Bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Trả lời câu hỏi bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận
(390) 1299 04/08/2022

HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 2 trang 161 sách giáo khoa Ngữ văn 12 tập 1 phần soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận chi tiết nhất.

Đề bài:

Viết một bài (hoặc một đoạn văn nghi luận có đề tài liên quan đến một vấn đề thời sự đang đặt ra một cách bức thiết trong đời sống (ví dụ: ô nhiễm môi trường; tai nạn giao thông; an toàn, vệ sinh thực phẩm; gia đình trong thời hiện đại….), trong đó nhất thiết phải vận dụng kết họp ít nhất một trong bốn phương thức biểu đạt: tự sự, miêu tả, biểu cảm, thuyết minh.

Trả lời bài 2 trang 161 SGK văn 12 tập 1

Để soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận lớp 12 kì 1 tối ưu nhất, HocOn247 tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 2 trang 161 trong phần nội dung Soạn văn 12 như sau:

Cách trả lời 1 - Nghị luận về vấn đề an toàn giao thông

An toàn giao thông đang là vấn đề rất lớn và cần thiết trong đời sống của mỗi người dân. Nhưng hiện nay, tai nạn giao thông vẫn xảy ra với con số gia tăng. Đó là hồi chuông cảnh tỉnh mọi người trong toàn xã hội phải thay đổi thái độ sống, thực hiện tốt an toàn giao thông. Vậy an toàn giao thông là gì và tác hại của nó ra sao?

An toàn giao thông là các hành vi văn hóa khi tham gia giao thông bao gồm việc chấp hành luật giao thông, phải có ý thức khi tham gia giao thông. An toàn giao thông còn là sự an toàn đối với người tham gia lưu thông trên các phương tiện đường bộ, hàng hải, hàng không, là sự chấp hành tốt các luật lệ về giao thông, cư xử phù hợp khi lưu thông trên các phương tiện giao thông. An toàn giao thông đang là vấn đề “nóng” luôn được sự quan tâm của xã hội.

Về thực trạng, hàng ngày hàng giờ trên cả nước có 33 -34 người chết và bị thương/ ngày. Trong số đó, có không ít các bạn học sinh, sinh viên là nạn nhân hoặc là thủ phạm gây ra các vụ tai nạn giao thông. Theo báo cáo của UỶ BAN AN TOÀN GIAO THÔNG vào năm 2007 có 14600 vụ tai nạn giao thông, làm chết 13200 người và bị thương 10500 người. Với số lượng vụ tai nạn giao thông khá cao, gây thiệt hại về mọi mặt như tính mạng, tài sản và chất lượng cuộc sống của mọi người, từ đó bản thân mỗi người trong xã hội cần thấy và nhận thức về An toàn giao thông là vô cùng quan trọng trong đời sống. Mỗi người trong xã hội cần thực tốt an toàn giao thông không chỉ vì lợi ích bản thân mà còn vì lợi ích của mọi người, của cộng đồng. Thực tốt An toàn giao thông là đi đôi với việc nâng cao chất lượng cuộc sống xây dựng cộng đồng văn minh, an toàn cho mỗi chúng ta.

Hiên nay, nguyên nhân gây tai nạn giao thông do ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế, thiếu hiểu biết và không chấp hành nghiêm chỉnh luật lệ giao thông (lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, không đội mũ bảo hiểm. . .). Thiếu hiểu biết về các quy định an toàn giao thông (lấy trộm ốc vít đường ray, chiếm dụng đường . . .). Sự hạn chế về cơ sở vật chất (chất lượng đường thấp, xe cộ không đảm bảo an toàn…).

