Soạn bài Em bé thông minh lớp 6

Soạn bài Em bé thông minh lớp 6, gợi ý trả lời các câu hỏi đọc hiểu soạn văn 6 bài Em bé thông minh trang 70 SGK Ngữ văn 6 tập 1.
(401) 1335 04/08/2022

Tài liệu soạn bài Em bé thông minh lớp 6 do HocOn247 biên soạn gồm 2 phần: kiến thức cơ bản và gợi ý trả lời câu hỏi sách giáo khoa Ngữ văn 6.

Truyện Em bé thông minh là một truyện cổ tích về nhân vật thông minh, một kiểu nhân vật khá phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Truyện đề cao sự thông minh và trí khôn dân gian từ đó tạo nên tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong đời sống hàng ngày.

Cùng tham khảo...

Soạn bài Em bé thông minh - Ngữ văn 6

Soạn bài Em bé thông minh sách mới

Chương trình mới đã giữ lại văn bản Em bé thông minh trong bộ sách Chân trời sáng tạo. Văn bản được giữ nguyên phần nội dung, tuy nhiên phần nội dung câu hỏi soạn bài được điều chỉnh lại, các em có thể xem chi tiết dưới đây.

Soạn bài Em bé thông minh sách Chân trời sáng tạo

Chuẩn bị đọc

Câu 1. Người như thế nào được xem là người thông minh?

Câu 2. Theo em, người thông minh có thể giúp ích gì cho mọi người?

Trải nghiệm cùng văn bản

Câu 1. Theo em ai sẽ là người giải quyết thử thách này? Người đó có thành công không?

Câu 2. Liệu trong phần tiếp theo, em bé có phải vượt qua những thử thách nữa hay không?

Câu 3. Chi tiết em bé "hát lên một câu" cho em biết điều gì về nhân vật này?

Suy ngẫm và phản hồi

Câu 1. Truyện Em bé thông minh kể về kiểu nhân vật nào trong truyện cổ tích?

Câu 2. Đọc đoạn văn sau:

Hồi đó, có một nước láng giềng lăm le muốn chiếm bờ cõi nước ta. Để dò xem bên này có nhân tài hay không, họ sai sứ đưa sang một cái vỏ ốc vặn rất dài, rỗng hai đầu, đố làm sao xâu một sợi chỉ mảnh xuyên qua đường ruột ốc.

Đây là lời của người kể chuyện hay lời nhân vật? Vì sao em cho là như vậy?

Câu 3. Trong truyện, em bé đã vượt qua những thử thách nào? Các thử thách ấy có ý nghĩa gì trong việc thể hiện phẩm chất của nhân vật em bé thông minh?

Câu 4. Em đánh giá như thế nào về kết thúc của truyện?

Câu 5. Theo em, chủ đề của truyện em bé thông minh là gì?

Câu 6. Lời giải đố của các nhân vật thông minh trong truyện cổ tích thường dựa vào kiến thức từ đời sống. Việc tích lũy kiến thức từ đời sống có tác dụng gì đối với chúng ta.

>> Xem hướng dẫn soạn bài Em bé thông minh sách Chân trời sáng tạo chi tiết

Soạn bài Em bé thông minh sách cũ

Soạn văn 6 Em bé thông minh chi tiết

Đọc - hiểu

Bài 1 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Hình thức dùng câu đố để thử tài nhân vật có phổ biến trong truyện cổ tích không? Tác dụng của hình thức này?

Trả lời

Hình thức dùng các câu đố để thử tài con người rất phổ biến trong các câu chuyện cổ tích. Việc ra câu đố và giải đố, liên kết các sự kiện, nhân vật xung quanh hệ thống câu đố có nhiều tác dụng, trong đó chủ yếu là tạo ra các tình huống để phát triển cốt truyện, tạo sức hấp dẫn, cuốn hút người đọc, người nghe. Bên cạnh đó, tài năng, phẩm chất trí tuệ của các nhân vật cũng được bộc lộ trong quá trình giải quyết các câu đố mà người thường không giải được.

Bài 2 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua mấy lần? Lần sau có khó hơn lần trước không? Vì sao?

Trả lời

Sự mưu trí, thông minh của em bé được thử thách qua bốn lần, lần sau khó hơn lần trước:

– Lần thứ nhất: Trả lời câu hỏi phi lí của viên quan (không ai đi cày lại bỏ công đếm số đường cày trong một ngày).

