Bài giảng về Ẩn dụ và hoán dụ

Lý thuyết về phép tu từ ấn dụ và hoán dụ ngắn gọn dễ hiểu có ví dụ minh hoạ giúp các em học tốt môn văn lớp 10, soạn bài dễ dàng
(391) 1303 29/07/2022

I. ẨN DỤ

1. Khái niệm

Ẩn dụ là một biện pháp tu từ, theo đó, gọi tên các sự vật, hoặc hiện tượng này bằng tên sự vật, hiện tượng khác có nét tương đồng với nhau có tác dụng nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm.

2. Phân loại

Ẩn dụ được thể hiện qua bốn hình thức: Ẩn dụ hình thức, ẩn dụ cách thức, ẩn dụ phẩm chất, ẩn dụ chuyển đổi cảm giác.

a. Ẩn dụ hình thức

- Khái niệm: là việc người nói người viết giấu đi một phần ý nghĩa.

- Ví dụ:

                         “Về thăm nhà Bác Làng Sen

                     Có hàng râm bụt thắp lên lửa hồng.”

=> Thắp: Chính là biện pháp ẩn dụ để chỉ hoa râm bụt đang nở.

b. Ẩn dụ cách thức:

- Khái niệm: là hình thức một vấn đề thông qua nhiều cách, việc ẩn dụ này giúp người diễn đạt đưa hàm ý vào câu nói. Đây là hình thức ẩn dụ dễ khiến nhiều bạn nhầm  lẫn với hoán dụ nhất.

- Ví dụ: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.

=> Kẻ trồng cây: Là hình ảnh ẩn dụ ám chỉ những người lao động, tạo ra giá trị lao động.

c. Ẩn dụ phẩm chất:

- Khái niệm: là hình thức dùng phẩm chất của sự vật hoặc hiện tượng này bằng phẩm chất của sự vật, hiện tượng khác cả hai phải có nét tương đồng.

- Ví dụ:

                           “Người Cha mái tóc bạc

                            Đốt lửa cho anh nằm”

=> Người cha:  là hình ảnh ẩn dụ nói đến Bác Hồ

d. Ẩn dụ chuyển đổi cảm giác:

- Khái niệm: là hình thức miêu tả tính chất, đặc điểm của sự vật được nhận biết bằng giác quan này nhưng lại được miêu tả bằng từ ngữ sử dụng cho giác quan khác .

- Ví dụ: Trời nắng giòn tan: nói đến trời nắng to, có thể làm khô mọi vật

II. HOÁN DỤ

1. Khái niệm

Hoán dụ chính là gọi tên sự vật, hiện tượng bằng tên của một sự vật, hiện tượng khác; giữa chúng có quan hệ gần gũi với nhau, nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt.

2. Các kiểu hoán dụ

a. Lấy 1 bộ phận để gọi toàn thể:

Ví dụ: anh ấy là chân sút số một của đội bóng. Từ “chân” không được hiểu theo nghĩa đen mà phải hiểu theo nghĩa bóng – tức là chỉ con người.

b. Dùng vật chứa đựng để gọi vật bị chứa đựng:

Ví dụ: Cả khán đài hò reo, cổ vũ cho đội tuyển Việt Nam – Trường hợp này “khán đài” mang nghĩa là những người ngồi trên khán đài.

c. Dùng dấu hiệu sự vật để gọi sự vật:

Ví dụ: cô gái có mái tóc màu hạt dẻ đang đứng một mình dưới mưa. Ở đây “mái tóc màu hạt dẻ” là dấu hiệu để nhận biết một người.

d. Dùng những cái cụ thể để nói về cái trừu tượng.

Ví dụ:

                             “Một cây làm chẳng nên non

                           Ba cây chụm lại nên hòn núi cao”.

Cái cụ thể ở đây là “một cây” và “ba cây” cái trừu tượng là chỉ số lượng ít nhiều.

III. SO SÁNH ẨN DỤ VÀ HOÁN DỤ

- Giống:

Ẩn dụ và hoán dụ đều là những biện pháp tu từ phổ biến, đều dựa trên sự liên tưởng giữa các sự vật hiện tượng tương đồng với nhau nhằm tăng sức gợi hình, gợi cảm trong diễn đạt

- Khác:

+ Ẩn dụ dựa trên sự liên tưởng tương đồng. Tức là giữa A và B có điểm giống nhau nên người ta dùng B để thay cho B. Trong đó, A và B là hai sự vật thuộc hai phạm trù hoàn toàn khác nhau.

 Ví dụ: “Thuyền đi để bến đợi chờ/ Tình đi nghĩa ở bao giờ quên nhau”.

=> Thuyền: Chính là sự ẩn dụ chỉ người đi xa, bến: là ẩn dụ chỉ người ở lại. Giữa thuyền và người đi, bến và người ở lại có sự tương đồng với nhau.

+ Hoán dụ là sự liên tưởng tương cận giữa các sự vật, hiện tượng. Nghĩa là, mối quan hệ giữa A và B rất gần gũi, nói đến A người ta sẽ liên tưởng đến B.

Ví dụ: “Đầu xanh có tội tình gì/ Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi” (Nguyễn Du).

=> Đầu xanh: Là sự hoán dụ chỉ những người đang ở độ tuổi trẻ trung. Má hồng: chỉ những cô gái đẹp.

 

(391) 1303 29/07/2022