Hậu quả của việc không thực hiện an toàn giao thông là rất lớn, ví thế mỗi chúng ta cần thực hiện tốt luật an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh an toàn khi lưu thông . Tham gia học tập luật giao thông đường bộ ở trường lớp. Ngoài ra, bản thân mỗi người phải tìm hiểu, nắm vững thêm các luật lệ và quy định đảm bảo an toàn giao thông. Chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn giao thông: không lạng lách, đánh võng trên đường đi, không đi xe máy khi chưa có bằng lái, không vượt đèn đỏ, đi đúng phần đường, dừng đỗ đúng quy định, khi rẽ ngang hoặc dừng phải quan sát cẩn thận và có tín hiệu báo hiệu cho người sau biết, đi chậm và quan sát cẩn thận khi qua ngã tư… Đi bộ sang đường đúng quy định, tham gia giúp đỡ người già yếu, người tàn tật và trẻ em qua đường đúng quy định. Thực hiện tuyên truyền luật giao thông: trao đổi với người thân trong gia đình, tham gia các hoạt động tuyên truyền xung kích về an toàn giao thông để góp phần phổ biến luật giao thông đến tất cả mọi người, tham gia các đội thanh niên tình nguyện đảm bảo an toàn giao thông…

An toàn giao thông không chỉ là vấn đề chung của xã hội mà còn cần sự đóng góp của mỗi cá nhân. Mồi chúng ta cần ý thức tốt khi lưu thông thì sẽ giảm thiểu số lượng tai nạn gây ra. Vấn đề an toàn giao thông đang được tuyên truyền rộng rãi qua báo đài, các trò chơi truyền hình …Ngay trong môi trường học đường vấn đề an toàn giao thông cũng được chú trọng, nâng cao ý thức trách nhiệm mỗi học sinh về việc chấp hành luật lệ giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy…Còn là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, bản thân em không chỉ học tập giáo dục tốt mà còn phài thực hiện tốt an toàn giao thông vì lợi ích của bản thân và của xã hội.

Tham khảo:  Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động giảm thiểu tai nạn giao thông

Cách trả lời 2 - Nghị luận về vấn đề ô nhiễm môi trường

Ngày nay, vấn đề ô nhiễm môi trường đã và đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn ở Việt Nam. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp những hình ảnh, những thông tin về việc môi trường bị ô nhiễm ngay trên các phương tiện truyền thông. Tình trạng này kéo dài sẽ gây ra tác hại khôn lường đến cuộc sống con người.

Tình trạng quy hoạch các khu đô thị chưa gắn với vấn đề xử lý chất thải, nước thải nên ô nhiễm môi trường ở các thành phố lớn, các khu công nghiệp, khu đô thị đang ở mức báo động. Trong tổng số 183 khu công nghiệp trong cả nước, có trên 60% khu công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Các đô thị chỉ có khoảng 60% – 70% chất thải rắn được thu gom, cơ sở hạ tầng thoát nước và xử lý nước thải, chất thải nên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường... Hầu hết lượng nước thải chưa được xử lý đều đổ thẳng ra sông, hồ và dự báo đến năm 2010 là 510.000m3/ngày. Ví dụ đau lòng của việc xả nước thải, hẳn không ai không biết, là trường hợp của con sông Thị Vải bị ô nhiễm bởi hoá chất thải ra từ nhà máy của công ti bột ngọt Vê Đan suốt 14 năm liền. Con sông bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới cuộc sống của nhiều người dân ở xung quanh. Hay việc ô nhiễm hồ Hoàn Kiếm, một biểu tượng của nền văn hoá dân tộc.

Vậy nguyên nhân của những sự việc trên là do đâu?

Đầu tiên, đó chính là sự thiếu ý thức nghiêm trọng của nhiều người dân mà đặc biệt là các bạn trẻ. Họ nghĩ rằng những việc mình làm là quá nhỏ bé, không đủ để làm hại môi trường. Hoặc cho rằng việc bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền mà không phải là của mình. Phá hoại môi trường của một người tuy chỉ ảnh hưởng nhỏ nhưng tập hợp nhiều người lại là lớn. Dù trách nhiệm bảo vệ môi trường là của tất cả mọi người.

