Bài viết chi tiết Bài làm văn số 1

Tổng hợp 4 bài viết chi tiết bài làm văn số 1 – văn thuyết minh hay nhất
(395) 1318 29/07/2022

Đề 1: Cây lúa trong đời sống Việt Nam

Bài làm

       Nhắc tới Việt Nam, người ta thường nghĩ tới những danh lam thắng cảnh như vịnh Hạ Long, hồ Hoàn Kiếm với truyền thuyết trả gươm thần hay những món hàng đặc trưng như lụa tơ tằm, nón Bài thơ. Nhưng đặc biệt, điều mà du khách nước ngoài tới Việt Nam cảm thấy thú vị hơn cả là thú vui ẩm thực: phở, bún chả, hay bánh chưng, bánh giầy vào dịp Tết. Dễ dàng nhận ra rằng những món ăn đó được làm từ gạo. Thứ hạt trắng đó là sản phẩm của cây lúa - một loại cây không thể thiếu trong đời sống con người Việt Nam.

       Để có được cây lúa, những người nông dân đã vất vả lao động từng ngày: từ gieo mạ, cấy mạ rồi chăm sóc, vun xới cho cây. Lúa được trồng ở những vùng đồng bằng châu thổ, nơi có phù sa bồi đắp. Cũng như đồng bằng Bắc Bộ, đồng bằng sông Cửu Long là một vựa lúa lớn của Việt Nam. Tuy nhiên, không chỉ có ở đồng bằng, cây lúa còn được trồng trên vùng cao với những ruộng bậc thang xanh mướt. Lúa thích nghi đặc biệt với khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam theo hai mùa: mùa mưa và mùa khô. Phần lớn những người nông dân còn phụ thuộc vào cây lúa. Đây là một hình thức sản xuất nông nghiệp phổ biến và dễ thấy ở Việt Nam. Cây lúa đã đưa Việt Nam từ nước đói kém sau chiến tranh thành một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đứng thứ hai trên thế giới. Mặc dù là cây nông nghiệp nhưng không thể thiếu những cây đó trong đời sống người Việt Nam.

       Câu hỏi đặt ra ở đây là: Tại sao cây lúa lại có một vai trò quan trọng trong đời sống Việt Nam đến như vậy? Có thể thấy rằng, từ khi sinh ra, con người đã gắn bó với cây lúa và hạt gạo. Cây lúa không những là cây nông nghiệp mà còn là một loại cây lương thực cung cấp thực phẩm chủ yếu cho con người. Đôi khi người ta thấy rằng con người ăn cơm lâu, muốn thay đổi hương vị, đã tìm đến những quán phở, hàng bún. Đó là một cách thay đổi khẩu vị hay đúng hơn là gạo đã dược biến tấu bằng một cách chế biến khác. Hay ở những vùng thôn quê, thậm chí là ở thành thị, người ta vẫn thường quen với tiếng rao quà: Ai bánh chưng, bánh nếp, bánh giầy, bánh khoai nào!

       Thật quen thuộc mà cũng rất giản dị. Những thứ bánh thơm dẻo đó cũng được làm ra từ hạt gạo. Đặc biệt hơn là gạo nếp. Lúa làm ra gạo. Cũng thật độc đáo, gạo lại được chế biến thành muôn kiểu món ăn, phục vụ cho nhu cầu ăn uống của người dân Việt Nam.

       Chúng ta biết rằng, khi lúa chín trĩu bông, người ta gặt về, đem tuốt lúa. Và sau đó có được gạo và một thứ vỏ ngoài màu vàng nhạt. Đó chính là vỏ trấu. Bước chân đi tới những miền quê Việt Nam ngày nay vẫn còn thấy những gian bếp nhỏ đun vỏ trấu, vỏ trấu cũng rất hữu dụng trong việc làm thức ăn cho gia cầm và dùng trong lò ấp trứng. Phần cây lúa sau khi đã gặt xong không phải là thừa. Nó được phơi khô, chất thành những đống rơm cao ngất. Rơm cũng được dùng làm chất đốt ở những vùng nông thôn. Ngoài ra, rơm còn được dùng để trồng nấm làm thực phẩm cho người dân Việt Nam. Đặc biệt, người ta còn dùng rơm để lợp mái nhà, rất tiện dụng và tiết kiệm.

       Như vậy, cây lúa đã trở thành một loại cây gắn bó thân thiết với người dân Việt Nam: trong lao động sản xuất, trong đời sống, nhất là những nhu cầu sinh hoạt hàng ngày. Không những vậy, cây lúa còn mang một giá trị văn hoá tinh thần sâu sắc.

