Bài viết chi tiết bài làm văn số 5: Văn thuyết minh siêu ngắn

Bài viết chi tiết bài tập làm văn số 5 hay nhất
(384) 1280 29/07/2022

Đề 1: Một danh lam thắng cảnh của đất nước quê hương.

Bài làm

         Đất nước hình chữ S nhỏ bé của chúng ta có rất nhiều địa điểm du lịch độc đáo và nổi tiếng. Tự hào được thiên nhiên ưu ái, nước Việt Nam ta có rất nhiều bãi biển, vũng vịnh tuyệt đẹp. Có thể kể đến rất nhiều những địa điểm như thế. Nhưng không thể nào thiếu Vịnh Hạ Long.

         Hạ long là cái tên tự hào của người Việt Nam. Được UNESCO công nhận là bảy kỳ quan thiên nhiên đẹp nhất thế giới, Vịnh Hạ Long đã góp phần không nhỏ vào việc xây dựng hình ảnh đẹp của chúng ta trong mắt bạn bè quốc tế. Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam thuộc một phần của vịnh Bắc Bộ. Vịnh Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh – Việt Nam bao gồm vùng biển của thành phố Hạ Long, thị xã Cẩm Phả, và một phần của huyện đảo Vân Đồn. Phía tây nam vịnh giáp đảo Cát Bà, phía đông là biển, phần con lại giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km với tổng diện tích 1553 km². Vịnh Hạ Long gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ. Đảo ở đây có hai loại là đảo đá vôi và đảo phiến thạch tập trung ở Bái Tử Long và vịnh Hạ Long. Ở đây, chúng ta có thể tham gia chiêm ngưỡng hàng loạt những hang động đẹp, nổi tiếng. Vùng di sản thiên nhiên được UNESCO công nhận có diện tích 434 km² gồm 775 đảo. Phần thiên nhiên được công nhận này như một hình tam giác với 3 đỉnh là đảo Đầu Gỗ ở phía Tây, hồ Ba Hầm ở phía nam và đảo Cống Tây ở phía đông. Sự độc đáo của vịnh Hạ Long chính là hình dáng, đặc điểm của những hòn đảo nhỏ ấy. Các hang động đẹp cũng là điểm nhấn lớn của Hạ Long. Từng đảo, từng đảo quần tụ lại nhìn xa cứ như lớp lớp chồng lên nhau, tiến lại gần thì như xen kẽ nhau tạo thành một quần thể đẹp đến lạ lùng. Phải tự hào chúng ta được tạo hóa ưu ái. Từng đảo của vịnh không mang những đẹp mà còn mang hình hài của vạn vật. Từ hòn Trống Mái, hòn Ông Sư, hòn Lã Vọng rồi đến đảo Tuần Châu, hang Trinh Nữ….

         Vịnh Hạ Long không chỉ đẹp bởi đảo đá, núi đá, hang động, mà còn đẹp bởi nước biển ở đây. Nước biển rất trong xanh. Chính vì thế mà du khách tới đây thường để tắm biển và ngắm đảo, hang động. Tên gọi Vịnh Hạ Long có từ thời Pháp thuộc. Trước đây vịnh có tên là Lục Châu, Lục Hải. Thời nhà Lý, vịnh có tên là Hải Châu. Đến thời vua Trần, Lê được gọi bằng các tên như: An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn, Lục Thủy. Tên của vịnh được thay đổi nhiều qua các thời kỳ. Cái tên vịnh Hạ Long xuất phát từ truyền thuyết Rồng đáp xuống bảo vệ chúng ta khỏi lũ giặc ngoại xâm. Theo nghĩa Hán Việt "Long" là rồng, "hạ" là đáp xuống. Cái tên Hạ Long chính là để nhắc về truyền thuyết này. Vịnh Hạ Long được vinh danh là kỳ quan thiên nhiên thế giới không chỉ bằng vẻ đẹp mà còn bởi nhiều yếu tố khác. Chẳng hạn như, ở nơi đây có rất nhiều địa danh khảo cổ học nổi tiếng: Đồng Mang, Soi Nhụ, Thoi Giếng… Nó đã chứng minh, Hạ Long là cái nôi của nền văn minh con người thời kỳ Hậu đồ đá. Hơn hết, ở đây còn có sự đa dạng sinh học bậc nhất. Với sự tập trung của nhiều loài động thực vật đặc trưng cho từng kiểu hệ sinh thái: hệ sinh thái rừng ngập mặn, hệ sinh thái rạn san hô, hệ sinh thái rừng cây nhiệt đới… cùng với hàng ngàn loài động vật biển quý hiếm chỉ có ở vịnh Hạ Long. Điểm quan trọng không kém của vịnh Hạ Long này chính là nó gắn liền với nhiều giai thoại lịch sử của dân tộc, với nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm lẫy lừng của các vị tướng anh hùng. Có thể kể đến: chiến thắng sông Bạch Đằng lẫy lừng năm xưa.

