Phân tích chi tiết tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

Dàn ý phân tích chi tiết tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ bao gồm: mở bài, thân bài, kết bài giúp các em học tốt môn văn 9
(395) 1315 29/07/2022

I. Sơ đồ - Phân tích chi tiết tác phẩm Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

II. Phân tích chi tiết Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ

1. Hình ảnh người mẹ Tà Ôi

Hình ảnh người mẹ được gắn với hoàn cảnh công việc cụ thể:

- Người mẹ bền bỉ quyết tâm trong công việc kháng chiến, đồng thời thắm thiết yêu em, yêu bộ đội, yêu buôn làng, đất nước.

- Mẹ giã gạo góp phần nuôi bộ đội kháng chiến công việc vất vả: “Mẹ giã gạo góp phần nuôi bộ đội…làm gối”.

- Mẹ đang làm công việc của người dân lao động, sản xuất ở khu Trị Thiên, mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka-lưi. Sự gian khổ của mẹ ở giữa rừng núi mênh mông, heo hút: “Lưng núi thì to mà lưng mẹ thì nhỏ”

- Mẹ cùng các anh trai, chị gái tham gia chiến đấu bảo vệ căn cứ di chuyển lực lượng để kháng chiến lâu dài, tinh thần quyết tâm, tự tin vào chiến thắng.

-> Từ ba đoạn thơ trên, lần lượt hiện lên những công việc cùng tấm lòng của người mẹ trên chiến khu kháng chiến gian khổ. Người mẹ ấy bền bỉ, quyết tâm trong công việc lao động, kháng chiến thường ngày. Người mẹ ấy thắm thiết yêu con và cũng nặng tình thương buôn làng, quê hương, bộ đội, khát khao đất nước độc lập, tự do.

2. Tình cảm, khát vọng của người mẹ Tà Ôi

- Mối quan hệ giữa lời ru trực tiếp của mẹ với hoàn cảnh, công việc mà mẹ đang làm là mối liên hệ tự nhiên và chặt chẽ. Mẹ ước: “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần - Mai sau con lớn vung chày lún sân” vì mẹ đang giã gạo; Mẹ ước: “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều - Mai sau con lớn phát mười Ka-Lưi” vì mẹ đang tỉa bắp trên núi; "Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ - mai sau con lớn làm người tự do” vì mẹ đang địu con đi để "giành trận cuối”.

- Với cụm từ "Con mơ cho mẹ...", người mẹ đã gửi trọn niềm mong mỏi vào giấc mơ của đứa con. Mẹ mong con mình ngủ ngon và có những giấc mơ thật đẹp. Cũng với cụm từ này, giọng điệu của lời ru càng thêm tha thiết, tin tưởng. Câu cuối của các khúc ru vừa là nỗi ước mong vừa là niềm tin tưởng, tự hào của người mẹ.

- Qua hai câu thơ: "Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi - Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng". Hình ảnh "mặt trời" ở câu thơ sau đã được chuyển nghĩa, được tượng trưng hóa (hình ảnh ẩn dụ, so sánh). Con là mặt trời của mẹ. Chính con đã góp phần sưởi ấm lòng tin yêu, ý chí của mẹ trong cuộc sống. Mặt trời con cứ trẻ trung, cứ ngày một rực rỡ trên thế gian này.

3. Từ tình cảm, ước vọng của người mẹ thấy được ước mong, ý chí của nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ

- Tình thương con của người mẹ gắn với tình thương bộ đội, tình thương buôn làng, quê hương gian khổ. Bởi vậy, mẹ ước mong có nhiều hạt gạo trắng ngần, hạt bắp lên đều, ước mong con mau chóng khôn lớn để trở thành chàng trai cường tráng,  mạnh mẽ trong lao động sản xuất.

- Ở đoạn 3, tình thương con của mẹ lại gắn với tình yêu đất nước đang anh dũng kháng chiến. Bởi vậy, mẹ mong ước con trở thành người lính chiến đấu vì nền độc lập tự do, thiêng liêng, mong ước con được làm người dân của một đất nước hòa bình. Như thế có thể thấy tình cảm, khát vọng của người mẹ ngày càng lớn rộng, ngày càng hòa cùng công cuộc kháng chiến gian khổ, anh dũng của quê hương, đất nước. 

=> Qua ba đoạn thơ, lần lượt hiện lên những công việc cùng tấm lòng của người mẹ trên chiến khu gian khổ; bền bỉ, quyết tâm trong công việc, thắm thiết yêu con và khát khao đất nước được độc lập, tự do. Từ hình ảnh, tấm lòng người mẹ Tà-ôi, Nguyễn Khoa Điềm đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước tha thiết, ý chí chiến đấu cho độc lập tự do và khát vọng thống nhất nước nhà của nhân dân trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

(395) 1315 29/07/2022