– Lần thứ hai: Thay mặt dân làng hoá giải câu đố của vua (bắt trâu đực đẻ ra trâu con).

– Lần thứ ba: Trả lời câu đố vua giao cho chính mình (vua đã biết người tài là ai nên không cần đố cả làng nữa).

– Lần thứ tư: Không phải là chuyện giải đố để khẳng định tài năng. Việc giải đố liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc (nếu không ai giải được thì tức là đất nước không có người tài, khó có thể chống lại được thế lực hùng hậu của giặc).

Bài 3 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Trong mỗi lần thử thách, em bé đã dùng những cách gì để giải những câu đố oái oăm? Theo em, những cách ấy lí thú ở chỗ nào?

Trả lời

Khi soạn bài Em bé thông minh, em thấy trong mỗi lần thử thách em bé lại dùng những cách khác nhau để giải được những câu đố oái oăm đó là:

– Lần 1:

+ Quan đố : Trâu cày một ngày được mấy đường ?

+ Cậu bé giải câu đố bằng cách đố lại : Ngựa một ngày đi mấy bước.

+ Sự đối đáp vô cùng nhanh nhạy tạo nên sự bất ngờ thú vi, khiến viên quan bí không trả lời được.

– Lần 2:

+ Vua ban ba thúng gạo nếp với ba con trâu đực ra lệnh nuôi đẻ thành 9 con.

+ Cậu bé giải câu đố bằng cách “tương kế tựu kế”, đưa nhà vua vào “bẫy”, trách cha không đẻ em bé để cho vua tự nói điều phi lý. Cậu bé dùng lý lẽ của vua (giống đực không đẻ) để bác ý vua (cần lưu ý trước đó cậu bé đã hiểu ý vua. Khi cho trâu kèm với thúng nếp, trâu ăn cỏ chứ không ăn lúa nếp).

– Lần 3:

+ Vua ban cho một con chim sẻ, yêu cầu thịt chim sẻ thành ba cỗ thức ăn.

+ Cậu bé giải thích câu đố bằng cách đố lại : yêu cầu vua rèn cái kim may thành dao để làm thịt con chim sẻ dọn thành ba cỗ thức ăn. Dồn nhà vua vào thế bí. A không thực hiện được thì B cũng chịu.

– Lần 4:

+ Sứ giả nước láng giềng thử tài thách đố luồn sợi chỉ qua con ốc.

+ Lần thứ tư, cậu bé giải bằng kinh nghiệm dân gian khiến mọi người bất ngờ thú vị vì nó giản dị và hồn nhiên.

Bài 4 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Hãy nêu ý nghĩa của truyện cổ tích Em bé thông minh.

Trả lời

Câu chuyện cổ tích Em bé thông minh đề cao phẩm chất trí tuệ của con người, cụ thể là người lao động nghèo. Đó là trí thông minh được đúc rút từ hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú. Những người nông dân khi xưa tuy không mấy ai được cắp sách đến trường nhưng những kinh nghiệm, những kiến thức họ có được là nhờ có cuộc đời, trường học của họ là trường đời.

Bằng các tình huống bất ngờ, truyện đã đem lại cho người đọc, người nghe những tiếng cười vui vẻ, thú vị.

Luyện tập

Bài 1 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Kể diễn cảm truyện này.

Gợi ý

Truyện được xây dựng chủ yếu qua hệ thống các câu đố, tạo nên các tình tiết hồi hộp, li kì, hấp dẫn. Do đó, lời kể cần nêu bật cách xử lí tình huống, phương pháp giải đáp vừa linh hoạt vừa đơn giản và hiệu quả đến bất ngờ.

Hệ thống các câu đối thoại rất độc đáo: mỗi kiểu đối thoại thể hiện một đặc điểm tính cách khác nhau.

– Viên quan có giọng hống hách: “Này lão kia, trâu của lão một ngày cày được mấy đường?”.

– Giọng em bé láu lỉnh, tinh nghịch, hồn nhiên, dí dỏm, hay hỏi vặn lại nhằm mục đích đẩy người đố vào thế bí, thế bị động.

– Giọng ông bố có vẻ cam chịu, có phần sợ hãi: “Đã ăn thịt còn lo liệu thế nào? Mày đừng có làm dại mà bay mất đầu con ạ!”.