         Một kỳ quan thiên nhiên, một dấu ấn lịch sử. Đến vịnh Hạ Long bạn không chỉ được tận hưởng một không gian đẹp, thiên nhiên bao trùm, cảnh sắc thoải mái nhẹ nhàng và êm dịu, mà còn được thưởng thức những món ăn ngon chế biến từ hải sản, các hoạt động giải trí. Đến Hạ Long chắc chắn bạn sẽ có một kì nghỉ dưỡng tuyệt vời.

Đề 2: Một loại hình ca nhạc (hay sân khấu) mà anh/chị hằng yêu thích

Bài làm

         Có người nói rằng nếu chưa nghe ca Huế trên sông Hương thì xem như chưa một lần đến Huế. Còn gì thú vị bằng buông thuyền trên dòng sông Hương thơ mộng để thả hồn vào những điệu hò mênh mang, những câu hát Nam ai, Nam bình sâu lắng...

         Ca Huế trên sông Hương là một hình thức sinh hoạt nghệ thuật độc đáo của người dân Cố đô, được lưu giữ và phát triển qua hàng trăm năm nay. Vì thế du khách đến Huế, ngoài nhu cầu thăm thú thưởng ngoạn những đền đài lăng tẩm Huế, ai cũng mong được một lần tựa mạn thuyền rồng để nghe những làn điệu ca Huế ngọt ngào sâu thẳm cất lên trên bồng bềnh sông nước Hương giang. Đặc biệt là những người yêu Huế, muốn thẩm thấu trọn vẹn cái hồn, cái tình của Huế ẩn sâu trong thú chơi nghệ thuật tinh tế đặc sắc này. Chẳng thế mà gần 70 năm trước chàng thi sĩ trẻ tài hoa Văn Cao, đã như lạc vào chốn "Thiên Thai" chỉ vì một lần tựa mạn thuyền rồng trên sông Hương:


"... Em cạn lời cho anh dứt nhạc; Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh; Một đêm đàn lạnh trên sông Huế; Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh..."

          Khi thành phố bắt đầu lên đèn, cầu Trường Tiền lấp lánh trong đêm với đủ các màu sắc thì những chiếc thuyền rồng lần lượt rời bến, chầm chậm ngược dòng sông Hương, đêm ca Huế bắt đầu. Thuyền rồng hững hờ trôi trong màn sương, khán giả trên thuyền, kẻ háo hức ngắm thành phố Huế thơ mộng từ sông Hương, người thì chăm chú xem các nghệ sĩ chuẩn bị biểu diễn.

         Ca Huế được chia thành hai điệu chính, điệu khách (hay còn gọi là điệu Bắc) và điệu Nam. Điệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp... Điệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương thổn thức như nam ai, nam bình, tương tư khúc... Ngoài hai điệu chính, ca Huế còn có nhiều hơi nhạc như thương, ai, xuân, thiền... để diễn tả những cung bậc sắc thái tình cảm khác nhau khi thể hiện. Chính hơi nhạc đã làm cho các danh ca, danh cầm Huế không còn là người diễn xướng đơn thuần những làn điệu có sẵn, mà là đất để họ tạo nên sự khác biệt trong khổ luyện tài hoa.

           Bốn bản nhạc lễ cung đình Huế "Lưu Thủy", "Kim Tiền", "Xuân Phong", "Long Hổ"... đưa người xem ngược dòng thời gian, về với những cung đình, những nét đẹp của một quá khứ vàng son đã khép lại. Ca sĩ và nhạc công say mê biểu diễn, du khách lặng lẽ, chìm đắm thưởng thức và chiêm nghiệm. Dường như mọi khoảng cách bị xóa nhòa, chỉ còn lại những tri âm, tri kỷ cùng đồng điệu với nhau trong những câu ca, tiếng đàn.

