Bài giảng Từ ngôn ngữ chung đến lời nói cá nhân

Tóm tắt bài Từ ngôn ngữ chung đến lời nói ca nhân ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 11, soạn bài dễ dàng
(390) 1300 29/07/2022

1. Ngôn ngữ - tài sản chung của xã hội

* Ngôn ngữ là tài sản chung của một dân tộc, một cộng đồng xã hội (có thể bao gồm những người cùng một dân tộc, hoặc thuộc các dân tộc khác nhau). Muốn giao tiếp với nhau, xã hội phải có phương tiện chung, trong đó phương tiện quan trọng nhất là ngôn ngữ.

* Tính chung trong ngôn ngữ cộng đồng được biểu hiện:

- Những yếu tố chung bao gồm:

+ Các âm và các thanh (các nguyên âm, phụ âm, thanh điệu,…)

+ Các tiếng (tức các âm tiết) do sự kết hợp của các âm và thanh theo những quy tắc nhất định.

+ Các từ

+ Các ngữ cố định (thành ngữ, quán ngữ)

- Tính chung còn thể hiện ở các quy tắc và phương thức chung trong việc cấu tạo và sử dụng các đơn vị ngôn ngữ. Một số quy tắc hoặc phương thức chung như:

+ Quy tắc cấu tạo các kiểu câu

+ Phương thức chuyển nghĩa từ

2. Lời nói - sản phẩm riêng của cá nhân

- Khi giao tiếp (nói hoặc viết), mỗi cá nhân sử dụng ngôn ngữ chung để tạo ra lời nói đáp ứng nhu cầu giao tiếp. Lời nói (gồm lời nói miệng và văn viết) của mỗi cá nhân vừa được tạo ra nhờ các yếu tố và quy tắc, phương thức chung, vừa có sắc thái riêng và phần đóng góp của cá nhân.

- Cái riêng trong lời nói cá nhân được biểu lộ ở các phương diện sau:

+ Giọng nói cá nhân

+ Vốn từ ngữ cá nhân

+ Sự chuyển đổi, sáng tạo khi sử dụng các từ ngữ chung, quen thuộc

+ Việc tạo ra các từ mới

+ Việc vận dụng linh hoạt, sáng tạo các quy tắc chung, phương thức chung.

3. Quan hệ giữa ngôn ngữ chung và lời nói cá nhân

- Giữa ngôn ngữ chung của cộng đồng xã hội và lời nói cá nhân có mối quan hệ hai chiều: Ngôn ngữ chung của xã hội là cơ sở để sản sinh và lĩnh hội lời nói cá nhân. Ngược lại, trong lời nói cá nhân vừa có phần biểu hiện của ngôn ngữ chung, vừa có những nét riêng. Hơn nữa, cá nhân có thể sáng tạo, góp phần làm biến đổi và phát triển ngôn ngữ chung.

4. Ví dụ:

Trong hai câu thơ dưới đây, từ “mặt trời” đã được tác giả sử dụng với nghĩa như thế nào?

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”

         (Viếng lăng Bác – Viễn Phương)

Trả lời:

- Hình ảnh “mặt trời” thứ nhất là hình ảnh thực mang nghĩa gốc, mặt trời của tự nhiên, vĩnh hằng đem ánh sáng cho trái đất.

- Từ “mặt trời” thứ hai được dùng với nghĩa chuyển bằng phương thức ẩn dụ mang ý nghĩa sau:

+ Ca ngợi vĩ đại, công lao to lớn của Bác Hồ với dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam.

+ Khẳng định sự bất tử của Bác

+ Hình ảnh mặt trời tượng trưng cho sự nhiệt huyết cách mạng, lòng yêu nước sâu sắc của Bác.

+ Thể hiện sự kính trọng, biết ơn vô hạn của toàn dân đối với Bác.

⇒ Lời nói cá nhân của tác giả.

(390) 1300 29/07/2022