Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Nói với con

Tổng hợp 3 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Nói với con bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
(405) 1351 29/07/2022

ĐỀ 1: Viết đoạn văn ngắn giới thiệu về bài thơ Nói với con - Y Phương, trong đó có sử dụng khởi ngữ
Bài làm
    
      Y Phương, một nhà thơ mang tiếng nói riêng rất đặc trưng của dân tộc Tày, thơ của ông rất bình dị, tự nhiên và trong sáng. Những tác phẩm của ông thể hiện cái nhìn tích cực tốt đẹp với các khía cạnh của cuộc sống. "Nói với con" - một trong những tác phẩm của nhà thơ, bài thơ nói về cuộc trò chuyện thủ thỉ của người cha dành cho con lúc mới lọt. Bài thơ ca ngợi tình cảm gia đình, dân tộc và ý chí mạnh mẽ của người đồng mình. “Nói với con”, Y Phương không chỉ sắp xếp hành trang cho riêng đứa con yêu quí của mình, mà cũng là hành trang ông muốn trao gửi cho tất cả những ai đang bước đi trên đường đời. Thể thơ tự do, bài thơ giản dị, với những hình ảnh vừa cụ thể vừa mang ýnghĩa biểu tượng, giàu sắc thái biểu đạt và biểu cảm. Cách nói giàu bản sắc của người miền núi tạo nên một giọng điệu riêng cho lời tâm tình mộc mạc mà sâu sắc của người cha đối với đứa con. Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyềnthống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương và dân tộc. Bài thơ giúp ta hiểuthêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc tình cảmgắn bó với truyền thống, với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống.
Chú thích:
Khởi ngữ: phần in đậm
 
ĐỀ 2: Hãy viết một đoạn văn cảm nhận về tình cảm gia đình trong bài thơ Nói với con
Bài làm
      Nếu dòng sữa ngọt ngào và lời ru của mẹ nuôi ta khôn lớn thì những lời dậy ân tình của cha giúp ta trưởng thành, rắn rỏi và mạnh mẽ hơn trên bước đường đời. Qua bài thơ Nói với con của Y Phương, người đọc nhận thấy tình cảm và mong ước của một người cha dành cho con, một thứ tình cảm nồng ấm và thiêng liêng, giản dị. Bài học lớn nhất cha dạy con là phải yêu quê hương, yêu lấy cội nguồn gốc rễ của mình và yêu lấy “người đồng mình”. Thời gian trôi qua, con trưởng thành và khôn lớn trong nhịp sống lao động, trong thiên nhiên thơ mộng và nghĩa tình của quê hương. Không chỉ gợi cho con về nguồn sinh dưỡng, cha còn nói với con về những đức tính cao đẹp của "người đồng mình". Đó là lòng yêu lao động, hăng say lao động với cả tấm lòng. Đó là sức sống bền bỉ, mạnh mẽ, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Người cha còn nhắn nhủ đến con phải có nghĩa tình, thuỷ chung với quê hương, biết chấp nhận những khó khăn, vất vả để có thể “Sống trên đá không chê đá gập ghềnh/ Sống trong thung không chê thung nghèo đói”. Bài thơ nhắc nhở chúng ta về tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống cần cù, sức sống mạnh mẽ của quê hương, của dân tộc. Qua lời nói với con, ta phần nào hiểu rõ hơn, cảm nhận sâu sắc hơn những tình cảm của người cha dành cho con. Đó là những lời nhắn nhủ yêu thương của cha dành cho con, là bài học đầu đời để con khắc ghi về tình yêu với thiên nhiên và con người quê hương chan chứa nghĩa tình.
 
ĐỀ 3: Viết đoạn văn ngắn nêu cảm nhận của em về bốn câu thơ đầu trong bài thơ Nói Với con của Y Phương
Bài làm
     Bài thơ Nói với con của Y Phương thể hiện tình cảm gia đình êm ấm, tình quê hương tha thiết, ngọt ngào và ngợi ca truyền thống nghĩa tình, sức sống mạnh mẽ của người dân tộc miền núi. Trong đó, bốn câu thơ đầu tiên đã thể hiện sâu sắc tình cảm thiêng liêng ấy. Cảm nhận đầu tiên trong lời cha nói là hình ảnh con lớn lên trong tình yêu thương của cha mẹ, sự đùm bọc, che chở của người đồng mình, của quê hương. Bài thơ mở ra với khung cảnh gia đình ấm cúng, đầy ắp giọng nói tiếng cười:
Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
Một bước rụng tiếng nói
Hai bước rơi tiếng cười
Khung cảnh ấy đẹp như 1 bức tranh: hình ảnh em bé ngây thơ lẫm chẫm tập đi, bi bô tập nói trong vòng tay, trong tình yêu thương, chăm sóc, nâng niu của cha mẹ; hình ảnh cha mẹ giang rộng vòng tay, chăm chút từng bước đi, từng bước đi, từng nụ cười, tiếng nói của con. Gia đình chính là cái nôi êm ái, tổ ấm để con sống, lớn khôn và trường thành trong niềm yêu thương con cái. Đó là không khí thường thấy trong các gia đình hạnh phúc. Nhưng cách diễn đạt ở đây có nét độc đáo riêng của người miền núi: nói bằng hình ảnh cụ thể. Điệp ngữ “bước tới” vừa tạo nên nhịp điệu cho lời thơ, vừa thể hiện sự biết ơn của đứa trẻ dành cho song thân của mình. Câu thơ có được cái ấm áp, rối rít, ngọt ngào, một thứ âm vang của những người làm mẹ, làm cha ai mà không bồi hồi, xao xuyến! Có thể thấy, bốn câu thơ đầu của bài thơ là bức tranh gia đình đầm ấm, hạnh phúc trong sự chăm chút, vun vén của mẹ cha. Qua đó, người cha cũng gửi gắm đến đứa con hay chính bạn đọc về bài học đầu tiên đơn giản mà thấm thía của mỗi người: bài học yêu thương gia đình.
(405) 1351 29/07/2022