Tham khảo ngay một số bài văn mẫu kể diễn cảm truyện Em bé thông minh để soạn bài Em bé thông minh được đa dạng nhất.

Bài 2* trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Hãy kể một câu chuyện “Em bé thông minh” mà em biết.

Trả lời

Gợi ý: Kể một câu chuyện hoặc một tình huống ứng xử thông minh của một em bé mà em được chứng kiến hoặc được xem trên vô tuyến, đọc trên báo chí. Có thể tham khảo thêm các sách như: Thần đồng xưa của nước ta của Quốc Chấn, Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi (tập 2), Truyện Trạng Quỳnh, Truyện Trạng Lợn,…

Tham khảo câu chuyện sau:

   Có một lão nông dắt lừa đi mua đồ. Trên đường đi về, vì quá mệt nên lão đã chọn một gốc cây xanh, tán rộng để chợp mắt đôi chút. Lúc lão ngủ, con lừa bị ai đó dắt đi mất. Tỉnh dậy, lão vô cùng bàng hoàng và vội vàng chạy đi tìm ngay.

    Trên đường đi tìm con lừa, lão gặp một cậu bé. Lão hỏi:

- Này cháu, cháu có thấy con lừa của ta đâu không?

- Có phải con lừa bị mù một mắt bên trái, què một chân bên phải và đang chở lúa phải không ạ?

- Đúng, đúng là nó. Thế cháu nhìn thấy nó ở đâu?

- Cháu không nhìn thấy nó ở đâu cả.

- Vừa tả con lừa kỹ càng thế mà bảo không thấy hả? Con lừa của ta đâu? Mang ngay ra đây cho ta.

- Ơ kìa, cháu đã bảo cháu không biết cơ mà. Tại sao ông không hỏi ai mà cứ hỏi cháu.

- Ở đây chỉ có mình tao với mày, không hỏi mày thì tao hỏi ai? Con lừa của ta đâu?

- Cháu không biết, cháu đã nói là cháu không biết cơ mà.

- A, cái thằng này dám láo. Dám đùa giỡn ta hả? Đã trộm cắp lại còn ngoan cố.

   Nhất quyết đổ cho cậu bé tội ăn cắp lừa, lão nông tức giận lôi cậu bé lên gặp quan tòa và đòi kiện. Trước mặt quan tòa, lão nông kể lể sự tình cùng những lập luận của mình. Quan tòa nghe có đôi chút băn khoăn, hỏi cậu bé:

- Này cậu bé, sao cháu lại trộm lừa của ông ta?

- Cháu không ăn trộm, thậm chí, cháu còn chưa hề nhìn thấy lừa khi cháu gặp ông ấy.

- Không trông thấy sao cháu tả tỉ mỉ thế?

   Vì cháu nhìn thấy dấu chân của một con lừa nhưng dấu chân trái khác với chân phải nên cháu biết con lừa đang đi khập khiễng. Cháu biết con lừa bị mù mắt trái vì đám cỏ bên phải bị ăn sạch còn đám cỏ bên trái thì không. Và con lừa này có lẽ đang chở lúa mì vì trên đường còn vương vãi đầy hạt.

   Nghe những lập luận của cậu bé, vị quan tòa gật gù tỏ vẻ hài lòng. Sau đó, ra lệnh cho quân lính giam lão nông lại nhưng vì lão nông biết lỗi và van nỉ xin tha nên quan tòa mủn lòng đồng ý.

Soạn bài em bé thông minh - Soạn văn 6

Nếu không có quá nhiều thời gian chuẩn bị bài chi tiết như ở trên thì các em cũng có thể tham khảo hướng dẫn soạn văn 6 bài Em bé thông minh ngắn nhất dưới đây nhé:

Soạn bài Em bé thông minh ngắn nhất

Đọc - hiểu

Câu 1* trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Hình thức dùng câu đố thử tài nhân vật phổ biến trong truyện cổ tích. Vừa tạo sự hấp dẫn, cuốn hút người đọc, lại tạo ra tình huống phát triển cốt truyện đơn giản đến phức tạp, đồng thời thể hiện tài năng, trí tuệ hơn người của nhân vật.

Câu 2 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Sự thông minh được thử thách qua bốn lần:

- Lần 1: viên quan hỏi về đường cày của trâu.