       Giữ một vị trí quan trọng như vậy nên khi nhắc tới Việt Nam, người ta nhắc tới một nền văn minh lúa nước. Cây lúa đã đi vào lịch sử dân tộc của Việt Nam, trở thành một đặc trưng cho văn hoá Việt. Một nét đặc trưng mà có lẽ khó có thể mất đi hay phai mờ. Cây lúa đã đứng lên, đã hội nhập quốc tế bằng chính chất và lượng của nó. Người ta đã biết tới một Việt Nam không chỉ là một nước anh dũng kiên cường trong đấu tranh mà còn là một dân tộc kiên trì cần mẫn trong lao động sản xuất. Và giờ đây họ nhìn vào con số gạo xuất khẩu: hàng triệu tấn một năm của Việt Nam để đánh giá và đưa ra nhận xét. Không những thế, cây lúa còn giữ một vai trò không thể thiếu trong những lễ vật dâng lên tổ tiên. Những món ăn thơm thảo đó thể hiện rất rõ nét ẩm thực cũng như tính cách của người Việt. Nó thể hiện sự hiếu lễ kính trọng của con cháu đối với những người đi trước. Đặc biệt là trong những dịp Tết Nguyên Đán, những chiếc bánh chưng, bánh giầy không báo giờ thiếu trên mâm cỗ của từng nhà. Trung thu với bánh dẻo, bánh nướng làm cho đêm đón trăng của trẻ em càng thêm rộn ràng... Từ cây lúa, những thức quà ngon đã được làm ra ngày càng gắn bó, thân thiết với người dân Việt Nam.

       Cây lúa là biểu tượng Việt Nam, là loại cây không thể thiếu trong đời sống văn hoá Việt, cả ẩm thực và lễ hội. Có lẽ vì vậy, cây lúa cũng đã trở thành đề tài sáng tác cho nhiều nhà thơ, nhà văn. Trần Đăng Khoa đã có một bài thơ được phổ nhạc thành bài hát (Hạt gạo làng ta):

Hạt gạo làng ta

Có vị phù sa

Của sông Kinh Thầy

Có hương sen thơm

Trong hổ nước đầy

Có lời mẹ hát

Ngọt bùi hôm nay...

       Trần Đăng Khoa đã rất tinh tế khi viết về hạt gạo trắng thơm. Để có lúa, có gạo là công sức của biết bao con người, là sự hoà quyện của biết bao hương vị: vị phù sa, hương sen thơm, lời mẹ hát... Những lời ca trong trẻo của bài hát ấy cứ ngân lên, thể hiện tính cách của con người Việt Nam: tuy sống vất vả nhưng cần mẫn với lúa gạo.

       Và hơn thế, cây lúa còn làm tăng vẻ đẹp quê hương đất nước:

Đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát

Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông.

       Câu ca dao đã khắc hoạ một Việt Nam tươi đẹp và đầy sức sống với màu xanh mênh mông bát ngát của lúa. Những đồng lúa thẳng cánh cò bay đã in sâu trong tâm trí của những người con xa quê.

       Cây lúa vốn đã thân thiết nay càng gắn bó hơn. Có thể nói rằng nó không thể thiếu trong đời sống con người Việt Nam, cả về vật chất cũng như tinh thần. Nó làm con người thoải mái và vui vẻ hơn sau ngày lao động mệt nhọc với bát cơm thơm thảo. Mỗi khi bưng bát cơm thơm, được nấu từ những hạt gạo trắng ngần, lòng ta lại bâng khuâng nghĩ đến quê hương, nghĩ đến những con người đã từng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để làm ra hạt gạo.

       Nếu được chọn lựa, có lẽ tất cả chúng ta sẽ vẫn chọn cây lúa là cây lương thực chính, là biểu tượng của nền văn minh, văn hoá cho vẻ đẹp Việt Nam.

Đề 2: Cây chuối ở quê em (trang 42 SGK Ngữ văn 9, tập 1) 

Bài làm

        Đất nước Việt Nam ta được thiên nhiên ban tặng cho rất nhiều loại trái cây thơm ngon. Mỗi loài mang một hương vị khác nhau, một hình dáng khác nhau. Và có lẽ về sự dẻo thơm thì chuối là loại quả thơm ngon nhất trong số tất cả các loại hoa quả. Ngoài ra, cây chuối còn rất nhiều tác dụng trong đời sống Việt Nam.

