Phân tích Tình yêu và thù hận
1. Mở bài:
- Giới thiệu khái quát về Sếch-xpia: là người nghệ sĩ đã để lại được những ảnh hưởng sâu sắc cho các nghệ sĩ đời sau.
- Giới thiệu chung về đoạn trích Tình yêu và thù hận.
2. Thân bài:
a. Hình thức lời thoại
- 6 lời thoại đầu: lời độc thoại nội tâm bày tỏ nỗi lòng suy nghĩ của nhân vật. Họ nói về nhau chứ không nói với nhau: “Sự xuất hiện của nàng khiến ả Hằng Nga héo hon, nhợt nhạt”,...
- 10 lời thoại sau là lời đối thoại giữa 2 người. Những lời đối thoại ấy vẫn là lời trực tiếp thể hiện tình cảm.
- Ngôn ngữ sinh động, giàu biểu cảm.
b. Sự nảy nở tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét
- Tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét diễn ra trong bối cảnh hai dòng họ thù địch.
- Xuất hiện 3 lần trong lời thoại của Rô-mê-ô:
+ Từ nay, tôi sẽ không bao giờ còn là Rô-mê-ô nữa.
+ Tôi thù ghét cái tên tôi.
+ Chẳng phải Rô-mê-ô cũng chẳng phải Môn-ta-ghiu.
- Xuất hiện 4 lần trong lời thoại của Giu-li-et:
+ Chàng hãy khước từ cha chàng và từ chối dòng họ của chàng đi.
+ Chỉ có tên họ của chàng là thù địch của em thôi.
+ Nơi tử địa, họ mà bắt gặp anh.
+ Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây.
- Sự thù hận của hai dòng họ cứ ám ảnh cả hai người trong suốt cuộc gặp gỡ.
- Nỗi ám ảnh thù hận xuất hiện ở Juliet nhiều hơn. Nàng lo lắng day dứt không chỉ cho mình mà còn cả người yêu: “người nhà em bắt gặp nơi đây”, “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây”,....
- Thái độ Rô-mê-ô quyết liệt hơn, chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ mình để đến với tình yêu. Cái chàng sợ là sợ sẽ không có được, không chiếm được tình yêu của Juliet, sợ nàng nhìn mình bằng ánh mắt của sự thù hận ...
⟹ Cả hai đều nhắc đến thù hận song không phải để khơi dậy hay khoét sâu hận thù mà chỉ để vượt lên thù hận, bất chấp thù hận. Và họ quyết tâm xây đắp tình yêu.
c. Diễn biến tâm trạng của Rô-mê-ô và Giu-li-ét
* Diễn biến tâm trạng của Rô-mê-ô:
- Choáng váng trước vẻ đẹp trong trắng thánh thiện của nàng, thấy ngây ngất vì đã trúng mũi tên của thần Tình yêu.
- Chàng quyết định trở lại khu vườn nhà Juliet ngay trong đêm để nhìn nàng một lần nữa.
- Trước đôi mắt của những người đang yêu vẻ đẹp của người mình yêu là tuyệt vời hơn hết thảy: “Juliet như vầng dương đẹp tươi”, “sự xuất hiện của nàng khiến ả Hằng Nga héo hon, nhợt nhạt”, “đôi mắt nàng là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời”,.....
⇒ Nghệ thuật so sánh đặc sắc rất chân thành được lồng trong thứ ngôn ngữ của sự đắm say, của sự nồng nhiệt khi ngọn lửa tình yêu đang cháy rực.
- Rô-mê-ô bộc lộ lòng mình (độc thoại) bằng cảm xúc tha thiết say đắm: So sánh được đẩy lên cấp độ cao hơn bằng sự tự vấn “Nếu mắt nàng...thế nào nhỉ?”, “Kìa! Nàng tì má...gò má ấy!”
- Khi Juliet phát hiện ra và trò chuyện với chàng thì cảm xúc ấy trở nên mãnh liệt, bất chấp nguy hiểm là mối thù truyền kiếp của hai dòng họ.
- Chàng sẵn sàng từ bỏ dòng họ của mình để đến với tình yêu.
⇒ Tác giả đã thật tài tình khi miêu tả thành công đạt đến mức điển hình tâm trạng mãnh liệt của con người đang yêu.
* Diễn biến tâm trạng của Giu-li-ét:
- Qua lời độc thoại nội tâm:
+ Vừa gặp Rô-mê-ô, trở về phòng nghĩ đến chàng, điều đầu tiên làm nàng bận tâm là môi thù giữa hai nhà nhưng mối thù ấy không thể ngăn cản nổi tình yêu của nàng: “ Ôi, Rô-mê-ô”, “chàng Rô-mê-ô!”, “Sao chàng lại là Rô-mê-ô nhỉ?..... con cháu nhà Ca-piu-lét nữa”.
+ Đứng bên cửa sổ thổ lộ nỗi lòng của mình “Chàng hãy khước từ…hãy thề yêu em đi” “chỉ có tên họ chàng là thù địch của em thôi”.
=> Tình yêu mãnh liệt không chút che dấu, không chút ngượng ngùng.
- Qua lời đối thoại với Rô-mê-ô.
+ "Anh làm thế nào... và tới làm gì?" Câu hỏi để giải toả băn khoăn vì chưa thật tin vào tình yêu mới bất ngờ của chàng.
+ “Anh làm thế nào tới được chốn này..người nhà em bắt gặp nơi đây”. Thể hiện nỗi lo lắng giằng xé tâm can Giu-li-ét.
+ “Em chẳng đời nào muốn họ bắt gặp anh nơi đây” tế nhị chấp nhận tình yêu của Rô-mê-ô, trái tim nàng đã hoàn toàn hướng về Rô-mê-ô.
=> Ngôn ngữ sống động và đầy chất thơ thể hiện sâu sắc diễn biến nội tâm đầy phức tạp nhưng phù hợp với tâm trạng của người đang yêu. Thể hiện một tình yêu mãnh liệt trong trắng vượt lên trên hoàn cảnh éo le. Vấn đề “tình yêu và thù hận” đã được giải quyết.
3. Kết bài:
Cảm nhận chung về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích