Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Tổng hợp 5 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Bài thơ về tiểu đội xe không kính bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
(607) 2024 29/07/2022

ĐỀ 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về nhan đề "Bài thơ về tiểu đội xe không kính"

Bài làm

      Bài thơ về những người lính lái xe của Phạm Tiến Duật có một nhan đề thật lạ: "Bài thơ về tiểu đội xe không kính”. Nhan đề ấy gợi sự tò mò, thú vị cho người đọc: thế nào là “xe không kính”, tại sao xe lại “không kính”? Và nhan đề đặc biệt này đã làm nổi bật hình ảnh độc đáo của toàn bài và đó cũng là hình ảnh hiếm gặp trong thơ - hình ảnh những chiếc xe không kính. Hình ảnh ấy gợi lên hiện thực khốc liệt của chiến tranh. Sự bất thường của sự vật được nêu trong nhan đề ấy đã hé lộ giọng điệu của bài thơ: ngang tàng, nghịch ngợm và rất trẻ trung. Không chỉ vậy, bản thân tác phẩm đã là một bài thơ nhưng tác giả còn đặt thêm nhan đề “Bài thơ…”. Điều đó có thừa không? Xin thưa là không! Vẻ khác lạ của hai chữ "bài thơ" khẳng định chất thơ của hiện thực, của tuổi trẻ hiên ngang, dũng cảm, vượt lên nhiều thiếu thốn, hiểm nguy của chiến tranh. Nhan đề góp phần làm nổi bật chủ đề của toàn tác phẩm: ca ngợi vẻ đẹp phẩm chất, tâm hồn của những người chiến sĩ lái xe Trường Sơn thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, đồng thời thể hiện cảm hứng khai thác chất thơ từ trong hiện thực chiến tranh khốc liệt của nhà thơ Phạm Tiến Duật.

ĐỀ 2: Phân tích đoạn thơ cuối trong bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật.

Bài làm

      Phạm Tiến Duật được gọi là “Viên ngọc Trường Sơn của thơ ca”. Đặc biệt mảng thơ về người lính lái xe của ông đã để lại một ấn tượng thật thú vị. Bài thơ về tiểu đội xe không kính là một trong những “Viên ngọc Trường Sơn” đó. Cuối bài thơ tác giả đưa ra một tứ thơ bất ngờ - đó là trái tim cầm lái: “Không có kính….trái tim”. Chiếc xe không kính - Một hình ảnh trần trụi của chiến tranh, trong chiếc xe ấy người lái xe phải huy động mọi giác quan, năng lực để lái xe trong mạo hiểm, phiêu lưu. Tất cả đều vượt qua bởi một điều hết sức giản dị mà thiêng liêng:

Không có kính, rồi xe không có đèn,
Không có mui xe, thùng xe có xước,
Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
Chỉ cần trong xe có một trái tim.

Đây là hình ảnh sâu sắc nhất của cả bài thơ. Nhà thơ đã nói đúng tinh thần thời đại: "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai” (Tố Hữu), cả nước lên đường đánh Mĩ vì miền Nam ruột thịt. Vậy là trái tim vì miền Nam yêu thương đã giúp người lính vượt qua gian khổ trên những chiếc xe không kính, không đèn, không mui xe. Trái tim rực lửa căm thù giặc Mĩ và nóng bỏng yêu thương đồng bào miền Nam ấy chính là vẻ đẹp sâu thẳm của tâm hồn Việt Nam thời đánh Mĩ là trái tim nhân hậu thủy chung của cả dân tộc. Phạm Tiến Duật đã thể hiện thành công tâm hồn một thế hệ trẻ Việt Nam yêu nước trong những năm tháng hi sinh gian khổ mà vì dân tộc ta. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng thơ Phạm Tiến Duật với hình tượng người chiến sĩ lái xe và “Vết xe lăn Trường Sơn” sẽ còn sống mãi trong tâm hồn của những người Việt Nam yêu nước. Những chiếc xe cùng con người anh hùng của một thời ấy đã góp phần làm nên huyền thoại về Trường Sơn, về Việt Nam anh dũng kiên cường.

ĐỀ 3: Hãy viết một đoạn văn cảm nhận cùa em về hình ảnh những chiếc xe Trường Sơn trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bài làm

     Trong tác phẩm "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của nhà thơ Phạm Tiến Duật nổi bật lên một hình ảnh độc đáo: những chiếc xe không kính vẫn băng ra chiến trường. Xưa nay, những hình ảnh xe cộ, tàu thuyền nếu đưa vào thơ thì thường được “mĩ lệ hoá”, “lãng mạn hoá” đi rồi và thường mang ý nghĩa tượng trưng hơn là tả thực. Nhưng tác giả sử dụng hình ảnh là những chiếc xe không kính được miêu tả cụ thể, chi tiết rất thực. Đó là hình ảnh hoàn toàn có thực trong chiến tranh, thực đến trần trụi đã được tác giả nắm bắt đưa vào thơ và khai thác ở đó cả chất thơ và nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, viết về những người lái xe thì không gì gắn họ với hình ảnh chiếc xe, qua xe mà làm nổi bật hình ảnh người lái xe. Bởi vậy, có thể nói khi tìm được hình ảnh chiếc xe không kính tác giả đã tìm được sự đặc sắc cho bài thơ của mình tạo thành một hình tượng thơ độc đáo của thời chiến tranh chống Mỹ.

ĐỀ 4: Viết đoạn văn ngắn phân tích lí tưởng sống của người chiến sĩ lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính

Bài làm

     "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" là một trong những tác phẩm tiêu biểu của Phạm Tiến Duật về những người lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn. Bài thơ đã cho ta thấy tinh thần lạc quan, vui vẻ của những người chiến sĩ thời kháng chiến chống Mỹ. Lái những chiếc xe không kính, không đèn, không mui trên con đường hành quân gian khổ nhưng họ lại không bi quan mà còn lấy đó làm niềm vui. Họ đã dũng cảm lái những chiếc xe ấy trên những cung đường "đạn bay vèo vèo" nhưng chẳng hề sợ hãi. Những chiếc xe không kính ấy còn giúp người chiến sĩ gắn kết lại với nhau. Giữa những lúc nghỉ ngơi, người chiến sĩ bệ vệ ngồi quây quần bên nhau chung bát chung đũa. Bên cạnh đó qua bài thơ ta còn thấy hình ảnh những anh lính lái xe tràn đầy nhiệt huyết và niềm tin. Họ sẵn sàng từ bỏ thanh xuân và tuổi trẻ xông pha ra chiến trường bảo vệ sự bình yên cho đất nước. Đó chính là đại diện cho vẻ đẹp, cho hào khí của cả một thời đại dân tộc đang trong bước nguy nan.

ĐỀ 5: Viết đoạn văn nêu suy nghĩ về thế hệ trẻ Việt Nam thời kháng chiến chống Mĩ

Bài làm

      "Những ngôi sao xa xôi" của Lê Minh Khuê; "Lặng lẽ Sa Pa" của Nguyễn Thành Long; "Bài thơ về tiểu đội xe không kính" của Phạm Tiến Duật là những tượng đài lộng lẫy về vẻ đẹp của thế hệ thanh niên Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đầy gian khổ thử thách mà rất đỗi anh hùng. Ba tác phẩm đi vào những khía cạnh khác nhau của đời sống thời kì chống Mỹ, nhân vật hiện lên từ những khung cảnh, hoàn cảnh khác nhau và bút pháp khắc hoạ cũng mang tính độc đáo, cá biệt nhưng đều góp phần vào tiếng nói chung của dân tộc, tiếng nói phám phá ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Đó là những nữ thanh niên xung phong quả cảm, gan góc nhưng mang một trái tin đầy trẻ trung, nhiều khát vọng, tràn đấy tinh thần yêu thương. Đó là hình ảnh người chiến sĩ lái xe trên nền hiện thực tàn khốc ấy đã xuất hiện hình ảnh đẹp đẽ, phi thường của người chiến sĩ giản dị, mộc mạc mà ngang tàng bất khuất. Đó cũng là vẻ đẹp của anh thanh niên với lí tưởng sống cao đẹp vì nhân dân, vì đất nước. Ba tác phẩm đi vào những khía cạnh khác nhau của đời sống thời kì chống Mỹ, nhân vật hiện lên từ những khung cảnh, hoàn cảnh khác nhau và bút pháp khắc hoạ cũng mang tính độc đáo, cá biệt nhưng đều góp phần vào tiếng nói chung của dân tộc, tiếng nói phám phá ngợi ca vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mĩ cứu nước.

(607) 2024 29/07/2022