       Chuối được trồng nhiều ở nông thôn và rất ưa nước nên người ta thường trồng bên ao để chuối nhanh tươi tốt; còn ở rừng, bên những khe suối hay thung lũng, chuối mọc thành rừng bạt ngàn, vô tận. Chuối phát triển rất nhanh. Chuối có gốc tròn như quả bóng, lớn dần theo thời gian, có rễ chùm nằm dưới mặt đất. Thân chuối thuôn, thẳng, có màu xanh rì là do từng lớp lá mọc đè lên nhau thành từng lớp, từng lớp, bao trùm cái ruột rỗng bên trong. Lá chuối mọc thành từng tàu, to bản. Mỗi cây chuối đều cho một buồng chuối. Có buồng chuối trăm quả và nhiều hơn thế. Không thiếu những buồng chuối dài từ ngọn cầy uốn trĩu xuống tận gốc cây. Chuối chặt theo nải. Quả chuối có nhiều hình dạng tuỳ thuộc vào từng loại khác nhau. Ví dụ: chuối ta có dáng thuôn dài, vỏ xanh; còn chuối tiêu quả căng tròn, vỏ mỏng, thịt dày, vỏ vàng. Ngoài ra còn có chuối hương, chuối ngự. chuối sứ, chuối mường...

      Trong đời sống vật chất của con người Việt Nam thì chuối là một loài cây hữu dụng từ thân đến lá, từ gốc đến hoa, quả. Thân chuối rỗng nên người xưa hay dùng thay phao, ngoài ra còn làm thức ăn cho gia súc. Lá chuối tươi rửa sạch dùng để gói xôi, bánh giầy, bánh cốm, bánh chưng... và một trò chơi dân gian mà trẻ con hay chơi là cưỡi ngựa. Lá chuối khô cũng dùng để gói bánh gai hay cuộn chặt thay nút chai khá tốt. Bắp chuối thì chẻ ngọn nhỏ làm nộm, tương tự với nõn chuối làm rau sống hay ăn kèm với bún ốc, bún riêu. Trái chuối xanh hay được nấu cùng các thức ăn có vị tanh như ốc, lươn... vừa khử tanh lại vừa làm cho món ăn thêm ngon, thêm đa dạng. Trái chuối chín là một thức quả được nhiều người ưa chuộng.

      Cây chuối cho ta thật nhiều công dụng, không chỉ trong đời sống vật chất mà còn ở đời sống tinh thần: cây chuối là biểu tượng cho làng quê Việt Nam. Nải chuối chín không thể thiếu trong các mâm cúng trời, đất, tổ tiên. Cây chuối gắn liền với cuộc sống nông thôn, với đất nước, dân tộc ta. Cây chuối cũng gợi nhớ về tuổi thơ êm đềm, giàu màu sắc của những trẻ em nông thông Việt Nam.

        Cây chuối gắn bó từ bao đời nay và đã dâng hiến tất cả cho con người Việt Nam, từ đời sống vật chất cho tới đời sống tinh thần. Cây chuối là niềm tự hào không chỉ của thiên nhiên, của đất mẹ mà còn của nông dân Việt Nam; bởi vậy mà thức cây giản dị này sẽ mãi là hình ảnh đẹp trong lòng mọi người.

Đề 3: Một loài vật nuôi ở quê em (Thuyết minh về con trâu)

Bài làm

Trên đồng cạn dưới đồng sâu

Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.

       Bao đời nay, hình ảnh con trâu đã trở nên gắn bó với người nông dân Việt Nam. Trâu Việt Nam là trâu rừng thuần háa, thuộc nhóm trâu đầm lầy và thường sống ở miền khí hậu nhiệt đới. Thân hình vạm vỡ nhưng thấp, ngắn. Bụng to. Da dày màu xám đen nhưng vẫn tạo cảm giác mượt bởi bên ngoài được phủ một lớp lông mềm. Điều đặc biệt ở trâu mà không thể không nhắc đến đó là trâu thuộc họ nhai lại.

       Quanh năm suốt tháng, trâu cùng người chăm lo việc đồng áng vì vậy người nông dân coi trâu như người bạn thân thiết nhất của mình. Trâu to khỏe, vạm vỡ lại chăm chỉ cần cù chịu thương chịu khó nên thường gánh vác những công việc nặng nhọc của nhà nông. Từ sáng sớm tinh mơ, khi mặt trời còn ngái ngủ, trâu đã cùng người ở “trên đồng cạn” rồi lại xuống “dưới đồng sâu”, cho đến khi ông mặt trời mệt mỏi sau một ngày làm việc, chuẩn bị đi ngủ trâu vẫn miệt mài bên luống cày. Nhựa sống căng tràn trong từng bước đi vững chắc nhưng chậm chạp của trâu.