- Lần 2: đố nuôi trâu được đẻ con.

- Lần 3: thịt một con chim sẻ thành ba cỗ bàn thức ăn.

- Lần 4: đố xâu sợi chỉ mềm qua đường ruột ốc dài.

Các thử thách ngày càng khó. Vì vị trí quan trọng người đố tăng dần, người giải đố cũng rộng hơn, và mức khó tăng lên càng thể hiện sự thông minh của cậu bé.

Câu 3 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Sự lí thú ở những cách giải đố: dùng các kiến thức ngay trong thực tế đời sống, tạo nên sự ngạc nhiên và thán phục cho mọi người.

- Lần 1: đố lại viên qua.

- Lần 2: dùng lí lẽ của vua để thừa nhận sự phi lí.

- Lần 3: đố lại nhà vua.

- Lần 4: dùng kinh nghiệm dân gian.

Câu 4 trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Ý nghĩa truyện: Đề cao sự thông minh và trí khôn dân gian (trong câu đố và cách giải đố); truyện tạo ra tiếng cười bất ngờ, vui vẻ.

Luyện tập

Câu 2* trang 74 SGK Ngữ văn 6 tập 1

Câu chuyện Em bé thông minh mà các em có thể kể như: thần đồng Quốc Chấn, trạng Quỳnh,...

Tóm tắt truyện Em bé thông minh

Có ông vua nọ, vì muốn tìm người hiền tài nên đã cho một viên quan đi dò la khắp cả nước. Viên quan ấy đến đâu cũng ra những câu đố oái oăm, hóc búa để thử tài.

Một hôm, viên quan thấy hai cha con đang làm ruộng bèn hỏi một câu rất khó về số đường cày con trâu cày được trong một ngày. Ông bố không trả lời được, cậu con trai nhanh trí hỏi vặn lại khiến viên quan thua cuộc. Biết đã gặp được người tài, viên quan nọ về bẩm báo với vua. Vua tiếp tục thử tài, bắt dân làng đó phải làm sao cho trâu đực đẻ ra trâu con. Bằng cách để cho nhà vua tự nói ra sự vô lí trong yêu cầu của mình, cậu bé đã cứu dân làng thoát tội. Cậu tiếp tục chứng tỏ tài năng bằng cách giải các câu đố tiếp theo và được nhà vua ban thưởng rất hậu.

Vua nước láng giềng muốn kéo quân sang xâm lược nhưng trước hết muốn thử xem nước ta có người tài hay không bèn cho sứ giả mang sang một chiếc vỏ ốc vặn thật dài và đố xâu sợi chỉ qua. Tất cả triều đình không ai giải được lại tìm đến cậu bé. Với trí thông minh khác người, lại sống gần gũi với thực tế, cậu bé vừa chơi vừa giải đố, kết quả là tránh được cho đất nước một cuộc chiến tranh. Nhà vua thấy thế bèn xây dinh thự ngay cạnh hoàng cung để cậu ở cho tiện việc hỏi han đồng thời phong cho cậu làm Trạng nguyên.

Các em cũng có thể tham khảo thêm một số bài tóm tắt truyện Em bé thông minh khác nhé!

Ghi nhớ

Đây là truyện cổ tích về nhân vật thông minh - kiểu nhân vật phổ biến trong truyện cổ tích Việt Nam và thế giới. Truyện đề cao sự thông minh và trí khôn dân gian (qua hình thức giải những câu đố, vượt những thách đố oái oăm,...) từ đó tạo nên tiếng cười vui vẻ, hồn nhiên trong đời sống hằng ngày.

Để mở rộng kiến thức về truyện Em bé thông mình, Đọc tài liệu cung cấp cho em đề cương ôn tập học kì 1 Ngữ văn 6 bài Em bé thông minh để các em học sinh dễ dàng nắm kiến thức bài học này nhất.

-/-

Trên đây là phần soạn bài Em bé thông minh lớp 6 do HocOn247 biên soạn nhằm giúp các em nắm được nội dung, ý nghĩa câu chuyện, một số đặc điểm nổi bật của nhân vật chính trong chuyện. Để tham khảo các bài học tiếp theo tốt nhất thì đừng bỏ qua nội dung soạn văn 6 chi tiết do HocOn247 tổng hợp nhé!

Chúc các em học tốt!


    TẢI VỀ

    (401) 1335 04/08/2022