Bài 2 trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 33 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2, hướng dẫn soạn bài Vợ nhặt: Vì sao người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng một người đàn bà lạ về nhà?
(400) 1334 04/08/2022

HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 33 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập Hai phần soạn bài Vợ nhặt (Kim Lân) chi tiết nhất.

Đề bài: Vì sao người dân xóm ngụ cư lại ngạc nhiên khi thấy Tràng đi cùng một người đàn bà lạ về nhà? Sự ngạc nhiên của các nhân vật trong truyện cho thấy nhà văn đã sáng tạo được tình huống truyện như thế nào? Tình huống đó có những tác dụng gì đối với nội dung, ý nghĩa của thiên truyện?

Trả lời bài 2 trang 33 SGK văn 12 tập 2

Cách trả lời 1:

Người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên khi thấy anh Tràng đi cùng với một người đàn bà lạ về nhà, bởi:

- Một người nghèo túng, xấu xí, dân ngụ cư lại bỗng dưng lấy được vợ.

- Giữa lúc đói kém, người như Tràng đến thân mình còn không lo nổi lại đèo bòng vợ với con.

Sự ngạc nhiên của dân làng, của bà cụ Tứ, và của chính Tràng, tác giả đã sáng tạo được một tình huống truyện độc đáo: Đây là một tình huống oái oăm không biết nên vui hay nên buồn, không biết nên mừng hay nên lo. Mọi người đều có chung tâm trạng ấy, nhất là bà cụ Tứ: “Lòng ngưởi mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự. Bà mừng vì dù sao con mình cũng đã có vợ, một mặt lại tủi vì gặp phải đói khổ này người ta mới lấy đến con mình...”.

Tình huống éo le trên đã mở đầu cho sự phát triển của truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong tác phẩm.

Xem thêmPhân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Cách trả lời 2:

- Giữa nạn đói khủng khiếp đang diễn ra, Tràng bỗng dưng nhặt được vợ một cách dễ dàng nhờ mấy bát bánh đúc. Điều này khiến người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên vì:

+ Người như Tràng (vừa nghèo vừa xấu lại là dân ngụ cư) mà lấy được vợ, thậm chí có vợ theo.

+ Thời buổi này thân mình còn lo không nổi lại còn dám lấy vợ.

+ Nhưng khốn nỗi, nếu không phải năm đói, người ta không đói quá thì ai thèm lấy Tràng. Bởi đây là “vợ nhặt”, có cần cheo cưới gì đâu. Năm đói thế nào cũng xong, có thế người như Tràng mới lấy được vợ.

=> Việc một người không thể lấy vợ được mà lại có vợ một cách thật dễ dàng như Tràng đã làm cho người dân xóm ngụ cư ngạc nhiên, bàn ra tán vào. Bà cụ Tứ  - mẹ Tràng ngạc nhiên và đến ngay chính bản thân Tràng cũng không thể tin được vì mọi chuyện xảy ra quá nhanh.

- Sự ngạc nhiên của các nhân vật trong truyện cho thấy nhà văn đã xây dựng thành công tình huống truyện “nhặt vợ” độc đáo, có một không hai. Lấy vợ là một trong những việc trọng đại nhất đời người, cần có những nghi lễ trang trọng… thì ở đây Tràng lại nhặt được vợ ngoài chợ như một mớ rau

⇒ Tình huống lạ, gây bất ngờ, ngạc nhiên cho người đọc, vừa nghịch lí nhưng lại vừa có lí.

Như vậy có thể nói chính tình huống “nhặt vợ” đã giúp nhà văn triển khai câu chuyện một cách tự nhiên. Với tình huống này, Kim Lân đã nói lên một cách sâu sắc nỗi niềm khao khát tổ ấm gia đình và tình yêu thương giữa những con người nghèo khổ ngay trên bờ vực thẳm của cái chết. Đây là nội dung nhân đạo chủ nghĩa cảm động nhất của tác phẩm.

Trên đây là bài 2 trang 33 SGK ngữ văn 12 tập 2 được HocOn247 tổng hợp và biên soạn trình bày theo 2 cách khác nhau, hi vọng sẽ giúp em hiểu và soạn bài Vợ nhặt tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(400) 1334 04/08/2022