Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận siêu ngắn

Soạn bài Luyện tập viết đoạn văn tự sự có sử dụng yếu tố nghị luận bao gồm bài soạn chi tiết tất cả các câu hỏi trong SGK siêu ngắn gọn, đầy đủ nhất
(379) 1264 29/07/2022

I. THỰC HÀNH TÌM HIỂU YẾU TỐ NGHỊ LUẬN TRONG ĐOẠN VĂN TỰ SỰ

Trả lời câu hỏi (trang 160 SGK Ngữ văn 9, tập 1

Yếu tố nghị luận trong đoạn văn Lỗi lầm và sự biết ơn nằm ở:

- Câu trả lời của nhân vật được cứu: “Những điều viết trên cát sẽ mau chóng xóa nhòa…”.

- Câu kết: “Vậy mỗi chúng ta hãy học cách viết những nỗi đau buồn, thù hận lên cát và khắc ghi những ân nghĩa lên đá”.

=> Yếu tố nghị luận này làm cho câu chuyện thêm sâu sắc, giàu tính triết lí và có ý nghĩa giáo dục cao. Bài học rút ra từ câu chuyện này có thể nêu bằng nhiều cách khác nhau nhưng chủ yếu vẫn là bài học về sự bao dung, lòng nhân ái, biết tha thứ và ghi nhớ ân nghĩa, ân tình…

II. THỰC HÀNH VIẾT ĐOẠN VĂN CÓ SỬ DỤNG YẾU TỐ NGHỊ LUẬN

Câu 1: (trang 161 SGK Ngữ văn 9, tập 1) 

Gợi ý:

- Buổi sinh hoạt lớp diễn ra thế nào (thời gian, địa điểm, ai là người điều khiển, không khí của buổi sinh hoạt lớp ra sao….)?

- Nội dung của buổi sinh hoạt là gì? Em đã phát biểu về vấn đề gì? Tại sao lại phát biểu về việc đó?

- Em đã thuyết phục cả lớp rằng Nam là người bạn rất tốt như thế nào (lí lẽ, ví dụ, lời phân tích…)?

Bài viết tham khảo:

       Buổi sinh hoạt ấy luôn hiện về trong kí ức khiến em không bao giờ quên. Nguyên do là giờ ra chơi ngày hôm đó hai bạn Huy và Nam đã có cuộc ẩu đả dữ dội. Lí do bạn Nam đã vô tình không nộp bài kiểm tra cho bạn Thắng. Giờ sinh hoạt mọi cặp mắt đều đổ dồn về Nam, thể hiện thái độ bất bình và rất nhiều người đã lên tiếng kết tội. Nam cúi đầu im lặng nghe mọi người phán xử. Em đã đứng dậy phát biểu, ngay từ lời mở đầu em đã làm cho tất cả mọi người bất ngờ sửng sốt: “Nam không phải là người có lỗi mà Nam là người bạn tốt”. Mọi người chăm chú theo. Tâm trạng của em lúc đó thật xúc động, em tự trấn an mình: “hãy bình tĩnh, bởi lẽ mình đang bảo vệ cho lẽ phải, đang minh oan cho một người tốt thì không có gì run phải sợ”. Em bắt đầu lập luận: "Thứ nhất, trong lớp từ trước tới nay Nam chưa bao giờ gây sự với ai. Thứ hai, việc làm đó là do vô tình. Thứ ba, sau khi sự việc xảy ra Nam đã xin lỗi Thắng, và giúp Thắng nộp lại bài. Chúng ta không thể kết tội một người bạn như thế." Em vừa dứt lời tiếng vỗ tay vang lên như sấm, kèm theo là những lời tán thưởng: “Đồng ý! Đồng ý!” Nam nhìn em ánh mắt đầy biết ơn.

Câu 2: (trang 161 SGK Ngữ văn 9, tập 1) 

Gợi ý:

- Có thể kể một vài mẩu chuyện hoặc sự việc nói lên tính cách của bà, tình cảm của bà đối với em.

- Xen kẽ các câu chuyện, sự việc trên hoặc khi kết thúc bài có lời bình luận của em hoặc mọi người về bà.

Bài viết tham khảo:

       Bà tôi, người bà hiền hậu thương yêu luôn hiển hiện trong tâm trí tôi. Những lúc rảnh rỗi bà thường dạy tôi học bài. Có một lần đang dạy tôi làm phép chia, bà nói: “Trong bốn phép tính, phép chia là khó nhất. Có những người lớn lên, thành đạt mà vẫn không làm nổi phép tính chia thông thường”. Tôi luôn suy nghĩ mãi về câu nói đó... Mỗi khi có đồ ăn, bà thường chia cho nhà tôi và những người hàng xóm. Có người bảo bà dại nhưng bà hay nói với tôi: “Biết chia sẻ với mọi người cũng là một cách cộng lấy niềm vui, nhân lên hạnh phúc cho mình và trừ đi những lo lắng trong lòng. Cháu thấy không, tính chia thật kì diệu”. Phép tính chia của bà chỉ thế thôi nhưng khiến cho hàng xóm chúng tôi mọi người xích lại gần nhau hơn. Phép tính chia của bà, chia khổ đau bất hạnh, chia hạnh phúc, chia cả sự cảm thông với mọi người chung quanh đã cho tôi hiểu ý nghĩa của cuộc sống nghĩa tình. Có phải vì vậy mà mỗi lần được ở bên bà, tôi lại cảm thấy bình yên? Thì ra phép chia còn khiến con người ta trở nên cao đẹp! Bài học đó tôi luôn mang theo bên mình, coi như hành trang bước vào cuộc sống. Bà là một người tuyệt vời trong tôi.

(379) 1264 29/07/2022