Một nguyên nhân khác gây ra ô nhiễm môi trường chính là sự thiếu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Họ đặt nặng mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận, không ít doanh nghiệp đã vi phạm quy trình khai thác, khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Bên cạnh đó, chính sự chưa chặt chẽ trong việc quản lý bảo vệ môi trường của nhà nước cũng đã tiếp tay cho các hành vi phá hoại môi trường được tiếp diễn. Việt Nam thiếu những chính sách và quy định bảo vệ môi trường nghiêm ngặt và do đang thu hút mạnh các nguồn vốn đầu tư để phát triển nên dễ mắc vào "cạm bẫy": trở thành nơi tiếp nhận nhiều ngành công nghiệp "bẩn". Ví như, ngành cán thép làm tốn nhiều tài nguyên như đất, nước, năng lượng, thải ra những chất thải nguy hại cho môi trường. Ngoài ra, lượng xe cộ lưu thông ngày càng nhiều ở nước ta cũng góp phần không nhỏ vào việc gây ô nhiễm bầu không khí.

Điều này đã để lại hậu quả gì?

Nhiều người đã trở thành nạn nhân bất đắc dĩ của nạn ô nhiễm môi trường. Điển hình như "làng ung thư" Thạch Sơn ở Phú Thọ, hàng trăm người đã chết vì căn bệnh ung thư mà nguyên nhân là do dùng nguồn nước bị ô nhiễm thải ra Nhà máy Hóa chất Lâm Thao, Phú Thọ. Hàng năm có khoảng 16.000 người ở Việt Nam chết vì những căn bệnh liên quan tới ô nhiễm không khí. Dự báo trong những năm tới, con số này còn có thể tiếp tục gia tăng. Cạn kiệt tài nguyên sinh vật là một hậu quả khác không thể tránh được của ô nhiễm môi trường. Các rặng san hô ở cửa sông cũng như các vùng nước lợ biến mất dần. Hiện tượng thủy triều đỏ cũng đã xuất hiện ở nước ta từ tháng 6 đến trung tuần tháng 7 âm lịch tại vùng biển nam trung bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận. Hơn 30 km bãi biển từ Cà Ná đến Long Hương nhầy nhụa những bột báng màu xám đen dày cả tấc, trộn với xác chết của sinh vật tạo nên mùi hôi thối. Khối nhầy trong suốt bao quanh một số loài vi tảo biển là nguyên nhân làm cho nước biển đặc quánh như cháo. Ngoài ra, trong tương lai gần, Việt Nam có thể sẽ bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do lượng nước sạch bị ô nhiễm ngày một nhiều...

Lẽ nào ta lại nhắm mắt làm ngơ?

Không! Chúng ta cần phải tiếp tục công cuộc bảo vệ và làm sạch môi trường bằng những biện pháp tốt hơn, thiết thực hơn nữa! Thứ nhất, phải có các hình thức xử phạt thật nặng và nghiêm minh đối với các cá nhân, tổ chức, cơ quan có hành vi phá hoại môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Bên cạnh đó, cũng cần giáo dục ý thức cho người dân qua các hình thức tuyên truyền, cổ động như tổ chức những buổi giao lưu bàn về vấn đề môi trường tại các đơn vị hành chính cấp phường, xã... Đưa những bài viết chi tiết hơn về môi trường trong các sách giáo khoa ngay từ cấp tiểu học, giúp học sinh có thái độ và cái nhìn đúng đắn về môi trường và những hậu quả của việc phá hoại môi trường, từ đó giúp các em biết yêu và bảo vệ môi trường mình đang sống. Một cách khác để giúp bảo vệ môi trường phát động thường xuyên hơn những phong trào tình nguyện như bảo vệ môi trường khu dân cư, dọn rác ở các khu vực công cộng, làm sạch bãi biển...

