Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Đồng chí

Tổng hợp 6 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Đồng chí bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
(392) 1305 29/07/2022

ĐỀ 1: Viết đoạn văn nêu cảm nghĩ về từ ngữ "đồng chí" trong bài thơ Đồng chí

Bài làm

      Trong bài thơ "Đồng chí" của Chính Hữu, hai tiếng "đồng chí" vang lên thật thiết tha, cảm động. Đồng chí là cùng chung ý chí, lí tưởng. Đồng thời nó cũng là cách xưng hô của những người trong cùng một đoàn thể cách mạng. Với nhan đề Đồng chí, bài thơ đã nói lên được bản chất cách mạng của tình đồng đội, đồng thời cũng nói lên ý nghĩa sâu sắc của tình đồng đội. Câu thơ thứ bảy trong bài thơ cũng chỉ gồm hai tiếng: "Đồng chí". Nếu không kể nhan đề thì đây là lần duy nhất hai tiếng "đồng chí" xuất hiện trong bài thơ, làm thành riêng một câu thơ. Câu này có ý nghĩa quan trọng trong bố cục của toàn bài. Nó đánh dấu một mốc mới trong mạch cảm xúc và bao hàm những ý nghĩa sâu xa. Sáu câu thơ đầu là tình đồng đội tri kỉ, đến đây được nâng lên thành tình đồng chí thiêng liêng. Đồng chí nghĩa là không chỉ có sự gắn bó thân tình mà còn là cùng chung chí hướng cao cả. Những người đồng chí- chiến sĩ hoà mình trong mối giao cảm lớn lao của cả dân tộc. Gọi nhau là đồng chí thì nghĩa là đồng thời với tư cách họ là những con người cụ thể, là những cá thể, họ còn có tư cách quân nhân, tư cách của "một cây" trong sự giao kết của "rừng cây”, nghĩa là từng người không chỉ là riêng mình. Hai tiếng đồng chí vừa giản dị, thân mật lại vừa cao quý, lớn lao là vì thế.

ĐỀ 2: Viết đoạn văn trình bày cảm nhận đoạn cuối bài thơ Đồng chí

Bài làm

     

      Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo

      Ba câu thơ cuối của bài thơ vừa thể hiện tình đồng chí của người lính trong chiến đấu vừa gợi lên hình ảnh người lính rất đẹp, rất lãng mạn. Trong đêm sương muối rét buốt, những người lính phải đứng gác nơi rừng hoang. Trong thời tiết, hoàn cảnh khắc nghiệt, khó khăn như vậy, những người lính vẫn luôn sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng "chờ giặc tới". Trong cuộc kháng chiến gian khổ ấy, những người lính lại sát cánh bên nhau, đứng cạnh bên nhau sẵn sàng chiến đấu, không quản ngại khó khăn gian khổ. Hình ảnh những người lính hiện lên rất chân thực, rất đẹp. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" vừa là hình ành tả thực lại vừa mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc. Đêm đứng gác về khuya, trăng xuống thấp, những người lính lại đeo súng trên vai nên ta có cảm giác như trăng treo nơi đầu súng. Nhưng cây súng cũng là biểu tượng cho lực lượng chiến đấu bảo vệ hoà bình, trăng là biểu tượng cùa hoà bình. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" là hình ảnh thơ đẹp và lãng mạn, thể hiện hình ảnh của người lính cách mạng, và qua đó cũng chính là thể hiện tình đồng chí, đồng đội của người lính cách mạng trong chiến đấu gian khổ.

ĐỀ 3: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về 7 câu thơ đầu bài thơ "Đồng chí" - Chính Hữu

Bài làm

       Ngay từ những câu thơ mở đầu bài thơ “Đồng chí”, Chính Hữu đã lí giải những cơ sở hình thành tình đồng chí thắm thiết, sâu nặng của “anh” và “tôi” – của những người lính cách mạng:

Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau,
Súng bên súng, đầu sát bên đầu,
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
Đồng chí!


