Bài 3 trang 215 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Trả lời câu hỏi bài 3 trang 215 SGK Ngữ văn lớp 12 tập 1 phần hướng dẫn soạn bài Ôn tập phần văn học kì 1
(394) 1313 04/08/2022

HocOn247 hướng dẫn trả lời câu hỏi bài 3 trang 215 sách giáo khoa Ngữ văn 12 phần soạn bài Ôn tập phần văn học kì 1 của Nguyễn Tuân chi tiết nhất.

Đề bài:

Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh? Chứng minh mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người.

Trả lời bài 3 trang 215 SGK Ngữ văn 12 tập 1

Để soạn bài Ôn tập phần văn học lớp 12 kì 1 lớp 12 tối ưu nhất, HocOn247 tổng hợp nhiều cách trả lời khác nhau cho nội dung câu hỏi bài 3 trang 215 trong phần nội dung Soạn văn 12 như sau:

Cách trả lời 1

* Quan điểm sáng tác văn học nghệ thuật của Hồ Chí Minh:

– Hồ Chí Minh coi văn học là một vũ khí chiến đấu lợi hại phụng sự cho sự nghiệp cách mạng: mỗi nhà văn là một nhà chiến sĩ.

– Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn học

+ Nhà văn phải miêu tả cho hay, cho chân thật, hùng hồn, hiện thực phong phú của đời sống và phải giữ tình cảm chân thật.

+ Nhà văn phải có ý thức đề cao tinh thâng, cốt cách trong dân tộc mình.

+ Nhà văn phải tìm tòi sáng tạo.

– Khi cầm bút bao giờ Bác cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm.

+ Khi cầm bút người tự đặt câu hỏi, viết cho ai? Viết để làm gì? Sau đó mới quyết định viết cái gì, xác định nội dung, viết như thế nào?

* Ý nghĩa: Quan điểm sáng tác trên đã chi phối đặc điểm sự nghiệp văn học của Bác có tư tưởng sâu sắc, có hình thức biểu hiện sinh động, đa dạng.

Cách trả lời 2

a. Quan điểm sáng tác của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

-   Hồ Chí Minh coi nghệ thuật là thứ vũ khí chiến đấu phụng sự cho sự nghiệp cách mạng. Quan điểm này bộc lộ rõ trong bài thơ có ý nghĩa tuyên ngôn nghệ thuật:

 “Nay ở trong thơ nên có thép

   Nhà thơ cũng phải biết xung phong"

(Cảm tưởng khi đọc "Thiên gia thi")

-   Sau này trong Thư gửi họa sĩ nhân dịp triển lãm hội hoạ năm 1951, Người lại khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy".

-   Hồ Chí Minh luôn chú trọng tính chân thật và tính dân tộc của văn chương, Người coi tính chân thật như một thước đo giá trị của văn chương nghệ thuật. Người nhắc nhở người nghệ sĩ “nên chú ý phát huy cốt cách dân tộc và đề cao sự sáng tạo, chớ gò bó họ vào khuôn mẫu làm mất vẻ sáng tạo".

-    Khi cầm bút, Hồ Chí Minh bao giờ cũng xuất phát từ mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức của tác phẩm văn học. Người luôn tự đặt câu hỏi: “Viết cho ai?" (đối tượng), “viết để làm gì?" (mục đích), “viết cái gì?" (nội dung), và “viết như thế nào?" (hình thức). Chính vì chú ý một cách toàn diện từ đối tượng tiếp nhận, mục đích sáng tác đến nội dung, hình thức của tác phẩm nên sáng tác của người chẳng những có tư tưởng sâu sắc, nội dung thiết thực mà còn có hình thức nghệ thuật sinh động, phong phú, đa dạng.

b. Mối quan hệ có tính chất nhất quán giữa quan điểm sáng tác của Hồ Chí Minh với sự nghiệp văn học của Người.

- Hồ Chí Minh luôn coi văn học là một vũ khí lợi hại phục vụ sự nghiệp cách mạng. Quan điểm đó đã tạo nên sự nhất quán giữa quan điểm sáng tác với sự nghiệp văn học của Người.