Tình trạng môi trường ở Việt Nam tuy nghiêm trọng nhưng vẫn có thể cứu vãn nếu mỗi người dân biết góp sức của mình, chung tay bảo vệ môi trường. Vậy nên, chúng ta cần chung tay bảo vệ môi trường và tránh gây ô nhiễm. Vì tương lai một Việt Nam xanh, sạch, đẹp và vì cuộc sống của chính chúng ta cũng như của các thế hệ sau! Hãy bảo về môi trường để bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.

Tham khảo: Tuyển tập những bài văn về đề tài môi trường hay nhất

Cách trả lời 3 - Nghị luận về vấn đề thực phẩm bẩn

Xã hội ngày nay đang phát triển hội nhập công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các vấn đề phức tạp ngày càng bùng nổ không kiểm soát. Trong đó, nổi bật lên là vấn đề thực phẩm kém chất lượng đang tràn lan trong thị trường Việt Nam gây ra nhiều tác hại đáng buồn và những bệnh tật không đáng có.

Thực phẩm kém chất lượng hay gọi là thực phẩm bẩn đang tràn lan không chỉ ở Việt Nam mà còn ở tất cả các nước ở trên thế giới nó rất đa dạng và khó phát hiện. Thực phẩm bẩn là gì? Là những thực phẩm không sạch. Nào là thịt bò khô làm từ phổi heo và hóa chất, hay gạo tẩy trắng, thịt bò nhiễm khuẩn, thịt lợn ướp hóa chất tươi như thịt bò, rau phun thuốc kích thích sinh trưởng, rau giá ngâm thuốc nhanh nảy mầm… Quá nhiều vấn đề nhức nhối đang diễn ra, không kịp kiểm soát, ngày càng không thể quản lí hết được. Số liệu giám sát an toàn thực phẩm năm 2015 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cho thấy tỉ lệ đáng báo động. Cụ thể, 16% mẫu thịt phát hiện salmonella, 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng, 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực phẩm vượt mức, 1,01% mẫu thuỷ sản nhiễm dư lượng hóa chất. Thịt lợn, thịt gà nhiễm bệnh đang tràn lan khắp cả nước, từ chợ nhỏ đến các các chợ lớn, từ vùng quê đến thành phố.

Dẫn đến thực trạng phức tạp đó, là do các cơ sở và người buôn bán muốn thu lợi nhuận nhanh và cao. Thu mua những đồ rẻ rồi bán giá cao, mặc dù đã hiểu rất rõ những nguy cơ tiềm ẩn nhưng vẫn bất chấp bỏ qua. Hàng tấn thịt lợn chết đáng ra phải đem tiêu hủy thì lại được thu mua, sau một đêm thành những miếng thịt thơm ngon bày bán ở khắp các chợ, giá cả cực kì phải chăng. Người tiêu dùng kém hiểu biết, thấy rẻ là ào nhau vào mua, có khi biết đấy là đồ không tốt nhưng vẫn ham rẻ rồi nghĩ là mua về chế biến nóng lên là hết vi khuẩn. Không nghĩ đến các hậu quả khó lường cho bản thân và gia đình mình. Chọn những sản phẩm không có nguồn gốc, nhãn mác, hay cơ sở sản xuất và giá thành chỉ bằng một nửa của các sản phẩm uy tín. Một lí do quan trọng khác là do các cơ quan tổ chức quản lí nhắm mắt bỏ qua, kiểm tra qua loa, một là vì người nhà hoặc là quen biết, biết họ vi phạm nhưng vẫn coi như không có gì. Có trường hợp thì xử phạt tiền rồi mặc họ làm gì thì làm, có nhiều trường hợp tổ chức còn cấu kết với các hành vi phạm pháp đó để thu lợi. Từng người dân, lợn mắc bệnh chết, biết là không tốt nhưng vẫn mổ đem ra chợ bán thu lại vốn, một lí do nhỏ là vì đồng tiền cuộc sống mà bỏ qua sức khỏe, bỏ qua những nguy hại cho xã hội.

