Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc (Trần Đình Hượu)

Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc trang 159 SGK Ngữ Văn lớp12 tập 2 chi tiết giúp các em nắm được kiến thức bài học nhanh nhất
(407) 1358 04/08/2022

Soạn Nhìn về vốn văn hóa dân tộc trong tuần 30 Ngữ văn 12 dưới đây là hướng dẫn trả lời các câu hỏi trang 162 SGK Ngữ văn 12 tập 2, cùng tham khảo em nhé!

Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc chi tiết (Trần Đình Hượu)

Đọc - hiểu văn bản

Câu 1. Tác giả phân tích đặc điểm của vốn văn hóa dân tộc dựa trên những phương diện cụ thể nào của đời sống vật chất và tinh thần?

Trả lời:

Tác giả Trần Đình Hượu đã phân tích đặc điểm vốn văn hóa của dân tộc trên cơ sở những phương diện cụ thể sau:

-  Tôn giáo, nghệ thuật (kiến trúc, hội họa văn học):

+ Tôn giáo: Người Việt Nam không cuồn tín, không cực đoan mà dung hòa, tạo nên sự hài hòa nhưng không tìm sự siêu thoát, siêu việt về tinh thần bằng tôn giáo.

+ Nước Việt và người Việt có sự giao lưu văn hóa lâu đời, sự tiếp xúc, tiếp nhận và biến đổi các giá trị văn hóa của một số nền văn hóa khác trong khu vực và trên thế giới. Đó là sự tiếp nhận một cách có chọn lọc và biến đổi những tinh hoa văn hóa nước ngoài của người Việt.

+ Nghệ thuật: sáng tạo những tác phẩm tinh tế nhưng không có qui mô lớn, không mang vẻ đẹp tráng lệ, kì vĩ, phi thường.

+ Âm nhạc, hội họa kiến trúc: đều không phát triển đến tuyệt kĩ... Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hóa nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hóa.

-   Ứng xử (giao tiếp cộng đồng, tập quán): trọng tình nghĩa không chú ý nhiều đến trí dũng, khéo léo nhưng không cầu thị, cực đoan, thích yên ổn.

+ Coi trọng đời sống hiện thế trần tục nhưng không bám lấy hiện thế, quá sợ hãi cái chết.

+ Không ca tụng trí tuệ mà coi trọng sự khôn khéo. Khôn khéo là: ăn đi trước, lội nước theo sau, bi thủ thế, giữ mình, gỡ được tình thế khó khăn.

+ Con người ưa chuộng của người Việt là con người hiền lành, tình nghĩa.

+ Coi sự giàu sang chỉ là tạm thời, cho nên không vì thế mà giành giật cho mình vì cũng không thể hưởng được thế.

+ Giao tiếp, ứng xử chuộng sự hợp tình, hợp lí.

-   Sinh hoạt (ăn, ở, mặc) ưa chừng mực, vừa phải:

+ Người Việt mong ước thái bình, an cư lạc nghiệp để làm ăn cho no đủ, sống thanh thản, thong thả.

+ Cách sống của người Việt là yên phận thủ thường.

+ Áo quần, trang sức, món ăn đều không chuộng sự cầu kì.

-  Quan niệm về cái đẹp trong suy nghĩ của người Việt: vừa xinh, vừa khéo.

+ Người Việt không thích cái tráng lệ huy hoàng, không say mê cái huyền ảo.

+ Màu sắc ưa chuộng của người Việt là cái dịu dàng, thanh nhã.

Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc chi tiết nhất

Câu 2. Theo tác giả, đặc điểm nổi bật nhất trong sáng tạo văn hóa của Việt Nam là gì? Đặc điểm này nói lên thế mạnh gì của vốn văn hóa dân tộc? Lấy dẫn chứng để làm sáng tỏ luận điểm này.

Trả lời:

-   Đặc điểm nổi bật của sáng tạo văn hóa Việt Nam là tạo ra một cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩa, sống có văn hóa trên một cái nền nhân bản.

-   Dẫn chứng:

+ Công trình kiến trúc chùa Một Cột, các lăng tẩm của vua chúa đời Nguyễn...

+ Lời ăn tiếng nói của nhân dân trong tục ngữ, thành ngữ và ca dao: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang/Người khôn tiếng nói dịu dàng dễ nghe”: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”...

+ Có thể đối chiếu với thực tế đời sống của các dân tộc khác: sự kì vĩ của những Kim tự tháp (Ai Cập), của Vạn lý trường thành (Trung Quốc)...

Câu 3. Những đặc điểm nào có thể xem là hạn chế của vốn văn hóa dân tộc ?

