Lý thuyết phần tổng kết từ vựng
I. Sơ đồ - Tổng kết từ vựng
II. Lý thuyết phần Tổng kết từ vựng
I. TỪ ĐƠN VÀ TỪ PHỨC
1. Khái niệm
- Từ đơn: là từ chỉ gồm một tiếng.
- Từ phức: là từ gồm hai hay nhiều tiếng trở lên. Có hai loại là từ ghép và từ láy
+ Từ ghép : là từ mà các tiếng có quan hệ với nhau về nghĩa.
+ Từ láy : là từ giữa các tiếng có quan hệ láy âm với nhau.
2. Ví dụ
- Từ đơn: bàn, ghế, học.
- Từ phức:
+ Từ ghép: học sinh, giáo viên, ước mơ.
+ Từ láy: xanh xao, lặng lẽ, xa xôi.
II. THÀNH NGỮ
1. Khái niệm
- Thành ngữ là tập hợp từ cố định, biểu thị một ý nghĩa hoàn chỉnh. Nghĩa của thành ngữ thường biểu hiện qua một số phép chuyển nghĩa như ẩn dụ, hoán dụ, so sánh...
2. Ví dụ
- Ếch ngồi đáy giếng.
- Thầy bói xem voi.
- Đánh trống bỏ dùi.
III. NGHĨA CỦA TỪ
1. Khái niệm
- Nghĩa của từ là nội dung (sự vật, tính chất, hoạt động, quan hệ, ...) mà từ biểu thị.
2. Ví dụ
- Học sinh hay học trò là những thiếu niên hoặc thiếu nhi trong độ tuổi đi học (6-18 tuổi) đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở hoặc trung học phổ thông.
- Nhà là công trình xây dựng có mái, tường bao quanh, cửa ra vào để ở, sinh hoạt văn hoá, xã hội hoặc cất giữ vật chất, phục vụ cho các hoạt động cá nhân và tập thể của con người, và có tác dụng bảo vệ cho các hoạt động đó.
IV. TỪ NHIỀU NGHĨA VÀ HIỆN TƯỢNG CHUYỂN NGHĨA CỦA TỪ
1. Khái niệm
- Từ có thể có một nghĩa hay nhiều nghĩa.
- Chuyển nghĩa là hiện tượng thay đổi nghĩa của từ, tạo ra từ nhiều nghĩa.
+ Nghĩa gốc: nghĩa ban đầu, làm cơ sở để hình thành các nghĩa khác.
+ Nghĩa chuyển: nghĩa được hình thành trên cơ sở nghĩa gốc.
2. Ví dụ
Ngày xuân em hãy còn dài
Xót tình máu mủ thay lời nước non
(Truyện Kiều – Nguyễn Du)
- Chữ xuân trong văn bản trên mang nghĩa chuyển: mượn mùa xuân để nói về tuổi trẻ của con người.
V. TỪ ĐỒNG ÂM
1. Khái niệm
- Từ đồng âm là những từ giống nhau về âm thanh nhưng nghĩa hoàn toàn khác nhau, không liên quan gì đến nhau.
2. Ví dụ
Con ngựa đá con ngựa đá
- Xét ví dụ trên:
+ đá (1) là động từ, chỉ hành động đá của con ngựa.
+ đá (2) là danh từ, chỉ chất liệu con ngựa được làm bằng đá.
VI. TỪ ĐỒNG NGHĨA
1. Khái niệm
- Từ đồng nghĩa là các từ có nghĩa giống nhau hoặc gần giống nhau (trong một số trường hợp có thể thay thế nhau)
2. Ví dụ
- mè/ vừng
- trái/ quả
- con lợn/ con heo.
VII. TỪ TRÁI NGHĨA
1. Khái niệm
- Từ trái nghĩa là những từ có nghĩa trái ngược nhau.
2. Ví dụ
- Chiến tranh – hòa bình
- Già – trẻ
- Cao – thấp.
VIII. CẤP ĐỘ KHÁI QUÁT CỦA NGHĨA TỪ NGỮ
Khái niệm
- Nghĩa của một từ có thể hẹp hay rộng hơn nghĩa của từ khác gọi là cấp độ khái quát của từ ngữ.
IX. TRƯỜNG TỪ VỰNG
1. Khái niệm
- Trường từ vựng là tập hợp của những từ có ít nhất một nét chung về nghĩa.
2. Ví dụ
- Đồ dùng học tập: bút bi, bút chì, vở…
- Trái cây: lê, na, táo…