Bài giảng Các phép tu từ - phép điệp và phép đối
I. Phép điệp
1. Khái niệm
Phép điệp là biện pháp tu từ lặp lại một yếu tố diễn đạt (vần, âm, thanh, từ, cụm từ, câu) nhằm nhấn mạnh, biểu đạt cảm xúc và ý nghĩa, có khả năng gợi hình tượng nghệ thuật
2. Các hình thức điệp
a. Điệp âm
Ví dụ:
Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chiu chít ai nào kêu ai
(Tố Hữu)
b. Điệp vần
Ví dụ:
Lơ thơ tơ liễu buông mành
Con oanh học nói trên cành ngẩn ngơ
(Nguyễn Du)
c. Điệp thanh
Ví dụ: điệp thanh trắc
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
(Quang Dũng)
d. Điệp từ
Ví dụ:
Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương
Nhớ ai dãi nắng dầm sương
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao
(Ca dao)
e. Điệp ngữ (cụm từ)
Ví dụ:
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá mắc câu.
Cá mắc câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
(Ca dao)
g. Điệp cấu trúc cú pháp
Ví dụ:
Khăn thương nhớ ai
Khăn rơi xuống đất
Khăn thương nhớ ai
Khăn vắt lên vai
Khăn thương nhớ ai
Khăn chùi nước mắt
(Ca dao)
II. Phép đối
1. Khái niệm:
- Phép đối là cách sử dụng những từ ngữ, hình ảnh, các thành phần câu, vế câu song song, cân đối trong lời nói nhằm tạo hiệu quả diễn đạt: nhấn mạnh về ý , gợi liên tưởng, gợi hình ảnh sinh động, tạo nhịp điệu cho lời nói, biểu đạt cảm xúc tư tưởng…
2. Đặc điểm
- Số lượng âm tiết của hai vế đối phải bằng nhau.
VD: Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng
(Ca dao)
- Các từ ngữ đối nhau phải cùng từ loại với nhau (danh từ đối với danh từ, động từ – tính từ đối với động từ – tính từ).
VD:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
(Nhàn – Nguyễn Bỉnh Khiêm)
- Các từ đối nhau hoặc phải trái nghĩa với nhau, hoặc phải cùng trường nghĩa với nhau, hoặc phải đồng nghĩa với nhau để gây hiệu quả bổ sung, hoàn chỉnh về nghĩa.
VD:
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh
Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn
(Hồ Xuân Hương)
3. Phân loại: Có hai loại đối:
- Tiểu đối (tự đối): Các yếu tố đối xuất hiện trong nội bộ một câu, một dòng.
VD:
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
(Nguyễn Du)
- Trường đối (bình đối): dòng trên và dòng dưới, đoạn trên và đoạn dưới đối nhau
VD:
Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà
(Bà huyện Thanh Quan)