Trả lời:

- Những hạn chế của nền văn hóa truyền thống Việt Nam là thiếu sáng tạo phi phàm, kì vĩ và những đặc sắc nổi bật, không mong gì cao xa, khác thường, hơn người, trí tuệ không được đề cao.

- Nguyên nhân: ý thức lâu đời về sự nhỏ yếu, về thực tế nhiều khó khăn, nhiều bất trắc của dân tộc.

Câu 4. Những tôn giáo nào có ảnh hưởng mạnh nhất đến văn hóa truyền thống Việt Nam? Người Việt Nam đã tiếp nhận tư tưởng của các tôn giáo này theo hướng nào để tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc? Tìm một số ví dụ trong nền văn học để làm sáng tỏ vấn đề này.

Trả lời:

-   Những tôn giáo có ảnh hưởng mạnh đến văn hóa truyền thống Việt Nam là: Phật giáo và Nho giáo, tuy từ ngoài du nhập vào nhưng đều để lại dấu ấn sâu sắc trong bản sắc dân tộc.

-   Để tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc, người Việt Nam đã xác nhận tư tưởng của các tôn giáo này theo hướng: "Phật giáo không được tiếp nhận ở khía cạnh trí tuệ, cầu giải thoát mà Nhà nho cũng không tiếp nhận ở nghi lễ tủn mủn, giáo điều khắc nghiệt". Người Việt tiếp nhận tôn giáo để tạo ra một cuộc sống thiết thực, bình ổn, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng, thanh lịch, những con người hiền lành, tình nghĩa, sống có văn hóa trên một cái nền nhân bản.

-  Dẫn chứng trong văn học:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

(Bình ngô đại cáo - Nguyễn Trãi)

Tư tưởng "nhân nghĩa", "yên dân", "điếu dân phạt tội" (thương dân, phạt kẻ có tội) có nguồn gốc từ Nho giáo (Đạo Khổng).

Thương thay thân phận đàn bà

Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?

(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Quan niệm về thân phận, số kiếp... là do ảnh hưởng của đạo Phật.

Câu 5. Nhận định: "Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa" nhằm nêu lên mặt tích cực hay hạn chế của văn hóa Việt Nam? Hãy giải thích rõ vấn đề này?

Trả lời:

Nhận định "Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa" nhằm nói lên tính tích cực, đồng thời nói lên tính hạn chế của văn hóa Việt Nam.

- Tích cực:

+ Tính thiết thực: Khiến văn hóa Việt Nam gắn bó sâu sắc với cộng đồng.

+ Tính linh hoạt: khả năng tiếp biến nhiều giá trị văn hóa khác nhau để hình thành bản sắc.

+ Tính dung hòa: các giá trị văn hóa nội sinh, ngoại sinh không loại trừ nhau.

- Hạn chế: thiếu sáng tạo phi phàm, kì vĩ và những đặc sắc nổi bật.

Câu 6. Vì sao có thể khẳng định: "Con đường hình thành bản sắc dân tộc của văn hóa không chỉ trông cậy vào sự tạo tác của chính dân tộc đó, mà còn trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa các giá trị của văn hóa bên ngoài, về mặt đó, lịch sử đã chứng minh là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh". Hãy liên hệ với thực tế lịch sử và văn học Việt Nam để làm sáng tỏ vấn đề này.

Trả lời:

* Nội dung chính nhận xét này của tác giả Trần Đình Hượu là: Văn hóa Việt Nam cũng như mọi nền văn hóa khác, vừa là sản phẩm của dân tộc sáng tạo nên, vừa là sản phẩm chế tác, "đồng hóa" từ các yếu tố của nền văn hóa dân tộc khác. Nói khác đi, văn hóa Việt Nam không tồn tại cô lập mà có mối liên hệ mật thiết với các nền văn hóa của thế giới, nó là một bộ phận của văn hóa thế giới.

* Chứng minh

-   Về lịch sử: dân tộc ta trải qua một thời gian dài bị đô hộ, áp bức và đồng hóa. Những giá trị văn hóa gốc phần nhiều đã bị mai một, xóa nhòa. Vì vậy, văn hóa Việt Nam không thể trông cậy vào khả năng tạo tác. Bởi vậy phải trông cậy vào khả năng chiếm lĩnh, khả năng đồng hóa các giá trị văn hóa bên ngoài là một yếu tố. Tuy nhiên, dân tộc ta thực sự có bản lĩnh trong vấn đề này. Điều đó có thể thấy rõ trong văn hóa.

