Tổng hợp các đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Con cò
Tổng hợp 2 đoạn văn mẫu hay nhất về tác phẩm Con cò bao gồm các bài phân tích, cảm nhận, liên hệ so sánh hay nhất
ĐỀ 1: Viết đoạn văn nêu cảm nhận của em về tình mẫu tử qua bài thơ "Con cò" của Chế Lan Viên.
Bài làm
Từ lâu, tình mẫu tử thiêng liêng đã trở thành nguồn cảm hứng của biết bao thi gia. Tình cảm thiêng liêng, cao quý ấy đã đem đến không chỉ cho tác giả mà còn cho cả người đọc biết bao cảm xúc đặc biệt. Nhiều tác phẩm đã viết rất hay, rất tình ở thể loại này và một trong số đó ta không thể không kể đến “Con cò” của Chế Lan Viên. Hình ảnh con cò trong bài thơ không còn là con cò bay lả bay la, bay vào câu hát lời ru nữa, mà hình ảnh con cò đã hóa thân vào hình tượng mẹ. Cò và mẹ là một, dù xa cách về không gian, ở gần hay ở xa, lên rừng hay xuống biển, dù cuộc đời gặp nhiều giông tố, trắc trở thì mẹ vẫn tìm con, yêu thương con mãi mãi. Người mẹ trong văn bản đã theo con từ khi con vừa chào đời, đến lúc bé và cả khi trưởng thành. Những câu thơ “Cò sẽ tìm con/ Cò mãi yêu con” như một lời khẳng định rằng dù có biết bao nhiêu vất vả, có trải qua bao nỗi cực khổ thì người mẹ vẫn mãi luôn bên cạnh đứa con của mình. Luôn dõi theo từng bước chân của con, luôn nâng đỡ, bảo vệ con. Xuyên suốt cả bài thơ ta có thể thấy hình tượng trung tâm là hình ảnh con cò trắng lam lũ, vất vả nhưng ẩn sâu bên trong đó là hình ảnh của người mẹ luôn hết mực yêu thương con của mình. Có thể nói trong tình cảm gia đình thì tình mẫu tử là thiêng liêng, gắn bó, vững bền nhất. Người mẹ mang nặng đẻ đau, khi đứa con đã có mặt trên đời, thì dù đời mẹ có phải chịu nhiều khổ đau, bể dâu, mẹ cũng không bao giờ bỏ con, xa cách, chia lìa. Và văn bản “Con cò” đã tái hiện một cách đầy đủ và sâu sắc tình cảm thiêng liêng ấy.
ĐỀ 2: Viết đoạn văn bình những câu sau:
Dù ở gần con
Dù ở xa con
Lên rừng xuống bể
Cò sẽ tìm con
Cò mãi yêu con.
Con dù lớn vẫn là con của mẹ,
Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con.
Bài làm
Bài thơ “Con cò” của Chế Lan Viên mang đậm triết lý về tình mẫu tử. Trong đó, đoạn thơ cuối là đoạn thơ thể hiện những suy ngẫm, triết lí sâu sắc về ý nghĩa của lời ru và tình mẹ trong cuộc đời mỗi con người. Nhịp thơ dồn dập, vỗ về “Dù ở gần con/ dù ở xa con/ cò sẽ tìm con/ cò mãi yêu con” dường như gợi tả nhịp thổn thức của trái tim người mẹ. Dù có bao khó khăn, vất vả, chông gai, thử thách, dù “lên rừng xuống bể” thì cũng không thể ngăn được bước chân của người mẹ tìm đến con, ngăn được lòng mẹ đi theo con. Ở đây, hình ảnh “con cò” lại mang ý nghĩa biểu tượng cho tình mẹ, lúc nào cũng đến với con trong suốt cả cuộc đời. Từ sự thấu hiểu tấm lòng người mẹ, nhà thơ đã khái quát thành một quy luật của tình cảm có ý nghĩa bền vững, rộng lớn và sâu sắc: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi hết đời, lòng mẹ vẫn theo con”. Lời thơ đã từ cảm xúc mở ra những suy tưởng rồi khái quát thành triết lí. Một triết lí của trái tim con người: Đối với mẹ thì bao giờ con cũng bé bỏng, mẹ vẫn phải dõi theo từng bước con đi, sẵn sàng hi sinh cả cuộc đời cho con. Còn con, dù con đi tới nơi đâu và đứng ở vị trí nào, thành công hay thất bại, cao sang hay thấp hèn thì con vẫn mãi cần vòng tay mẹ nâng đỡ, yêu thương và che chở. Chân lí ấy muôn đời vẫn sẽ vĩnh hằng và bất biến.