Bài 4 trang 33 SGK Ngữ văn 12 tập 2

Trả lời câu hỏi bài 4 trang 33 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 2, hướng dẫn soạn bài Vợ nhặt ngữ văn 12: Cảm nhận về niềm khát khao tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng
(406) 1354 04/08/2022

HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 4 trang 33 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập Hai phần soạn bài Vợ nhặt (Kim Lân) chi tiết nhất.

Đề bài: Cảm nhận về niềm khát khao tổ ấm gia đình của nhân vật Tràng, Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc như thế nào khi thể hiện niềm khát khao đó của nhân vật (lúc quyết định để người đàn bà theo về, trên đường về xóm ngụ cư, buổi sáng đầu tiên có vợ,...).

Trả lời bài 4 trang 33 SGK văn 12 tập 2

Cách trả lời 1:

Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc về niềm khát khao hạnh phúc gia đình của Tràng:

- Lúc quyết định lấy vợ: Thoạt đầu Tràng có chút phân vân, do dự. Nhưng rồi sau đó anh chàng đã tặc lưỡi "Chậc, kệ".

- Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư. Phút này, Tràng như đã thành một con người khác, phớn phở lạ thường, môi cười tùm tỉm, mắt sáng hẳn lên, mặt vênh vênh tự đắc, nhưng cũng có lúc cứ "lúng ta lúng túng" đi bên vợ. Nhưng chủ yếu vẫn là cảm giác mới mẻ khác lạ mơn man như một bàn tay vuốt nhẹ.

- Buổi sáng đầu tiên khi có vợ Tràng cảm thấy êm ả, lửng lơ, như người vừa trong giấc mơ đi ra, xung quanh mình có cái gì thay đổi mới mẻ khác lạ. Từ cảm giác sung sướng hạnh phúc Tràng ý thức trách nhiệm, bổn phận của mình "bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với căn nhà của hắn lạ lùng".

Xem thêmPhân tích truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân

Cách trả lời 2:

- Kim Lân rất hiểu người nông dân. Ông đã có những phát hiện rất tinh tế và sâu sắc về niềm khát khao tổ ấm gia đình qua nhân vật Tràng trong tác phẩm.

+ Lúc quyết định lấy người đàn bà làm vợ: mặc dầu “chợn” nhưng Tràng vẫn tặc lưỡi” “Chậc, kệ!”. Đó chính là niềm khát khao tổ ấm gia đình như một tiềm thức, một tình cảm đã có từ lâu trong lòng người người nông dân nghèo khổ này, giờ đây bật lên thành tiếng nói, thành hành động.

+ Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư: tâm trạng Tràng tỏ ra thích chí và tự đắc “mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”, “cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình” ⇒ Kim Lân đã diễn tả thật tinh tế cái vẻ hãnh diện hồn nhiên của một con người lần đầu tiên dẫn vợ mình đi qua xóm làng.

+ Trong buổi sáng đầu tiên có gia đình, Tràng bỗng nhận ra có sự thay đổi mới mẻ, khác lạ:

  • Từ nhà cửa, sân vườn,…cho đến mẹ và vợ đều khác lạ.
  • Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu và gắn bó với cái nhà hắn lạ lùng.
  • Một nguồn vui sướng, phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn cảm thấy nên người, hắn thấy hắn phải có bổn phận lo lắng cho vợ con sau này.

=> Khao khát tổ ấm gia đình của Tràng đã được Kim Lân diễn tả thật thấm thía và lay động, người đọc thấy rõ hạnh phúc gia đình đã lay động mạnh mẽ và làm biến chuyển, thay đổi tình cảm của nhân vật, nâng con người của Tràng lên cao hơn, đẹp hơn. Trong bờ vực thẳm của cái chết người dân lao động vẫn luôn nghĩ tới cuộc sống và không ngừng tìm kiếm hạnh phúc. Đó chính là giá trị nhân văn cao cả của tác phẩm.

Cách trả lời 3:

Niềm khát khao hạnh phúc gia đình được thể hiện hết sức chân thực và sâu sắc qua nhân vật Tràng:

- Lúc đầu khi có ý định đưa người đàn bà xa lạ về nhà, Tràng có chút phân vân, do dự: “Mới đầu chàng cũng chợn, nghĩ: thóc gạo này đến cái thân mình còn chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng”. Nhưng sau đó, chàng đã “tặc lưỡi một cái: Chậc, kệ!” rồi quyết định đưa người đàn bà về nhà.

-> Quyết định của Tràng thể hiện niềm khao khát hạnh phúc gia đình của người nông dân nghèo khổ đồng thời thể hiện giá trị nghệ thuật của tác phẩm: “Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai”.

- Trên đường về xóm ngụ cư, Tràng không cúi xuống lầm lũi như mọi ngày mà “phởn phơ”, “vênh vênh ra điều”. Trong phút chốc, Tràng quên đi tất cả tăm tối, “trong lòng hắn bây giờ chỉ còn tình nghĩa giữa hắn và người đàn bà đi bên. Một cái gì mới mẻ, lạ lắm chưa từng thấy ở người đàn ông nghèo khổ ấy”.

- Buổi sáng đầu tiên có vợ, Tràng biến đổi hẳn: “Hắn thấy bây giờ hắn nên người”. Tràng thấy có trách nhiệm và gắn bó với tổ ấm của mình: “Bỗng nhiên hắn cảm thấy yêu thương gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng”.

-> Con người trở nên trưởng thành hơn với những yêu thương, ước mong gắn bó, xây đắp hạnh phúc gia đình.

Bài 4 trang 33 SGK ngữ văn 12 tập 2 được HocOn247 tổng hợp và biên soạn trình bày theo 3 cách khác nhau, hi vọng sẽ giúp em hiểu và soạn bài Vợ nhặt tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(406) 1354 04/08/2022