-   Văn hóa Việt Nam ảnh hưởng đạo Phật nhưng đạo Phật đã bị "Việt hóa" khi vào Việt Nam: người Việt Nam không tiếp thu toàn bộ giáo lí của đạo Phật mà chỉ tiếp thu lòng nhân ái, bao dung, vô lượng, cùng những yếu tố nhân văn tích cực khác của Phật. Trong những trường hợp khác, người dân thường Việt Nam sẵn sàng có cách ứng xử khác: "Đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy" (tục ngữ).

-  Văn hóa Việt Nam cũng tiếp thu tư tưởng của Nho giáo, nhưng cũng "Việt hóa" theo tinh thần "thiết thực, linh hoạt, dung hòa”. Chẳng hạn, theo Nho giáo, các chữ hiếu, tình là những quy định về đạo đức. Khi gặp mâu thuẫn người con phải hi sinh chịu tình cho chữ hiếu. Trong văn học cổ Trung Quốc đã có nhiều tấm gương hi sinh như (nàng Bân, ả Tạ, cả nhân vật Kiều trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đều tự nguyện hi sinh chữ tình một cách "vui vẻ"), còn nàng Kiều của Nguyễn Du trong Truyện Kiều thì không đơn giản như vậy, vì nàng quá nặng cả chữ hiếu lẫn chữ tình. Đó là sự tiếp thu văn hóa Nho giáo nhưng đã sáng tạo theo hướng "Việt hóa".

-   Văn hóa Việt Nam cũng tiếp thu những tư tưởng của văn hóa phương Tây hiện đại nhưng cũng "Việt hóa" trên tinh thần độc lập dân tộc. Trong Tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh có trích dẫn hai bản tuyên ngôn của Pháp và Mĩ. Người đã tiếp thu tư tưởng nhân quyền và dân quyền, nhưng ngay trước đó, các tư tưởng lớn này đã được chế tác thành quyền độc lập, tự do của dân tộc, đó là sự tiếp thu trên tinh thần của tư tưởng yêu nước Việt Nam.

Xem thêm bài văn mẫu: Phân tích bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc

Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc phần Luyện tập

Viết một bài luận (khoảng 3 trang) về một trong những vấn đề sau đây:

1. Anh (chị) hiểu thế nào là truyền thống “tôn sư trọng đạo” – một nét đẹp của văn hoá Việt Nam ? Trình bày những suy nghĩ của anh (chị) về truyền thống này trong nhà trường và xã hội hiện nay.

2. Theo anh (chị), nét đẹp văn hoá gây ấn tượng nhất trong những ngày Tết Nguyên đán của Việt Nam là gì ? Trình bày hiểu biết và quan điểm của anh (chị) về vấn đề này.

3. Theo anh (chị), hủ tục cần bài trừ nhất trong các ngày lễ, tết ở Việt Nam là gì ?

Trình bày hiểu biết và quan điểm của anh (chị) về vấn đề này.

Gợi ý

Vấn đề 1

Truyền thống “tôn sư trọng đạo” là nét đẹp của người Việt:

+ Kính trọng thầy cô, những người dạy học, làm nghề dạy học

+ Trọng đạo là trọng nghĩa tình, lẽ phải, những điều tốt đẹp trong đạo đức

Truyền thống này được thể hiện trong nhà trường: học trò kính trọng thầy cô, học hỏi những điều hay lẽ phải, rèn luyện

+ Trong gia đình: con cái kính trọng ông bà, cha mẹ, anh chị những người bề trên, nghe và sống theo truyền thống của gia đình, dòng họ

Vấn đề 2

Nét đẹp văn hóa gây ấn tượng nhất trong Tết Nguyên đán là mọi thành viên trong gia đình được sum họp bên nhau ấm áp.

+ Trong cuộc sống thường nhật, mọi người vì phải lo toan cho cuộc sống mưu sinh nên thường bận rộn, ít có dịp gần gũi nhau

+ Ngày Tết mọi người được nghỉ làm, quây quần bên nhau hạnh phúc, kể cho nhau nghe chuyện đã qua, và hướng nhau tới những điều tốt đẹp

Vấn đề 3

Những hủ tục cần bài trừ trong ngày Tết Việt Nam:

+ Những hoạt động ăn nhậu liên miên, say xỉn điều khiển các phương tiện giao thông gây nguy hiểm cho mọi người

+ Nhiều người buôn thần bán thánh, lợi dụng niềm tin của người khác nhằm trục lợi cá nhân

+ Tệ nạn cờ bạc, cá độ gia tăng nhanh chóng

Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc ngắn nhất

Câu 1:

Trong đoạn trích, tác giả Trần Đình Hượu đã đề cập đến những đặc điểm của văn hóa truyền thống Việt Nam trên các cơ sở: tôn giáo, nghệ thuật (kiến trúc, hội họa, văn học), ứng xử (giao tiếp cộng đồng, tập quán) , sinh hoạt (ăn, ở, mặc). Những mặt tích cực và hạn chế của mỗi đặc điểm được trình bày đan xen tạo cho bài văn có sự uyển chuyển, nhẹ nhàng.

