Soạn Hạnh phúc một tang gia siêu ngắn
Câu 1 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
- Nhan đề kì lạ, giật gân, chứa đựng mâu thuẫn, nghịch lí: hạnh phúc >< tang gia.
+ Hạnh phúc: trạng thái tâm lí viên mãn, sung sướng khi đạt được điều gì đó mong chờ.
+ Tang gia: tang lễ tiễn đưa người mất về nơi an nghỉ, thường diễn ra trong đau khổ, mất mát, bi thương.
=> Nhan đề thể hiện thái độ mỉa mai, châm biếm trước một tấn bi hài kịch khốn nạn, đểu giả.
=> Đó cũng là tình huống trào phúng độc đáo của truyện: niềm hạnh phúc của những đứa con cháu bất hiếu khi cụ cố tổ nằm xuống.
Câu 2 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
- Cụ cố tổ chết, đại gia đình có niềm vui chung là: từ nay, cái di chúc của cụ sẽ đi vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viển vông nữa. Cụ chết, đám con cháu bất hiếu được chia chác khối tài sản khổng lồ cụ để lại.
- Những niềm vui riêng của mỗi người:
+ Cố Hồng: mãn nguyện vì giấc mơ được gọi là cụ cố, được khen ngợi vì sự già cả, lọm khọm của mình, cố Hồng mơ màng đến cái lúc mặc đồ tang được người đời chỉ trỏ Úi kìa, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa.
+ Vợ chồng Văn Minh: được dịp lăng xê những mẫu mới của tiệm may Âu hóa, một cơ hội quảng cáo kiếm tiền.
+ Cô Tuyết: có cơ hội chứng minh với người đời rằng mình chưa đánh mất cả chữ trinh bằng cách mặc bộ y phục Ngây thơ hở hang, gợi tình.
+ Cậu Tú Tân: sướng điên người vì được dịp trổ tài chụp ảnh cùng đám bạn hữu vô học.
+ Ông Phán mọc sừng: vui sướng cực điểm vì bất ngờ trước giá trị lớn lao của đôi sừng trên đầu đem lại, vội vã thanh toán cho Xuân và trù bị một cuộc doanh thương khác.
+ Xuân Tóc Đỏ: càng vênh váo, danh giá, uy tín vì tạo ra cái chết ai cũng mong chờ đó.
+ Hai cảnh sát Min Đơ, Min Toa hạnh phúc vì được thuê giữ trật tự cho đám ma giữa lúc đang thất nghiệp; những người đi đưa đám vui vẻ vì cơ hội chim chuột lẫn nhau.
Câu 3 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
Cảnh đám ma gương mẫu trong đoạn trích:
- Bề ngoài của đám ma: to tát, long trọng, linh đình như đám rước.
+ Hơn 300 người đi đưa, đám ma tổ chức linh đình hổ lốn theo cả 3 lối Ta, Tàu, Tây, có kiệu bát cống, lợn quay đi lọng, đến lốc bốc xoảng…
+ Đám ma ồn ào, đi đến đâu huyên náo đến đó; đám đông khổng lồ di chuyển theo quán tính với điệp khúc đám cứ đi khôi hài.
- Bản chất bên trong của đám ma: bất hiếu, bất nhân, bất nghĩa, đồi bại, thực dụng.
+ Lũ người đi đưa đám nói đủ thứ chuyện, coi việc đi đưa đám là cơ hội để tán tỉnh nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau.
+ Ai nấy đều vui vẻ, hạnh phúc, nếu có buồn thì đó chỉ là vì sơ suất của khổ chủ.
+ Đám người vô nhân tính, giả dối, đểu cáng, hoàn toàn vô cảm trước người chết.
Câu 4 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
- Xã hội thượng lưu thành thị đương thời có bản chất lố lăng, đồi bại, giả dối.
- Tác giả đã phản ánh điều đó với thái độ khinh bỉ tột cùng và phê phán mạnh mẽ.
Câu 5 (trang 128 SGK Ngữ văn 11 tập 1)
- Tình huống trào phúng đặc sắc
- Các chân dung trào phúng điển hình
- Các thủ pháp trào phúng hiệu quả như cường điệu, nói ngược, nói mỉa…