            Ca Huế với âm sắc ngọt ngào của giọng nói xứ Huế, hòa trong không gian tĩnh mịch của đêm tối, dưới sắc nước lung linh ánh đèn sẽ làm cho bất cứ ai cũng có được một cảm giác lắng đọng tuyệt vời. Một lần được trải nghiệm là một lần nhớ mãi, là hơn một lần muốn quay trở lại... Chính vì thế, ca Huế trên sông Hương được người dân Cố đô trân trọng giữ gìn và phát triển qua hàng trăm năm nay trước bao nhiêu biến cố thăng trầm của lịch sử như một tài sản văn hóa vô giá của mảnh đất thần kinh này.

Đề 3: Một ngành thủ công mĩ nghệ hoặc một đặc sản, một nét văn hóa ẩm thực) của địa phương mình.

Bài làm

“Ước gì anh lấy được nàng

Để anh mua gạch Bát Tràng về xây”

         Chắc hẳn trong số chúng ta chẳng ai còn xa lạ gì với câu ca dao này. Nó không chỉ thấm nhuần trong những câu ru ngọt ngào của mẹ mà nó còn xuất hiện rất nhiều trong sách vở. Ngày nay tuy Bát Tràng không còn sản xuất gạch nữa thế nhưng gốm sứ Bát Tràng đã trở thành một điểm nhấn không dễ phai mờ trong lòng người dân Việt Nam. Nó không chỉ được người trong nước ưa chuộng mà còn vô cùng nổi tiếng cả đối với du khách thế giới.

         Làng gốm Bát Tràng nằm ở ngoại thành Hà Nội. Từ thủ đô bạn chỉ cần đi qua cầu vượt Chương Dương theo triền đê khoảng 10km là đến. Về nguồn gốc, lịch sử ra đời cũng có nhiều tích khác nhau. Làng Gốm Bát Tràng xuất hiện từ bao lâu không ai rõ thế nhưng theo Đại Việt sử kí toàn thư thì nó bắt đầu ra đời dưới thời nhà Lý khoảng những năm 1010 đến 1225. Những người dân thuộc xã Bồ Bát tỉnh Ninh Bình lên đây lập nghiệp và đổi tên vùng đất này thành xã Bát Tràng. Vùng đất này vốn có nhiều đất sét trắng nguồn nguyên liệu dồi dào để tạo nên những sản phẩm gốm chất lượng cao.

         Tuy nhiên cũng có một nguồn khác ghi lại sự hình thành của làng gốm Bát Tràng là do ba vị học sinh là Hứa Vinh Kiều, Đảo Trí Tiến và Lưu Phương Tú cử đi sứ ở Bắc Tống. Sau khi hoàn thành sứ mệnh, trên đường trở về quê hương ba vị học sĩ gặp bão nên phải dừng chân tại Thiều Châu nay là Triều Châu, Quảng Đông Trung Quốc. Ở đây có lò gốm nổi tiếng nên ba ông đã đến thăm và học hỏi một số kĩ thuật và mang về nước truyền bá lại cho dân chúng. Hứa Vĩnh Kiều truyền lại Bát Tràng nước men rạn trắng. Đào Trí Tiến truyền cho Thổ Hà nước men đỏ vàng. Còn Lưu Phương Tú truyền cho dân Phù Lãng nay là Bắc Ninh nước men đỏ vàng thẫm. Nếu đúng như vậy thì nghề gốm Bát Tràng đã có từ thời Lý khoảng những năm 1127.

         Để tạo nên được một tác phẩm gốm nghệ thuật phải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên bạn phải xử lí đất sét. Nguồn đất sét hiện nay có thể lấy từ trong làng hoặc các vùng như Hổ Lao, Trúc Thôn… đem về ngâm trong bể chứa. Người ta chia làm 4 bể chứa các loại với những công dụng khác nhau ứng với từng công đoạn xử lí đất sét như: bể đánh để ngâm đất sét trong vòng 3-4 tháng cho đất chín rồi đánh thành dịch lỏng đổ sang bể lắng. Khi các chất tạp nổi lên trên bề mặt dịch lỏng sẽ được tách ra khỏi tạp chất và đưa sang bể phơi trong khoảng 3-4 ngày. Và cuối cùng dịch lỏng được đưa sang bể ủ. Đất ủ càng lâu sẽ mang đến cho bạn một sản phẩm càng tốt.