→ Đoạn trích đã nêu được những nét đặc thù của vốn văn hóa Việt Nam để tiếp tục những giá trị đó trong thời kì hiện đại.

Soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc ngắn nhất

Câu 2:

Đặc điểm nổi bật nhất trong sáng tạo văn hóa của Việt Nam: giàu tính nhân bản, tinh tế, hướng tới sự hài hòa trên mọi phương diện (tôn giáo, nghệ thuật, ứng xử, sinh hoạt) với tinh thần chung: thiết thực, linh hoạt và dung hòa.

“Cái đẹp vừa ý là xinh, là khéo. Ta không háo hức tráng lệ, huy hoàng, không say mê cái huyền ảo, kì vĩ...Tất cả đều hướng vào cái đẹp dịu dàng, thanh lịch, duyên dáng và có quy mô vừa phải”.

Đặc điểm này nói lên thế mạnh của vốn văn hóa dân tộc: tạo ra cuộc sống thiết thực bình ổn, lành mạnh với những vẻ đẹp dịu dàng thanh lịch sống có tình nghĩa có văn hóa trên một cái nền nhân bản.

Các ví dụ:

- Các công trình kiến trúc nổi tiếng: Chùa Một Cột, kiến trúc Cung đình Huế, Hoàng thành Thăng Long...

- Chiếc áo dài nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

- Các câu tục ngữ, ca dao: “Người thanh nói tiếng cũng thanh / Chuông kêu chuông đánh bên thành cũng kêu”, “Lời chào cao hơn mâm cỗ”...

Câu 3:

Hạn chế của vốn văn hóa dân tộc:

- Tôn giáo, nghệ thuật: Ít quan tâm đến tôn giáo nên tôn giáo không phát triển, không có các công trình kì vĩ, tráng lệ.

- Quan niệm về lí tưởng: không có khát vọng và sáng tạo lớn trong cuộc sống, chấp nhận cái gì vừa phải, không ca tụng trí tuệ mà đề cao sự khôn khéo.

Câu 4:

Những tôn giáo có ảnh hưởng mạnh mẽ đến văn hóa truyền thống của Việt Nam: Phật giáo, Nho giáo.

Người Việt Nam đã tiếp nhận những tư tưởng tôn giáo này trên cơ sở chọn lọc những tư tưởng tiến bộ, nhân văn của những tôn giáo đó để tạo nên bản sắc văn hóa dân tộc.

Ví dụ trong văn học:

Quan niệm về vấn đề nhân nghĩa của Nguyễn Trãi:

Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân

Quân điếu phạt trước lo trừ bạo

Câu thơ của Nguyễn Trãi có sự kế thừa từ tư tưởng nhân nghĩa của Khổng Tử.

Câu 5:

Nhận định “Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa” nhằm nêu lên mặt tích cực của văn hóa Việt Nam. Đó không phải là sự sáng tạo, tìm tòi, khai phá nhưng nó khẳng định được sự khéo léo, uyển chuyển của người Việt trong việc tiếp nhận những tinh hoa văn hóa nhân loại để tạo nên những nét độc đáo của văn hóa Việt Nam.

Câu 6:

Có thể khẳng định: “Con đường hình thành ... là dân tộc Việt Nam có bản lĩnh” bởi: dân tộc ta đã trải qua một thời gian dài bị đô hộ, áp bức, đồng hóa nên chúng ta không thể trông cậy vào khả năng tạo tác (sự sáng tạo của dân tộc).

Chúng ta tiếp thu nhưng không hề rập khuôn máy móc văn hóa của quốc gia khác. Thực tế lịch sử, văn hóa và văn học đã chứng minh:

- Chữ viết: Sáng tạo chữ Nôm trên cơ sở chữ Hán để khẳng định bản sắc dân tộc.

- Văn học: Sáng tạo các thể thơ dân tộc đi đôi với việc vận dụng, Việt hóa các thể thơ Đường luật của Trung Quốc, thể thơ tự do, phóng khoáng của phương Tây...

Hết

Trên đây là nội dung soạn bài Nhìn về vốn văn hóa dân tộc chi tiết nhất mà các em có thể tham khảo, mong rằng với nội dung ở trên các em sẽ chuẩn bị bài học trước tại nhà tốt nhất!


TẢI VỀ

(407) 1358 04/08/2022