Thực phẩm bẩn khi sử dụng quá lâu sẽ gây ra nhiễm độc tiềm ẩn, có thể có người ăn một lần đã nhiễm độc luôn, có người sau một thời gian không biết trước sẽ có ung thư, các rối loạn chức năng không rõ nguyên nhân, gây vô sinh, và chính những hóa chất độc hại gây ra quái thai. Nó gây ra các bệnh mãn tính, là bệnh mắc phải, có biểu hiện phát bệnh lặp lại thường xuyên hoặc theo chu kì, hậu quả của nhiễm độc tiềm ẩn gây bệnh khó hoặc không chữa khỏi được. Thực phẩm bẩn khiến con người giảm tuổi thọ nhanh hơn. Theo nghiên cứu, sử dụng thường xuyên thực phẩm không an toàn có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh hiểm nghèo. Gây ung thư vòm họng do lối ăn uống sử dụng các đồ ăn lên men hay thực phẩm nấm mốc. Sử dụng thực phẩm tươi sống như thịt lợn, gà… có chứa thuốc bảo quản hay ngâm ủ lâu ngày, dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến tim mạch, run chân tay, giảm hồng cầu. Tồi tệ hơn nữa khi lượng thuốc tích trữ ngày càng nhiều sẽ tác động đến hệ thần kinh, đau đầu, mất ngủ. Các chất hóa học được dùng trong chăn nuôi, tẩy trắng thực phẩm rất nguy hại đến đường tiêu hóa, viêm loét thành ruột đến dạ dày. Nguy hiểm hơn là làm tổn thương đến các mao mạch. Thực phẩm bẩn mọi người thường hay ăn như nem chua, xúc xích… Chất phụ gia, là nguyên nhân khiến bạn mắc các bệnh trực tràng, gây ung thư. Hậu quả nghiêm trọng nhất là gây tử vong, gây sự đau thương mất mát cho nhiều gia đình.

Để giảm thiểu những hậu quả đau buồn đó, không chỉ riêng nhà nước mà từng cá nhân cần chung tay bảo vệ chính bản thân mình. Các tổ chức và cơ quan nên vào cuộc xử phạt nghiêm khắc các hành vi phạm luật và tịch thu hay đóng cửa các cơ quan có dấu hiệu buôn bán thực phẩm bẩn. Tuyên truyền cho người dân am hiểu về vấn đề thực phẩm bẩn và các tác hại của nó. Từng người tiêu dùng mua các sản phẩm tươi, có nguồn gốc xuất xứ cụ thể, có tem nhãn mác đoàng hoàng và có sự kiểm định của thực phẩm sạch. Và tìm mua ở những nơi uy tín, có thương hiệu đoàng hoàng. Nhà nước nên hợp tác và tìm nhiều nguồn thực phẩm sạch hợp lí để cung cấp cho người dân. Mỗi người mua hàng cẩn thận lựa chọn thật tinh ý, không ham rẻ để mua, vì sức khoẻ của bạn và gia đình là trên hết.

Vấn đề thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội, nó là vấn đề cấp bách cần được vào cuộc khẩn cấp. Mỗi người hãy là những người tiêu dùng thông thái để bảo vệ chính mình và những người xung quanh. Chung tay tẩy chay hàng kém chất lượng để chúng không có đất tồn tại, xây dựng một cuộc sống mạnh khỏe.

Tham khảo: Nghị luận xã hội về vấn đề thực phẩm bẩn

***

Bài 2 trang 161 SGK Ngữ văn 12 tập 1 được hướng dẫn trả lời và trình bày theo các cách khác nhau. Hãy vận dụng kết hợp với kiến thức của bản thân em để có những lựa chọn trình bày tối ưu nhất, dễ hiểu nhất khi soạn bài Luyện tập vận dụng kết hợp các phương thức biểu đạt trong bài văn nghị luận nhé.


(390) 1299 04/08/2022