động hỏi mà mục đích hô gọi, hướng lời nói đến người nghe.

- "Rồi làm mà ăn chứ, cứ báo người ta mãi à?"

-> Nhằm mục đích cảnh báo, sai khiến, thúc giục: Chí Phèo làm mà ăn chứ không thể luôn đến xin tiền.

c) Lượt lời 1, 2 Chí Phèo không nói hết ý: đến để làm gì?

- Hàm ý được tường minh ở lượt lời thứ 3 của hắn.

- Cách nói ở hai lượt đầu không đảm bảo phương châm về lượng (không đủ lượng thông tin cần thiết so với yêu cầu ở thời điểm nói) và cả phương châm về cách thức (nói không rõ ràng).

Tham khảo thêm: Hướng dẫn soạn bài Thực hành về hàm ý (tiếp theo)

Cách trả lời 2:

a) Câu nói của Bá Kiến “tôi không phải cái kho” hàm ý:

- Từ chối lời đề nghị xin tiền của Chí Phèo

- Cách nói vi phạm phương châm cách thức nhằm tạo ra hàm ý.

b)

- Chí Phèo đấy hở? -> Câu hỏi nhưng hành động chào, với hàm ý: anh lại có chuyện gì nữa đây?

- Rồi làm ăn chứ cứ báo người ta mãi à? -> Câu hỏi với hành động sai khiến, ý nói Chí Phèo nên lo làm ăn thay vì tới xin tiền như thường lệ.

c)

- Chí Phèo trong hai lượt lời đầu cố ý nói không đầy đủ nội dung. Phần hàm ý được tường minh hóa trong lượt lời thứ ba: Tao muốn làm người lương thiện.

- Hai lượt lời vi phạm phương châm về lượng, về cách thức: nói thiếu ý và không rõ ràng, không xin tiền thì xin gì.

Cách trả lời 3:

a)

- Câu nói của Bá Kiến có hàm ý muốn nói với Chí Phèo rằng: Tôi không có tiền cho anh và cũng không thể cho anh tiền mãi được.

- Cách nói ấy vi phạm phương châm cách thức.

b) Trong lượt lời thứ nhất của Bá Kiến có câu với hình thức hỏi: "Chí Phèo đấy hở?". Câu này không nhằm mục đích hỏi. Thực chất Bá Kiến dùng câu hỏi để thực hiện hành vi hô gọi, hướng lời nói của mình về đối tượng, báo hiệu cho đối tượng biết lời nói đang hướng về đối tượng (Chí Phèo) hay là một hành động chào kiểu trịch thượng của kẻ trên đối với người dưới.

- Trong lượt lời thứ hai của Bá Kiến, câu mang hình thức câu hỏi là: "Rồi làm ăn chứ cứ báo người ta mãi à?". Thực chất câu nói này không nhằm mục đích hỏi mà nhằm mục đích thúc giục, ra lệnh.

c)

- Ở lượt lời thứ nhất và thứ hai của mình. Chí Phèo không nói hết ý, chỉ bác bỏ hàm ý trong câu nói của Bá Kiến. Hàm ý này được tường minh hóa, nói rõ ở lượt lời cuối cùng.

- Cách nói ở hai lượt nói đầu của Chí Phèo không đảm bảo phương châm về lượng và cả phương châm về cách thức.

+ Lượt lời thứ nhất của Chí không đảm bảo phương châm về lượng.

+ Lượt lời thứ hai, Chí Phèo tiếp tục vi phạm phương châm về lượng và phương châm về cách thức.

-/-

Trên đây là gợi ý trả lời câu hỏi bài 2 trang 79 SGK ngữ văn 12 tập 2 được biên soạn chi tiết giúp các em tham khảo để soạn bài Thực hành về hàm ý trong chương trình soạn văn 12 tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(373) 1242 04/08/2022