Thành ngữ “nước mặn đồng chua” và hình ảnh “đất cày lên sỏi đá”, giọng điệu thủ thỉ tâm tình như lời kể chuyện, cùng nghệ thuật sóng đôi, tác giả cho thấy tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng cùng cảnh ngộ. Họ là những người nông dân áo vải, ra đi từ những miền quê nghèo khó – miền biển nước mặn, vùng đồi núi trung du. Không hẹn mà nên, những người nông dân ấy gặp nhau tại một điểm: lòng yêu nước. Tình yêu quê hương, gia đình, nghĩa vụ công dân thúc giục họ lên đường chiến đấu. Bởi thế nên từ những phương trời xa lạ, mọi người “chẳng hẹn mà quen nhau”. Giống như những anh lính trong bài thơ “Nhớ” của Hồng Nguyên:”Lũ chúng tôi bọn người tứ xứ - Gặp nhau từ hồi chưa biết chữ - Quen nhau từ buổi “một, hai” – Súng bắn chưa quen – Quân sự mươi bài – Lòng vẫn cười vui kháng chiến”. Trong môi trường quân đội, đơn vị thay cho mái ấm gia đinh, tình đồng đội thay cho tình máu thịt. Cái xa lạ ban đầu nhanh chóng bị xóa đi. Sát cánh bên nhau chiến đấu, càng ngày họ càng cảm nhận sâu sắc về sự hòa hợp, gắn bó giữa đồng đội cùng chung nhiệm vụ và lí tưởng cao đẹp: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Hình ảnh sóng đôi, các điệp từ “súng”,”đầu”, giọng điệu thơ trở nên tha thiết, trầm lắng như nhấn mạnh tình cảm gắn bó của người lính trong chiến đấu. Họ đồng tâm, đồng lòng, cùng nhau ra trận đánh giặc để bảo vệ đất nước, quê hương, giữ gìn nền độc lập, tự do, sự sống còn của dân tộc – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Và chính sự đồng cảnh, đồng cảm và hiểu nhau đã giúp các anh gắn bó với nhau, cùng sẻ chia mọi gian lao thiếu thốn của cuộc đời người lính: “Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ”. Từ gian khó, hiểm nguy, tình cảm trong họ đã nảy nở và họ đã trở thành những người bạn tâm giao, tri kỉ, hiểu nhau sâu sắc, gắn bó thành đồng chí. Hai tiếng “Đồng chí” kết thúc khổ thơ thật đặc biệt, sâu lắng! Nó như một nốt nhạc làm bừng sáng cả đoạn thơ, là điểm hội tụ, nơi kết tinh của bao tình cảm đẹp mà chỉ có ở thời đại mới: tình giai cấp, tình đồng đội, tình bạn bè trong chiến tranh.

ĐỀ 4: Qua bài thơ Đồng chí hãy viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về hình ảnh người lính trong thời kì kháng chiến chống Pháp

Bài làm

     Hình tượng người lính đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các sáng tác nghệ thuật. Đối với Chính Hữu, tác giả lại có sự cảm nhận riêng về hình tượng người lính. Chính Hữu thể hiện cơ sở hình thành tình đồng chí tới những biểu hiện cảm động nghĩa tình của những người lính dành cho nhau. Thời khì kháng chiến chống Pháp, những người lính đã phải đối mặt với nhìn khó khăn thử thách, thiếu thồn về vật chất "Áo anh rách vai/ Quần tôi có vài mảnh vá". Nhưng vượt lên tất cả, đó là vẻ đẹp của tình đồng đội, đồng chí. Giữa khung cảnh lạnh lẽo, hoang vu của núi rừng Tây Bắc, những người lính đứng kề cạnh bên nhau xua đi cái lạnh nơi rừng thiêng nước độc. Chính nơi đó, ranh giới giữa sự sống và cái chết trở nên mong manh, thì những người lính càng trở nên mạnh mẽ, đoàn kết. Họ sát cánh bên nhau chủ động chờ giặc tạo nên tư thế thành đồng vách sắt trước quân thù. Hình ảnh cuối bài tỏa sáng với sự hòa kết hình ảnh súng - hình ảnh của khói lửa chiến tranh kết hợp với hình ảnh ánh trăng trong mát, thanh bình nói lên ý nghĩa cao cả của cuộc chiến tranh vệ quốc. Chỉ với ba câu thơ xúc động, chân thực nhưng cũng giàu sự lãng mạn, bức tranh về tình đồng chí của người lính đã hiện lên giàu chất thơ và ngời sáng vẻ đẹp của người lính cụ Hồ thời chống Pháp.