       Trâu là nguồn cung cấp sức kéo quan trọng. Lực kéo trung bình của trâu trên đồng ruộng là 70 - 75kg, tương đương 0,36 - 0,1 mã lực. Trâu loại A một ngày cày được 3 - 4 sào Bắc Bộ, loại B khoảng 2 - 3 sào và loại C khoảng 1,5- 2 sào. Trâu còn được dùng để kéo đồ, chở hàng. Trên đường xấu, trâu có thể kéo với tải trọng là 400 - 500 kg, đường tốt là 700 - 800 kg, còn trên đường nhựa với bánh xe hơi thì tải trọng có thể lên đến 1 tấn. Trên đường đồi núi, trâu kéo từ 0,5 – 1m khối gỗ trên quãng đường 3 - 5km. Khỏe như vậy nhưng bữa ăn của trâu rất giản dị, chỉ là rơm hoặc cỏ.

       Trâu cũng là một trong những nguồn cung cấp thực phẩm cho con người. Thịt trâu có hàm lượng đạm khá cao, hàm lượng chất béo thấp. Sữa trâu có tính năng cao trong việc cung cấp chất đạm, chất béo. Da trâu làm mặt trống, làm giày. Sừng trâu làm đồ mĩ nghệ như lược, tù và…

       Không chỉ góp phần quan trọng trong đời sống vật chất của người dân, trâu còn có mặt trong đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Từ xa xưa, trâu hay còn gọi là ngưu, sửu đã có mặt trong 12 con giáp. Con trâu trở thành con vật gắn liền với tuổi tác của con người. Người mang tuổi trâu thường chăm chỉ, cần cù, thậm chí vất vả. Trong đời sống văn hóa tinh thần, trâu còn là con vật thiêng dùng để tế lễ thần linh trong ngày lề hội cơm mới, lễ hội xuống đồng.

       Trâu còn gắn liền với những lễ hội đình đám như lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn – Hải Phòng. Những chú trâu được chăm sóc, luyện tập rất chu đáo. Con nào con nấy vạm vỡ, sừng cong như hình vòng cung, nhọn hoắt, da bóng loáng, mắt trắng, tròng đỏ chỉ chờ vào sân đấu. Trong tiếng trống giục giã, trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người hai con trâu lao vào nhau mà húc, mà chọi. Ngoài ra, chúng ta còn có lễ hội đâm trâu. Đây là phong tục tập quán của một số dân tộc ở Tây Nguyên. Con trâu bị giết được đem xẻ thịt chia đều cho các gia đình trong buôn làng cùng liên hoan mừng một vụ mùa bội thu.

       Hình ảnh con trâu còn in đậm trong kí ức của những đứa trẻ vùng quê. Chắc không ai quên Đinh Bộ Lĩnh, người làm nên kì tích thống lĩnh 12 sứ quân, đã có một tuổi thơ gắn bó với chú trâu trong trò đánh trận giả hay trò đua trâu đầy kịch tính. Chắc mỗi chúng ta đều có lần bắt gặp những hình ảnh rất đặc trưng, rất nên thơ của làng quê Việt Nam, đó là hình ảnh chú bé mục đồng ngồi vắt vẻo trên lưng trâu đọc sách hay hình ảnh các chú bé đang ngồi trên lưng trâu nghiêng nghiêng cái đầu trái đào với cây sáo trúc... Những hình ảnh tuyệt vời đó đã trở thành nguồn cảm hứng cho những nghệ nhân làng tranh Đông Hồ và cũng là nguồn cảm hứng cho các tác giả dân gian: 

Trâu ơi ta bảo trâu này

Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta.

Cấy cày vốn nghiệp nông gia

Ta đây trâu đấy ai mà quản công.

Bao giờ cây lúa còn bông

Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.

       Trong những năm gần đây, chú trâu đã vượt ra khỏi lũy tre làng, tham gia vào các hoạt động văn hóa thể thao. Với hình ảnh “trâu vàng” trong SEA GAMES 22, trâu không chỉ là giống vật nuôi quen thuộc của người nông dân Việt Nam mà đã trở thành hình ảnh thú vị đối với bạn bè quốc tế. Con trâu đã trở thành biểu tượng cho sự trung thực, cho sức mạnh và tinh thần thượng võ. Từ hình ảnh chú trâu vàng, các sản phẩm trâu tập võ, trâu chạy maratong, trâu đội nón... rất ngộ nghĩnh, độc đáo đã ra đời. Ngày nay, nhiều loại máy móc hiện đại đã xuất hiện trên cánh đồng làng Việt Nam nhưng con trâu vẫn là con vật không thể thiếu đối với người nông dân. Hình ảnh con trâu cần cù, chung thủy mãi mãi in sâu trong trái tim mỗi người dân Việt Nam.