         Sau khi đã xử lí tốt đất sét sẽ chuyển sang công đoạn nặn cốt, phơi khô sản phẩm. Lúc này những thợ gốm sẽ dùng các khuôn bằng gỗ hoặc thạch cao để in sản phẩm lên và sửa hàng rồi đem đi phơi khô trước khi quét men.

         Công đoạn thứ ba là quét men. Những thợ gốm sẽ vẽ những hình ảnh sống động lên trên mặt sản phẩm để tạo nên những sản phẩm đẹp mắt và ý nghĩa. Mỗi màu sắc men lại thích hợp với một sản phẩm gốm khác nhau. Hiện tại người ta chia thành 5 lớp men khác nhau như: men rạn, men thô, men chảy, men trơn và men lam.

         Công đoạn cuối cùng và cũng là quan trọng nhất trước khi có được một sản phẩm gốm chính là cho vào lò. Ngày trước khi chưa có kĩ thuật cải tiến như bây giờ dân làng Bát Tràng thường dùng các loại lò chính như lò bầu, lò ếch, lò hình hộp và lò ga. Tuy nhiên hiện nay do sự phát triển của công nghệ đồng thời tiết kiệm thời gian hai loại lò được sử dụng phổ biến tại Bát Tràng là lò hình hộp và lò ga. Để tạo được một sản phẩm vừa có chất lượng vừa đẹp mắt thì người ta sẽ nung trong lò khoảng 3 ngày 3 đêm sau đó cửa lò để nguội khoảng 2 ngày 2 đêm.

         Gốm Bát Tràng hiện nay được rất nhiều người yêu thích. KHông chỉ có chất lượng tốt kiểu dáng đẹp mà còn phong phú về chủng loại. Gốm Bát Tràng có thương hiệu nổi tiếng trong nước mà hiện nay còn được xuất khẩu ra rất nhiều nước trên thế giới với một số thị trường khó tính như: Nhật Bản, Châu Âu, Mỹ….Tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới 40 triệu đô la Mỹ trên năm.

         Ngoài việc tạo nên giá trị kinh tế hấp dẫn nó còn giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động phổ thông quanh vùng. Là một địa điểm du lịch hấp dẫn khách trong và ngoài nước.

         Có thể nói thương hiệu gốm Bát Tràng đã và đang khẳng định giá trị của mình trên trường quốc tế. Nơi đây không chỉ là một địa chỉ lưu giữ những giá trị tinh hoa văn hóa dân tộc mà còn chứa đựng những giá trị tinh thần lớn lao. Giữa bộn bề cuộc sống tấp nập nhưng nơi đây vẫn là một điểm đến một chốn đi về bình yên của con người.

Đề 4: Một lễ hội ghi lại những nét đẹp của phong tục truyền thống hoặc thể hiện khí thế sôi nổi của thời  đại.

Bài làm

   Tháng ba âm lịch luôn được coi là tháng đẹp nhất trong năm ở Tây Nguyên: trời nắng dịu, đất rừng khô ráo, dọc bên các cánh rừng, khe suối, hoa đủ các màu đua nhau khoe sắc. Và đây cũng là thời điểm diễn ra lề hội đua voi đặc sắc và hùng tráng. Ngày hội truyền thống, dân dã, chứa đựng nhiều màu sắc thể thao thượng võ này phản ánh nếp sống mạnh mẽ của người dân núi rừng Tây Nguyên.

   Với đồng bào dân tộc dọc theo dãy Trường Sơn, voi là vật quý hiếm nhất, là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của mỗi gia đình, mỗi buôn làng. Từ một giống vật hoang dã, khi được bắt về và thuần dường, voi trở thành người bạn thân thiết với con người trong đời sống hàng ngày, vận chuyến, đi lại, làm rẫy, kéo gỗ, làm thủy lợi... Voi là loài vật có thân hình to lớn, nhưng cũng là con vật thông minh nhất trong quần thể động vật hoang dã, đồng thời cũng là con vật giàu tình nghĩa. Nhìn chung, trong cả nước, voi tập trung nhiều nhất ở tỉnh Đắc Lắc (hơn 400 con voi nhà), trong đó huyện Ea Súp có đàn voi đông nhất. Bản Đôn thuộc huyện Ea Súp, nơi quy tụ nhiều tộc người M'Nông, Êđê, Lào... không những nổi tiếng với đàn voi nhà hàng trăm con, mà còn là xứ sở của nghề săn bắn và nuôi dạy voi từ lâu đời.

