Bài 2 trang 57 SGK Ngữ văn 9 tập 2

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 57 SGK Ngữ văn 9 tập 2, hướng dẫn soạn bài Mùa xuân nho nhỏ: Mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào trong hai khổ thơ đầu? (hình ảnh, âm thanh, màu sắc...)
(376) 1253 04/08/2022

Tài liệu hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 57 sách giáo khoa Ngữ văn 9 tập Hai phần soạn bài Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải chi tiết nhất.

Đề bàiMùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả như thế nào qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh trong hai khổ thơ đầu?

Trả lời bài 2 trang 57 SGK văn 9 tập 2

Cách trả lời 1:

Trong hai khổ thơ đầu, mùa xuân của thiên nhiên, đất nước đã được miêu tả qua những hình ảnh, màu sắc, âm thanh:

- Hình ảnh, màu sắc:

+ Dòng sông xanh

+ Bông hoa tím biếc

- Âm thanh:

+ Tiếng chim chiền chiện

+ Những giọt long lanh rơi

- “Giọt long lanh” có thể là giọt sương nhưng cũng có thể là giọt âm thanh. “Giọt long lanh” mang hơi mát của mưa, của thời gian và của tiếng chim. Nó thật gần gũi thật đáng nâng niu.

Không khí mùa xuân rộn ràng náo nức, tác giả nhắc đến người cầm súng và người ra đồng, họ là hai lực lượng tiêu biểu của đất nước: Chiến đầu và sản xuất.

>>> Đọc thêmPhân tích bài thơ Mùa xuân nho nhỏ

Cách trả lời 2:

- Mùa xuân thiên nhiên, đất trời xứ Huế:

+ Hoa tím biếc, dòng sông xanh, chim chiền chiện hót vang trời

+ Không gian rộng lớn, bao la, màu sắc đặc trưng của Huế (tím, xanh), hòa với âm thanh sự sống

- Cảm xúc bồi hồi, rộn ràng của tác giả trước cảnh vật thiên nhiên xứ Huế

+ Tác giả trân trọng sự sống (tôi đưa tay tôi hứng)

+ Nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác, các yếu tố hữu hình, cảm nhận bởi nhiều giác quan

- Hai câu thơ thể hiện tình yêu thiên nhiên và sự sống tha thiết của nhà thơ

- Khổ thơ thứ hai thể hiện tình yêu với mùa xuân đất nước:

+ Mùa xuân đất nước cụ thể hóa bằng hình ảnh người cầm súng, người ra đồng

+ Suy ngẫm và chiêm nghiệm của tác giả khi nhìn thấy "lộc" từ mùa xuân đất nước

+ Từ láy "hối hả" và "xôn xao" thể hiện nhịp phát triển, thời kì mới của đất nước

+ So sánh đất nước với vì sao: sự trường tồn vững bền của đất nước

⇒ Hình ảnh mùa xuân tự nhiên và đất nước đối sánh với nhau qua lăng kính yêu cuộc đời, khao khát sống của tác giả

Cách trả lời 3:

Mùa xuân ở khổ thơ đầu là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời với dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Chỉ bằng vài nét phác hoạ, tác giả đã vẽ ra cả không gian cao rộng với dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la, với màu sắc tươi thắm (sông xanh, hoa tím biếc), với những âm thanh vang vọng (tiếng chim chiền chiện) của mùa xuân.

Cảm xúc của tác giả trước cảnh mùa xuân được diễn tả qua hai câu thơ:

Từng giọt long lanh rơi

Tôi đưa tay tôi hứng.

Có nhiều cách hiểu về hai câu thơ này, tuy nhiên có thể hiểu "từng giọt" là "những giọt mùa xuân", là sự chuyển đổi các cảm giác, từ màu sắc, âm thanh, hình ảnh... sang hình khối, đường nét, một sự tưởng tượng và cụ thể hoá những yếu tố vô hình (âm thanh, màu sắc...) thành một yếu tố hữu hình, có thể cảm nhận được bằng nhiều giác quan. Dù hiểu như thế nào thì hai câu thơ cũng thể hiện niềm say sưa ngây ngất của nhà thơ trước cảnh mùa xuân.

Tham khảo thêmNhững đề văn về bài thơ Mùa xuân nho nhỏ của Thanh Hải

Bài 2 trang 57 SGK ngữ văn 9 tập 2 được hướng dẫn trả lời với nhiều cách trình bày khác nhau giúp các em tham khảo để soạn bài Mùa xuân nho nhỏ tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(376) 1253 04/08/2022