Ví dụ: truyện ngắn Vi hành được Người sáng tác vào đầu năm 1923 nhằm vạch trần bộ mặt của tên vua bù nhìn Khải Định trong chuyến sang Pháp nhục nhã của hắn vào năm 1922 để dự cuộc đấu xảo thuộc địa ở Mác-xây. Lấy cuộc tố cáo lật tẩy tính chất bù nhìn, tay sai dơ dáy của nhân vật nói trên làm mục đích, cho nên tinh thần châm biếm, đả kích đã trở thành linh hồn của tác phẩm. Tinh thần ấy thấm vào toàn bộ tác phẩm (từ giọng văn khắc họa hình tượng nhân vật, đến mọi chi tiết của tác phẩm).

Tác phẩm được viết ra nhằm tới mục đích hướng tới độc giả Pháp và những người biết tiếng Pháp, cho nên được viết bằng bút pháp phương Tây hiện đại.

Cách trả lời 3

* Quan điểm sáng tác của Bác

Coi văn học là vũ khí chiến đấu phục vụ cho sự nghiệp CM. Nhà văn cũng là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng.

Chú trọng tính chân thật và tính dân tộc trong văn học: nhà văn phải miêu tả cho hay, cho chân thật và cho hùng hồn hiện tượng phong phú của đời sống và phải giữ cho tình cảm chân thật; đề cao sự sáng tạo của người nghệ sĩ, chú ý phát huy cốt cách dân tộc và có ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Luôn xác định mục đích, đối tượng tiếp nhận để quyết định nội dung và hình thức tác phẩm (viết cho ai? viết làm gì? viết cái gì? viết như thế nào?)

* Quan điểm và sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh có sự nhất quát với nhau

Các sáng tác của Người dù là thể loại nào cũng rất giàu tính chiến đấu. Từ truyện ngắn, các tác phẩm kí đến văn chính luận và thơ. Chẳng hạn, trong văn bản chính luận Tuyên ngôn độc lập ý chí chiến đấu của người chiến sĩ được thế hiện qua lòng quyết tâm của toàn thể nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống lại kẻ thù "Toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy". Hoặc trong các tác phẩm thơ, văn học của Người như một thứ vũ khí sắc bén để chống lại cảnh tù đày, sống tự do, phóng khoáng với tâm hồn mình "Thân thể ở trong lao/Tinh thần ở ngoài lao/Muốn lên sự nghiệp lớn/Tinh thần phải càng cao".

Tính chân thực và tính dân tộc trong các sáng tác của Hồ Chí Minh chính là những sự kiện trong đời sống hiện thực. Vi hành viết về chuyến viếng thăm của vua Khải Định ở Pháp, Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến viết khi thực dân Pháp lăm le muốn quay lại cướp nước ta lần nữa, Tức cảnh Pác Bó là khoảng thời gian thiếu thốn, vất vả khi Bác sống và làm việc tại chiến khu Việt Bắc. Hiện thực được nhắc tới trong sáng tác của Bác không chỉ dừng lại ở việc tái hiện một cách đơn thuần, mà quan trọng là nó hiện lên trong sự sáng tạo về hình ảnh, ngôn ngữ và cái tinh thần cuả một người chiến sĩ trong đó.

Luôn xuất phát từ mục đích, đối tượng để quyết định đến nội dung và hình thức của tác phẩm chính là yếu tố cuối cùng trong mối quan hệ nhất quán giữa quan điểm và sự nghiệp sáng tác của Hồ Chí Minh. Với các áng văn chính luận, mục đích của Người là vạch trần tội ác, kêu gọi sức mạnh của tập thể còn đối tượng là nhân dân, kẻ thù và những người dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nên Người viết với một lối văn chính luận sắc sảo, chặt chẽ, dẫn chứng xác thực, giọng điệu đanh thép và giàu tính luận chiến (Tuyên ngôn độc lập, Bản án chế độ thực dân Pháp, ...). Với thơ tuyên truyền hướng tới những người dân lao động với mục đích tuyên truyền, khích lệ tinh thần nên Bác viết về những thứ rất đơn giản, bình dị bằng ngôn ngữ gần gũi, dễ hiểu (Ca sợi chỉ, ca binh lính,...)

Tham khảo: Phân tích quan điểm sáng tác văn học của Hồ Chí Minh

-/-

Trên đây là nội dung trả lời câu hỏi bài 3 trang 215 SGK ngữ văn 12 tập 1 được trình bày theo nhiều cách khác nhau do HocOn247 tổng hợp và biên soạn giúp các em tham khảo để soạn bài Ôn tập phần văn học lớp 12 kì 1 tốt hơn trước khi đến lớp.

Chúc các em học tốt !


(394) 1313 04/08/2022