Đề 4: Thuyết minh về một danh lam thắng cảnh hoặc di tích của quê hương em. (Vịnh Hạ Long)

Bài làm

       Trên đất nước cong cong hình chữ S này có biết bao danh lam thắng cảnh hội tụ để cất lên câu hát yêu thương, để suy tưởng nguồn cội, để gợi nhớ lịch sử hào hùng. Đó là những địa danh quen thuộc đã nằm sâu trong tâm trí người Việt như Hồ Hoàn Kiếm, Văn Miếu, Bến Nhà Rồng... Nhưng có một nơi rất nổi tiếng ở quê hương tôi đó là Vịnh Hạ Long ở Quảng Ninh.

       Vịnh Hạ Long là một tuyệt tác đã có từ rất lâu do thiên nhiên tạo thành. Vịnh có rất nhiều hang động, trong các hang động lại có động nước và động khô. Bên trong những hang động ấy xuất hiện nhiều đá vôi. Ngoài ra, Vịnh còn giàu có bởi số lượng lớn các đảo và cồn đá. Để đi ra được những hang động đó bạn cần phải đi xuồng hoặc đi bằng thuyền. Mặt nước ở Vịnh Hạ Long đầy chất thơ, những làn sóng nhẹ nhàng vỗ vào bờ kết hợp với sắc xanh trong mát tạo nên một khung cảnh thơ mộng khi bạn. Chiều về, bạn có thể thấy hoàng hôn từ phía xa chiếu lên mặt nước như đang có đến tận hai mặt trời. chính vì những nét kì thú đó mà Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.

       Chính vì vẻ đẹp hoàn toàn tự nhiên, không chút đẽo gọt của bàn tay con người mà Vịnh Hạ Long có sức hút lạ kì. Hằng năm, hàng ngàn người khắp thế giới đi đến Vịnh Hạ Long đế du lịch. Vịnh Hạ Long được coi là cái nôi của nước Việt Nam về nền lịch sử khảo cổ lâu đời. Ngoài ra, Vịnh Hạ Long còn có những hòn tập trung nhiều động vật và thực vật quý hiếm. Có nhiều khu du lịch sinh thái với hàng ngàn động vật dưới nước phong phú. Tên gọi của Vịnh Hạ Long đã thay đổi qua rất nhiều thời kì lịch sử, thời Bắc thuộc được gọi là Lục Châu Lục Hải sau đó được người Pháp gọi là Vịnh Hạ Long từ đó và phổ biến đến ngày nay.

       Từ trên cao nhìn xuống, Vịnh Hạ Long như một bức tranh tuyệt hảo do thiên nhiên tạo thành gồm có những hang động và những hòn. Bên trong các hang động là sự tuyệt tác của thiên nhiên mà du khách có thể tham quan, ngắm cảnh, mở mang tầm nhìn trước thiên nhiên hữu tình. Có những thạch nhũ có hình thù kì lạ do thiên nhiên tạo ra bên trong hang. Vịnh Hạ Long nhìn từ xa thấy như những người lính khổng lồ canh giữ biển đảo Việt Nam. Vịnh Hạ Long nhiều lần cũng đã trở thành địa điểm lý tưởng của các nhà làm phim, tạo nên những thước phim tuyệt đẹp trên màn ảnh nhỏ.

       Danh lam thắng cảnh đẹp là thế, nhưng làm thế nào để bảo tổn di sản văn hóa thiên nhiên là vấn đề đáng để chúng ta lưu tâm. Chúng ta cần ngăn chặn những hành vi vứt rác bừa bãi, tăng cường công tác bảo vệ, giáo dục ý thức quét dọn vùng nước và hang động của Hạ Long.

       Vịnh Hạ Long đúng là một cảnh đẹp thiên nhiên trên thế giới. Tôi tự hào là một người ở Quảng Ninh và sở hữu một cảnh đẹp thiên nhiên thế giới.

       Vịnh Hạ Long là một trong những tài sản vô giá của đất nước Việt Nam thân yêu. Ngoài ý nghĩa là một cảnh đẹp, nó còn tượng trưng cho nét đẹp hồn hậu của con người Việt Nam mỗi khi du khách ghé thăm. Và tôi tin rằng nhiều người con dân Việt Nam cũng như tôi đang rất tự hào về một đất nước với lịch sử hào hùng và nhiều thắng cảnh xinh đẹp.

(395) 1318 29/07/2022