ĐỀ 5: Viết đoạn văn phân tích biểu tượng của tình đồng chí

Bài làm

     Bài thơ Đồng chí với những câu văn dung dị, mộc mạc nhưng đã toát lên vẻ đẹp sáng ngời về những người lính bộ độ cụ Hồ năm xưa. Họ xuất thân từ những miền quê khác nhau, bỏ lại sau lưng là ruộng đồng, gia đình để lên đường chiến đấu cho độc lập dân tộc. Gặp nhau nơi rừng thiêng nước độc, giữa tiếng đạn bom, giữa những hiểm nguy luôn rình rập, nhưng họ không hề lo sợ, nao núng tinh thần. Họ đã cùng nhau sống, chiến đấu và gắn bó thân thiết như anh em ruột thịt. Khổ thơ cuối khắc họa những biểu tượng cao đẹp về tình đồng chí:

Đêm nay rừng hoang sương muối

Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới

Đầu súng trăng treo.

“Đầu súng trăng treo”, câu thơ ngắn gọn mà cô đọng những ý nghĩa sâu xa. Sự đối lập giữa hai hình ảnh súng và trăng, đối lấp giữa hiện tại chiến tranh ác liệt và khát vọng hòa bình tươi sáng. Giữa rừng khuya thanh vắng, các anh cùng sát bên nhau làm nhiệm vụ, ánh trăng trên cao như người bạn đồng hành cùng chiến đấu. Ánh trăng như giúp các anh tạm quên đi những ngày tháng chiến đấu vất vả, ánh trăng của khát khao hòa bình dân tộc, ánh trăng gợi nhớ về quê hương yên bình. Anh với tôi từ xa lạ mà thành thân quen, rồi sát cánh bên nhau những ngày chiến đấu, tình cảm nối lại thành tình đồng chí. Câu thơ cuối bài có ý nghĩa thật đẹp, là hình ảnh chan hòa giữa con người với thiên nhiên, đất nước, là khát vọng về ngày hòa bình của dân tộc. Ánh trăng cuối bài thơ như tỏa ánh sáng dịu dàng, soi rọi cho tình đồng chí gắn bó keo sơn.

ĐỀ 6: Cảm nhận của em về câu thơ kết trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu: Đầu súng trăng treo

Bài làm

      Câu thơ cuối của Đồng chí tuy đã khép lại tác phẩm nhưng nó mãi là dư âm không bao giờ vơi cạn trong lòng người đọc:

Đầu súng trăng treo

Câu thơ vừa thực vừa ảo cho ta nhiều cảm xúc mới mẻ. Khoảng cách giữa bầu trời và mặt đất, giữa con người và thiên nhiên đã được xích lại gần gũi hơn bởi một từ "treo". Đó là sự kết hợp giữa bút pháp tả thực và lãng mạn vừa xa vừa gần. "Đầu súng trăng treo" là hình ảnh tương phản giữa chiến tranh và hoà bình đồng thời cũng là hình ảnh của hiện tại và tương lai. Phải chăng câu thơ là ước muốn, là hi vọng của Chính Hữu - người lính Cụ Hồ về một cuộc sống hoà bình, tươi đẹp? Sau đêm nay, sau giờ phút căng thẳng, lạnh buốt này sẽ là một sớm mai ấm áp với ánh bình minh sáng ngời. Hình ảnh "đầu súng trăng treo" vừa nói lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh, đồng thời vừa nói lên khát vọng hòa bình cao đẹp của những người lính anh dũng đang cầm súng chiến đấu vì nhân dân. Ở đây, người chiến sĩ, với nhiệm vụ cầm súng cao cả đã hóa thân trở thành người thi sĩ với bao cảm hứng dào dạt bên ánh trăng hiền hòa.

(392) 1305 29/07/2022