   Hội đua voi thường diễn ra vào mùa Xuân, cụ thể hơn vào dịp tháng ba âm lịch, đó là tháng đẹp nhất trong năm ở đây. Người Tây Nguyên thường ví von đó là "mùa con ong đi lấy mật, mùa con voi xuống sông uống nước, mùa em đi phát rẫy, làm nương, anh đi vào rừng đặt bẫy, gài chông". Đe chuẩn bị cho ngày hội, người quản tượng đưa voi đến những cụm rừng có nhiều cây cỏ để chúng được ăn uống no nê. Họ còn bồi dưỡng thêm chuối chín, đu đủ chín, mía cây, bắp ngô, khoai lang và hầu như không bắt voi phải làm những việc nặng để giữ sức. Đến ngày hội, những đàn voi từ các buôn làng xa gần nườm nượp kéo về buôn Đôn tập trung ở một số bãi, hoặc cánh rừng thưa ven sông Sêrêpốc. Cùng với những đàn voi, dân chúng khắp nơi đổ về dự hội với những bộ áo quần màu sắc rực rỡ. Bãi đua là một dài đất tương đối bằng phẳng, bề ngang đù để 10 con voi giăng hàng đi cùng một lúc, bề dài từ 1 đến 2 km. Một hồi tù và rúc lên, đàn voi dưới sự điều khiển của những chàng mơ-gát lần lượt tiến vào nơi khoảng đất bằng, dàn thành hàng ngay ngắn. Theo lệnh người điều khiển, từng tốp voi đi vào đứng ở tuyến xuất phát. Con đầu đàn đứng lên phía tnrớc, trong tư thế uy nghi, hai chân trước đứng thẳng, ngẩng cao, quay cái vòi mấy vòng rồi cúi đầu chào khán giả hai bên, xong lại lùi vào vị trí cũ. Trên mỗi con voi có hai chàng mơ-gát dũng mãnh, trong bộ trang phục sặc sỡ kiểu tướng lĩnh ngày xưa đang trong tư thế sẵn sàng chờ lệnh. Một tiếng tù và rúc to báo lệnh xuất phát. Những chú voi bật lên phóng về phía trước trong tiếng hò reo, la hét của khán giả cùng tiếng chiêng, tiếng ầm vang cả núi rừng. Chàng mơgát ngồi phía trước đầu voi cúi rạp mình, ngẩng đầu quan sát và điều khiển voi bằng một thanh sắt nhọn dài độ một mét gọi là kreo (tiếng M'Nông là gậy điều khiển) dùng để đâm mạnh vào da, thúc voi tăng tốc độ, còn anh chàng mơ-gát thứ hai ngồi ở phía sau thì dùng chiếc búa gồ Kốc nện mạnh vào mông con voi để voi chạy nhanh và thẳng đường. Khi bóng chàng mơ-gát ngồi trên lưng chú voi đi đầu vừa xuất hiện từ xa trong vòng quay trở về đích, thì tiếng reo hò của khán giả vang lên như sấm.

   Tiếng trống chiêng giục giã liên hồi. Tiếp theo là tiếng hoan hô những người thắng cuộc. Khi chú voi nào về đích thì tiếng reo hò của khán giả vang lên như sấm. Tiếng trống, tiếng chiêng giục giã liên hồi. Tiếp theo là tiếng hoan hô những người thắng cuộc. Những chú voi đạt giải được gắn hoa, mang đai đỏ cho người và voi. Voi thắng cuộc và các chàng mơ-gát được thưởng 1 con lợn và 7 ché rượu quý. Dân làng dự hội tặng cho chú voi thắng cuộc những cây mía hay ống đường. Sau cuộc đua, dân làng kéo nhau về nhà rông để ăn uống no say. Các chàng trai, cô gái ăn uống, nhảy múa trong nhịp cồng chiêng cho tới sáng.

   Hội đua voi là lễ hội đặc trưng, thể hiện tinh thần thượng võ của đồng bào Tây Nguyên. Khung cảnh hùng vĩ của núi rừng Tây Nguỵên càng tăng chất hùng tráng của ngày hội cổ truyền này. Cuộc đua voi kết thúc, những chú voi dự thi lần lượt trở lại các buôn làng xa xôi, mang theo tiếng hát, lời ca và không khí rộn ràng của mày hội.

(384) 1280 29/07/2022